Theo bài phân tích, từ lâu châu Âu đã được coi là một trong những khu vực thịnh vượng nhất, an toàn nhất và đa văn hóa nhất thế giới, nhưng nay lại trở thành một chiến trường trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
“Châu Âu có chiến tranh”
Chưa đầy 4 tháng sau vụ việc 11 kẻ tấn công gây ra vụ tàn sát tồi tệ nhất trên đất Pháp kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, “người hàng xóm” Bỉ của nước này lại phải trải qua một cơn ác mộng trong giờ cao điểm vào sáng 22/3 vừa qua.
Bốn người đàn ông quấn dây nổ quanh người và mang súng AK, được cho là thành viên của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS), đã thực hiện 3 vụ nổ tại hai địa điểm có đông khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Hai vụ đánh bom tự sát tại một trong những sân bay đông nhất thế giới đã khiến cho khu vực bán và kiểm soát vé biến thành một khu đổ nát.
Trong khi đó, một vụ đánh bom tự sát khác tại một ga tàu điện ngầm ở quận Maalbeek của Brussels đã làm ngưng trệ toàn bộ hệ thống giao thông trong thành phố. Khi cuộc tấn công kết thúc, hơn 30 người thiệt mạng và gần 200 người bị thương.
Hai vụ tấn công khủng bố tại Brussels, không lâu sau vụ thảm sát ở Paris hồi cuối tháng 11/2015, đã làm rung chuyển toàn bộ châu Âu. Thủ tướng Italia Matteo Renzi gọi đây là cuộc tấn công khủng bố có chủ ý nhằm vào trung tâm của châu Âu, còn Thủ tướng Pháp Manuel Valls tuyên bố “chúng ta đang trong chiến tranh”.
Cuộc chiến… không mặt trận
Vụ tấn công man rợ nhằm vào thủ đô của châu Âu một lần nữa cho thấy châu Âu vẫn luôn bị động trong cuộc chiến chống khủng bố.
Hàng tựa ở trang nhất báo “Le Monde” cho thấy lo ngại ấy: “Châu Âu trước thách thức khủng bố”. Bài xã luận của tờ báo này nhận định: “Sau Madrid, London, Paris phải hứng chịu những vụ tấn công khủng bố thảm khốc, giờ đến lượt Brussels.
Chúng ta không thể quên rằng chủ nghĩa khủng bố sẽ còn tồn tại dài… Trận chiến chống khủng bố cũng vậy”. Báo “Le Monde” cho rằng đó là một thử thách lớn đối với cả châu Âu, vốn đang bị lôi vào một cuộc chiến mới ngay trên lãnh thổ của mình.
Với tuyên bố của Thủ tướng Pháp Manuel Valls “chúng ta đang trong chiến tranh”, nhật báo “Libération” đặt câu hỏi: “Chiến tranh, nhưng đâu là mặt trận?”, đồng thời dẫn lại phát biểu của Thủ tướng Pháp rằng “chúng ta đang hứng chịu các hành động chiến tranh” để cho thấy châu Âu luôn bị động trong cuộc chiến này.
Về phần mình, báo “Libération” nhận định, châu Âu đang phải đối mặt với một “cuộc chiến kỳ quặc”, ở đó quân đội bị lùi lại tuyến sau đảm trách việc bảo vệ và cảnh giới: “Trong cuộc chiến mà chúng ta phải đương đầu với các tay súng trong bóng tối, không quân phục, không luật lệ, thì lực lượng cảnh sát và tình báo phải được đưa lên tuyến đầu. Đó là một cuộc chiến đầy bất trắc và diễn ra chủ yếu trong âm thầm để truy lùng những kẻ khủng bố trà trộn trong dân chúng”.
Báo “Libération” khẳng định: Chỉ có tăng cường hỗ trợ lực lượng cảnh sát và tình báo về mọi phương diện thì mới có thể ngăn chặn được các mối đe dọa khủng bố.
“Thêm dầu vào lửa”
Có thể nói, khi giới chức châu Âu và Mỹ đang bận rộn với các cuộc tranh luận về việc giám sát an ninh, làn sóng người tị nạn Syria và cách tốt nhất để chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế thì các cuộc thảm sát ở Bỉ có thể sẽ càng “đổ thêm dầu vào lửa”.
Báo “Le Figaro” ghi nhận: Sau vụ khủng bố ở Brussels, một lần nữa Liên minh Châu Âu (EU) phải đối mặt với sự yếu kém của chính mình. Châu Âu trải qua 7 năm kinh tế tiều tụy, nay đang lao đao chống đỡ cuộc khủng hoảng di cư.
Châu Âu tăng cường an ninh sau các vụ khủng bố ở Bỉ. |
Từ hàng tháng qua, châu Âu đã cố gắng tập trung sức mạnh tập thể, song những nỗ lực đó dường như không mang lại một giải pháp hiệu quả rõ rệt. Chống khủng bố cần phải chuyển từ lời nói qua hành động, đó là đề nghị của nhật báo “Le Parisien”.
Tờ báo cũng đặt ra một câu hỏi: “Châu Âu có thể thắng trong cuộc chiến này?” và trả lời “chưa chắc”. Cuộc điều tra vụ tấn công ở Bỉ cho thấy 3 kẻ khủng bố tại sân bay Zaventem và tàu điện ngầm ở trung tâm Brussels đều có mối liên hệ với những kẻ khủng bố tại Paris ngày 13/11/2015.
Bốn tháng sau loạt khủng bố ở Paris, người ta phát hiện thấy những kẻ khủng bố ở Paris và Brussels cùng chung một nhóm. Trong thời gian đó, những kẻ khủng bố không chỉ thoát được lưới của cảnh sát mà chúng còn có thể chuẩn bị một cuộc tấn công mới với quy mô lớn nhắm vào giữa thủ đô của châu Âu.
Báo “Le Parisien” đặt câu hỏi: “Làm sao có thể tin được những lời hứa hẹn “đao to búa lớn” của các nhà chính trị sau vụ khủng bố ngày 13/11/2015 ở Paris rằng lần này mọi việc sẽ thay đổi, rằng cảnh sát và các cơ quan an ninh châu Âu sẽ hợp tác…”. “Rốt cục chẳng có gì thay đổi, “châu Âu vẫn không rút ra được bài học từ các cuộc tấn công khủng bố hàng loạt” - tờ báo kết luận.
“Quýt làm, cam chịu”?
Thực tế là có một số bằng chứng cho thấy những kẻ khủng bố đã lợi dụng làn sóng người tị nạn Syria để xâm nhập vào châu Âu. Quốc vương Jordan Abdullah hôm qua vừa lên tiếng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ đưa khủng bố tới châu Âu, cho rằng đây là một phần trong chính sách của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Báo “Tin kinh tế Đức” (DWN) trích dẫn một văn bản được hãng MEE đăng tải cho biết, Quốc vương Abdullah đã lên án mạnh mẽ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc gặp gần đây với các nghị sĩ Mỹ ở Washington, rằng cuộc khủng hoảng người tị nạn và sự hiện diện của chủ nghĩa khủng bố trong đó không phải là sự tình cờ.
Theo ông: “Sự thật là các đối tượng khủng bố tới châu Âu một phần là do chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ, song mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ luôn bị lên án vì việc đó, họ vẫn làm những gì họ muốn”. Tại cuộc gặp của Quốc vương Abdullah tại Mỹ có sự hiện diện của các Thượng nghị sĩ John McCain, Bob Corker, Mitch McConnell và Harry Reid.
Theo báo Đức, thông tin trên là đáng tin cậy, do hãng tin MEE luôn hoạt động theo các tiêu chí báo chí chuyên nghiệp. Cũng theo Quốc vương Ab dullah, không có gì nghi ngờ khi Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ IS xuất khẩu dầu mỏ.
Theo ông, Ankara không chỉ hỗ trợ các nhóm Hồi giáo ở Syria mà cả ở Libya và Somalia. “Kim khẩu” của Quốc vương Jordan rất có thể còn gây “hỏa hoạn” lớn cho chính trường Mỹ. Các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa ở Mỹ đang muốn hạ thấp “hạn ngạch” tiếp nhận người nhập cư hoặc muốn thực hiện lệnh cấm toàn bộ người di cư Hồi giáo đến Mỹ, và chắc chắn họ sẽ dẫn chứng thảm kịch ở Bỉ để bảo vệ quan điểm của mình.
Mặc dù đã được Hạ viện thông qua vào năm ngoái nhưng đảng Cộng hòa vẫn thất bại trong việc cố gắng giành được sự ủng hộ của Thượng viện đối với một dự luật yêu cầu Cục Điều tra Liên bang Mỹ xác nhận xem người tị nạn từ Syria và Iraq có phải “là một mối đe dọa đối với an ninh Mỹ” hay không. Trong khi đó, đảng Dân chủ coi việc phân biệt đối xử với người Hồi giáo chính là nỗ lực để tránh chủ nghĩa khủng bố và bạo lực.
Rối càng thêm rối
Giữa lòng châu Âu, mọi chuyện càng thêm rối ren hơn khi ngày 27/3, cảnh sát Bỉ đã phải dùng vòi rồng để giải tỏa hàng trăm người biểu tình giữa trung tâm thủ đô Brussels sau khi những người này bác bỏ lời kêu gọi của chính quyền về việc hoãn các cuộc tuần hành thể hiện sự đoàn kết.
Cảnh sát chống bạo động đã dùng vòi rồng đẩy lui đám đông có số lượng ước tính từ 500-1.000 người. Những người biểu tình hô khẩu ngữ lên án vụ tấn công sân bay và tàu điện ngầm ở Brussels làm 31 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, đồng thời lên tiếng bày tỏ sự đoàn kết với những nạn nhân.
Trong khi đó, một cuộc biểu tình chống khủng bố của người Thổ Nhĩ Kỳ ở thành phố Aschaffenburg thuộc bang Bayern, miền Nam nước Đức, cũng biến thành ẩu đả khi những người tham gia biểu tình bị người Kurd ném đá và pháo hoa, nguyên nhân là do mâu thuẫn giữa những người Thổ Nhĩ Kỳ với người Kurd trong thành phố.
Theo báo chí Đức ngày 27/3, một người Thổ Nhĩ Kỳ đã đăng ký với cảnh sát để tiến hành cuộc biểu tình của khoảng 200 người với khẩu hiệu “Cùng chống khủng bố”. Cuộc tuần hành đã thu hút khoảng 600 người tham gia và được cảnh sát hộ tống nhưng một nhóm khoảng 30 người đã bất ngờ tấn công những người biểu tình, ban đầu chỉ là đôi co, sau đó là ném đá và pháo hoa vào những người biểu tình.
Thông báo sơ bộ của cảnh sát cho biết, lực lượng tấn công là những người Kurd ở Đức. Cảnh sát đã nhanh chóng có mặt để tách hai nhóm đối địch và ngăn chặn các hành động quá khích của những kẻ tấn công. Sau đó, lực lượng người Kurd đã chạy trốn và cố thủ trong một khu nhà khiến cảnh sát không thể tiếp cận. Từ mái nhà, lực lượng này tiếp tục ném đá và pháo hoa về phía cảnh sát. Sau một hồi kêu gọi, những người này đã ngừng các hành động quá khích, cảnh sát ập vào khu nhà và bắt giữ toàn bộ 32 đối tượng.
Những người này bị cáo buộc vi phạm pháp luật, an ninh trật tự và vi phạm quy định về tụ tập đông người. Rõ ràng, châu Âu đang dần quay cuồng trong vòng rối ren khi mà cuộc chiến chống khủng bố đang đưa ngọn lửa chiến tranh vào giữa lòng khu vực vốn yên bình này. Và những câu hỏi gay gắt đặt ra ở trên, chưa ai nhìn thấy câu trả lời khả dĩ...