Dù đã được cảnh báo rất nhiều và Bỉ đã có nhiều biện pháp về an ninh để ngăn chặn thảm họa khủng bố diễn ra nhưng rốt cuộc, những kẻ khủng bố vẫn thực hiện được tội ác của chúng ngay tại những địa điểm đông người và đúng vào giờ cao điểm giữa lòng châu Âu.
Bỉ thành “điểm nóng” - Vì sao?
Ngay sau khi thủ đô Paris của Pháp bị khủng bố hồi tháng 11/2015, Thủ tướng Bỉ Charles Michel khi đó đã bày tỏ lo ngại về một vụ tấn công tại Brussels “giống những gì xảy ra ở Paris” và mối lo ngại của ông đã trở thành hiện thực.
Ba vụ đánh bom khủng bố liên hoàn xảy ra tại sân bay Zaventem và ga tàu điện ngầm Maelbeel ở thủ đô Brussels ngày 22/3 diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bỉ thông báo bắt được Saleh Abdeslam - nghi can chính trong loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris. Ngày 22/3 đã trở thành “ngày đen tối” không chỉ với Bỉ mà với cả châu Âu.
Các nhà phân tích cho rằng, có nhiều lý do khiến Bỉ trở thành mục tiêu tấn công của các tổ chức khủng bố.
Thứ nhất, Bỉ là “trái tim của châu Âu” - nơi có nhiều văn phòng của các tổ chức thuộc Liên minh Châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - là mục tiêu dễ nhắm tới nhất của các nhóm khủng bố.
Thứ hai, Bỉ là quốc gia có nhiều công dân trốn đến Syria để chiến đấu cho tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) với hơn 400 người, dù là một đất nước nhỏ bé, con số cao hơn bất kỳ nước nào khác tại châu Âu.
Đặc biệt, những thảm kịch khủng bố hồi tháng 11/2015 ở thủ đô Paris cũng gắn với một số đối tượng xuất thân từ thủ đô Brussels và quận Molenbeek - vùng ngoại ô “đáng sợ” nhất ở Bỉ. Dân số quận Molenbeek có đến hơn 50% là người nhập cư.
Theo số liệu chính thức, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này là 30%, trong khi chỉ số trung bình trong nước là 8,4%. Ngoài các vụ khủng bố tháng 11/2015 ở Paris, những phần tử xuất thân từ quận Molenbeek còn tham gia vào việc lên kế hoạch hoặc thực hiện một số vụ tấn công lớn trên thế giới.
Thứ ba, Bỉ cũng vấp phải những khó khăn nhất định trong việc quản lý an ninh. Trên bình diện đảm bảo an ninh, 19 khu vực của Brussels thuộc quyền kiểm soát của sáu đơn vị cảnh sát riêng biệt, gây phức tạp cho việc trao đổi thông tin về truy tìm tội phạm trong phạm vi toàn thủ đô.
Ngoài ra, nước Bỉ bị chia tách thành 3 vùng với ngôn ngữ và văn hóa khác nhau hoàn toàn. Vì vậy, cơ quan an ninh sở tại gặp nhiều khó khăn trong việc phối hợp điều tra, bắt giữ tội phạm cũng như hợp tác tình báo.
Luật pháp Bỉ cũng được cho là đang làm khó các cơ quan an ninh bởi hiện tại, cảnh sát không được phép theo dõi các cuộc nói chuyện trên điện thoại. Do vậy, họ khó có thể phát hiện được những kẻ đang có âm mưu khủng bố.
Thứ tư, Bỉ được coi là thị trường lớn về vũ khí lậu. Lâu nay, hoạt động kinh doanh và buôn lậu súng ở Bỉ đã trở thành một ngành kinh doanh phát đạt và có quy mô lớn nhất châu Âu. Nhiều chuyên gia an ninh cảnh báo: “Nếu có 500 đến 1000 euro ở Brussels, chỉ mất nửa giờ là kiếm được vũ khí”.
Như vậy, sau Pháp, Bỉ đã trở thành nạn nhân của nhóm khủng bố IS. Chưa thể nói trước nước nào ở châu Âu sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của chúng khi mà các mạng lưới chân rết của IS đã trải rộng khắp châu lục.
Người dân Bỉ không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ. |
Châu Âu lúng túng
Các nhà phân tích cho rằng, dù đã chuẩn bị cho các kịch bản thảm họa nhưng mỗi khi xảy ra một vụ tấn công khủng bố, giới chức Bỉ và các nhà lãnh đạo châu Âu luôn rơi vào thế bị động.
Sau vụ khủng bố ngày 13/11/2015 tại Paris, cảnh sát Bỉ đã phối hợp chặt chẽ với cảnh sát Pháp và cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) tiến hành hàng trăm vụ truy lùng gắt gao tại Brussells mà kết quả là bắt được tên khủng bố khét tiếng Saleh Abdeslam vào ngày 18/3/2016.
Thế nhưng, chỉ vài ngày sau, các vụ khủng bố liên hoàn xảy ra khiến giới chức chống khủng bố của Bỉ nói riêng và châu Âu nói chung không khỏi bàng hoàng, là một lời thách thức đối với các nhà chức trách Bỉ cũng như các nhà lãnh đạo châu Âu.
Theo ông Roland Jacquard, Chủ tịch tổ chức “Đài quan sát quốc tế về chủ nghĩa khủng bố”, loạt vụ tấn công tại Brussels cũng như Paris cho thấy các lực lượng khủng bố đã “chiến thắng” các nhà nước châu Âu ở nhiều cấp độ. Chúng áp đặt luật chơi khiến nhiều nước phải đối phó với nguy cơ khủng bố bằng cách thiết lập “tình trạng khẩn cấp”, gây nhiều tổn hại cho nền kinh tế khi buộc các quốc gia phải tăng cường lực lượng và chi phí để triển khai các biện pháp an ninh.
Bên cạnh đó, chúng còn tiến hành các cuộc tấn công khủng bố dã man, tàn bạo, gây thương vong lớn cho nhiều người dân vô tội.
Loạt vụ tấn công ở Brussels cũng cho thấy những gì mà các cơ quan chức năng đã nhận định là chính xác: nguy cơ bị tấn công khủng bố tại Pháp, Bỉ cũng như nhiều thành phố trên toàn châu Âu là rất cao. Việc Saleh Abdeslam - nghi phạm bị truy lùng gắt gao nhất tại châu Âu - có thể lẩn trốn trong thời gian 4 tháng tại quận Molenbeek ở thủ đô Brussels của Bỉ chứng tỏ rằng những kẻ cực đoan có mạng lưới khá vững chắc để có thể “cưu mang” những tên tội phạm và chúng đã lập hang ổ khủng bố ngay trong lòng châu Âu.
Ngoài ra, cần phải nhìn thẳng vào sự thật là các khu phố nhập cư ở Brussels hay các khu ngoại ô nghèo ở Paris thường được ví như “xóm liều”. Tại đây, một bộ phận con em của những người nhập cư không được học hành, lêu lổng, đã đến với con đường tội phạm, bị tiêm nhiễm các tư tưởng cực đoan và được chiêu mộ để tham gia lực lượng thánh chiến. Chính vì vậy, không hề cường điệu khi nói rằng ở châu Âu không chỉ có một “xóm liều” Molenbeek ở Brussels mà còn có nhiều “xóm liều” như vậy ở Paris, Madrid, Roma và nhiều thành phố khác.
Nếu nhìn châu Âu theo chiều sâu, có thể nhận thấy một vấn đề nghiêm trọng là các nhà lãnh đạo châu Âu và dân chúng châu Âu cũng đang rất mâu thuẫn nhau, thậm chí là có quan điểm trái ngược nhau trong việc xác định nguy cơ và biện pháp chống lại chủ nghĩa khủng bố, nhất là khủng bố mượn danh tôn giáo.
Trong khi nhiều người cho rằng cần có các biện pháp tăng cường an ninh, phân định những người theo những tôn giáo cực đoan thì không ít chính trị gia và người dân lại rất “ngây thơ” trước những nguy cơ tiềm tàng đến từ những kẻ theo những tôn giáo cực đoan ngay chính trong lòng châu Âu. Thậm chí, những cộng đồng tôn giáo cực đoan ấy còn lớn tiếng đòi hỏi quyền lợi, đòi chính phủ, xã hội và cộng đồng chấp nhận những quy tắc tôn giáo cực đoan của họ.
Thêm vào đó, hàng ngày dòng người di cư từ khu vực Trung Đông - châu Phi vẫn tiếp tục tràn vào châu Âu và không cơ quan chức năng nào có thể kiểm soát được đâu là người nhập cư chạy trốn chiến tranh và đói nghèo thực sự, đâu là những kẻ khủng bố, thành viên của IS.
Cho đến nay, dù đã trải qua rất nhiều cuộc họp cấp cao trong nội bộ EU và giữa EU với các đối tác khác như Thổ Nhĩ Kỳ,… nhưng EU vẫn chưa tìm ra được giải pháp để ngăn chặn dòng người di cư vào châu lục này. Điều này cũng cho thấy mức độ nghiêm trọng của nguy cơ khủng bố từ những kẻ Hồi giáo cực đoan trà trộn trong cộng đồng người nhập cư, đồng thời cũng phô bày những chia rẽ, rạn nứt trong nội bộ EU về những vấn đề gai góc của châu lục.
An ninh thắt chặt nhưng Bỉ vẫn bị động trước những vụ khủng bố. |
Căng như dây đàn
Sau loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Brussels, Quyền Bộ trưởng Nội Vụ Tây Ban Nha Jorge Fernandez Diaz đã tuyên bố nước này sẽ tiếp tục duy trì cảnh báo an ninh ở mức 4 - đồng nghĩa với việc một mối đe dọa thực sự có thể xảy ra.
Phát biểu sau 2 cuộc họp có sự tham dự của Ủy ban Đánh giá các mối đe dọa khủng bố và Hiệp ước chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan của Tây Ban Nha, ông Diaz nhấn mạnh quốc gia này hiện đang bị đe dọa bởi các nhóm khủng bố, do vậy Chính phủ Tây Ban Nha vẫn tiếp tục duy trì cảnh báo an ninh ở mức cao và không thể lơ là mất cảnh giác.
Cùng ngày, CH Séc cũng đã nâng mức báo động khủng bố từ 0 lên 1, mặc dù các cơ quan an ninh của nước này chưa nắm được thông tin xác thực về các âm mưu khủng bố. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nội vụ Séc Milan Chovanec còn tuyên bố Praha sẵn sàng tăng cường kiểm soát các đường biên giới với các nước tham gia Hiệp ước Schengen. Theo hệ thống cảnh báo nguy cơ khủng bố gồm 5 cấp ở CH Séc, cấp độ 0 đồng nghĩa nguy cơ này không tồn tại, trong khi cấp độ 1 được biểu thị bằng tam giác màu vàng cho thấy việc tiềm ẩn nguy cơ khủng bố.
Còn giới chức Pháp đã quyết định đóng cửa sân bay Toulouse–Blagnac tại miền Nam nước này vào lúc 6 giờ 45 phút giờ địa phương (12 giờ 45 phút giờ Việt Nam), đồng thời sơ tán các hành khách, nhân viên sân bay và triển khai cảnh sát chống bạo động tới phong tỏa sân bay và khu vực xung quanh. Thủ tướng Pháp Manuel Valls cùng ngày nhấn mạnh việc thắt chặt kiểm soát các khu vực biên giới EU là nhu cầu cấp thiết, cũng như tăng cường công tác giám sát để ngăn chặn các đối tượng dùng hộ chiếu giả vượt qua khu vực này.
Từ Sydney, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull khẳng định, bất chấp các vụ tấn công khủng bố ở châu Âu, chính phủ Australia sẽ không tăng cường các biện pháp an ninh quốc gia. Nhà lãnh đạo Australia khẳng định các lực lượng bảo vệ tuyến đường biển của nước này đang được đặt trong tư thế sẵn sàng đối phó với các cuộc tấn công khủng bố tiềm năng, trong khi lực lượng biên phòng cũng đã được nâng cao cảnh giác và gần đây đã ngăn chặn thành công 6 hoạt động khủng bố ở nước này. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo, Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã hủy chuyến công du Trung Quốc.
Rõ ràng, trong khi đang đau đầu mà chưa giải quyết được vấn đề người di cư và nỗi lo nước Anh rời khỏi EU, giờ đây châu Âu lại chồng chất thêm nguy cơ khủng bố. Có lẽ sự đoàn kết và đồng lòng hiện nay là chưa đủ mà châu Âu cần có một cách tiếp cận mới, một phương thức hợp tác mới để ngăn chặn hiệu quả nguy cơ khủng bố.