Đổi đời nhờ những công việc nhỏ
Đó là câu chuyện của chị Lê Thị Xuyến, một nữ lao động di cư từ Hưng Yên lên Hà Nội. Quyết định lên Hà Nội mưu sinh đến với chị Xuyến sau chuỗi ngày vất vả làm ruộng chỉ mong đủ tiền nuôi hai con ăn học cùng chồng. Công việc nặng nhọc, thậm chí chấp nhận vay nặng lãi để đầu tư vào mấy sào ngô, thước lúa nhưng rồi đến vụ thu hoạch vẫn “xôi hỏng bỏng không” khiến gia đình lâm vào nợ nần túng thiếu.
Duy trì thúng xôi ở vỉa hè Hà Nội được 3 năm, chị Xuyến chuyển sang bán quần áo rong ruổi khắp các chợ trong quận Hoàng Mai. Chăm chỉ làm việc, chi tiêu tằn tiện, ban đầu chị Xuyên đều đặn gửi tiền về cho nuôi con ăn học.
Sau đó, chị bàn với chồng chuyển cả nhà lên Hà Nội để con trai có điều kiện học tốt hơn. Khoe căn nhà 22m2 trên mảnh đất nhỏ vừa mua chị Xuyến tự nhủ: “Quyết định rời quê ngày nào là không sai lầm. Tuy hành trình mưu sinh tuy gian nan nhưng rồi cũng có trái ngọt”.
Hôn nhân tan vỡ, chị Hà Thị Thanh ở Phú Thọ một mình cày cấy 7 sào ruộng. Nhưng ở vùng đất trung du, một năm chỉ trồng được một vụ lúa, chị phải vắt kiệt sức để lao động nuôi con. Thấy chị khổ quá, có người bạn mách mối, năm 1994, chị xuống Hà Nội làm nghề giúp việc.
Sau gần 25 năm đi làm, từ hai bàn tay trắng, chị Thanh đã tích cóp xây dựng được một căn nhà rộng rãi, khang trang và còn đầu tư được một quán cà phê cho con dâu. “Lúc đầu khi mới xuống Hà Nội cũng mặc cảm ghê lắm vì nghĩ nghề giúp việc là nghề đi ở.
Tôi giấu mọi người, chỉ nói là đi làm việc ở Hà Nội. Nhưng bây giờ với tôi nghề giúp việc gia đình là nghề có giá, thu nhập cao hơn hẳn so với làm nông nghiệp ở quê. Nhờ đó mà gia đình tôi đổi đời”, chị Thanh kể.
Câu chuyện đổi đời của chị Xuyến, chị Thanh là những ví dụ minh chứng cho vấn đề đóng góp của lao động di cư vào phát triển kinh tế - xã hội. Nói về vấn đề này, TS Trần Thị Hồng (Mạng lưới Hành động vì lao động di cư – M.net) nhấn mạnh, lao động di cư đã có những đóng góp về kinh tế, cụ thể là tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.
Với mức thu nhập dao động 4 - 10 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào từng công việc, người di cư có nguồn thu nhập cao hơn đáng kể so với trước đó làm nông nghiệp, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và dần dần có tích lũy tài sản.
Dưới góc độ xã hội, người lao động di cư ngày càng nhận thức tốt hơn về giá trị bản thân cũng như công việc của mình. Về mặt vật chất, thu nhập từ công việc lao động là nguồn kinh phí dành cho các thành viên trong gia đình được tiếp cận với giáo dục như đi học đại học, tham gia đào tạo nghề, học ngoại ngữ, tin học.
Bên cạnh đó, đa phần các gia đình lao động di cư đều được cải thiện về dinh dưỡng, nâng cao chăm sóc sức khỏe nhờ thay đổi nhận thức và kinh tế. Bình đẳng giới trong gia đình lao động di cư cũng được cải thiện. Ngoài ra, lao động di cư góp phần vào quá trình chuyên môn hóa nghề nghiệp trong xã hội với sự phát triển đội ngũ lao động giúp việc gia đình, thu gom rác, xe ôm…
Khó tiếp cận việc làm bền vững vì hạn chế pháp luật
Tuy nhiên, cũng theo TS. Trần Thị Hồng: “Do trình độ học vấn thấp, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, hạn chế hiểu biết pháp luật… nên lao động di cư gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận việc làm bền vững”.
Bộ luật Lao động và Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động, trong đó quy định lao động là người giúp việc gia đình phải ký kết hợp đồng lao động; quy định cụ thể về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; an toàn vệ sinh lao động; giải quyết tranh chấp lao động...
Hợp đồng lao động bằng văn bản nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động và chủ sử dụng lao động về thỏa thuận tiền lương, chế độ an sinh xã hội. Tuy nhiên, phần lớn nữ lao động di cư, lao động khu vực phi chính thức lại rất ngại ngần nhắc tới vấn đề này.
Chị Nguyễn Thị Lộc, quê ở Nghi Xuân (Thanh Hóa) làm nghề giúp việc gia đình tại khu Royal City – phường Thượng Đình (Hà Nội) đã 5 năm và từng chuyển qua làm cho nhiều gia đình khác nhau. Tuy nhiên, chị Lộc cho biết chưa bao giờ đặt bút ký bản hợp đồng lao động nào với chủ nhà. Toàn bộ thỏa thuận về lương thưởng, chế độ nghỉ ngơi, lễ tết, ốm đau… đều được 2 bên thống nhất bằng… miệng.
Theo chị Lộc, nghề giúp việc vốn rất đặc thù là sống cùng với chủ nhà như một thành viên trong gia đình. Vì vậy, mối quan hệ làm công nhưng chủ yếu dựa trên lòng tin là chính. Trên thực tế, có những lúc xảy ra mâu thuẫn, cãi vã không thể thỏa thuận được, thì theo chị Lộc, “cũng không có cơ sở nào để mà đối chất. Thôi thì cả người giúp việc và gia chủ cùng chịu thiệt, đành tặc lưỡi cho qua và tìm kiếm nơi làm việc mới”.
Bên cạnh việc phần lớn lao động di cư, lao động tự do rất “ngại” ký hợp đồng bằng văn bản bởi chưa thật sự hiểu hết những lợi ích cũng như ngại với sự ràng buộc “giấy trắng mực đen” những vấn đề liên quan tới pháp luật, thì bà Nguyễn Thu Giang, Viện Phó Viện Phát triển Cộng đồng Ánh Sáng - LIGHT cho rằng còn lỗ hổng khá lớn là về vấn đề giám sát thực thi luật.
Hiện nay rất thiếu bộ máy giám sát, đặc biệt ở xã, phường chỉ có một cán bộ phụ trách về lao động, nhưng có tới vài ngàn lao động giúp việc. Trong khi đó, đặc thù của nghề giúp việc lại ẩn sâu trong mỗi gia đình. Chính vì vậy cần phải có giải pháp tổng thế là phối hợp, từ người dân trong tổ dân phố, tổ trưởng dân phố, chính chủ sử dụng lao động và người giúp việc… đều được nâng cao nhận thức về việc ký kết hợp đồng lao động để đảm bảo được những quyền lợi, về an sinh xã hội…
“Việc thực thi chưa tốt những quy định liên quan tới ký kết hợp đồng lao động, trước tiên phải nói tới ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt. Đặc biệt, ý thức của người lao động về quyền của mình, nên phần lớn lao động giúp việc gia đình không yêu cầu thực hiện quyền đó.
Trên thực tế, rất nhiều chị em lao động di cư còn tìm cách… né tránh tất cả những vấn đề về mặt pháp lý để giảm thiểu chi phí. Trong khi họ không hiểu đó chính là cơ sở pháp lý để giảm thiểu rủi ro cho cả hai bên người lao động và chủ sử dụng” – bà Giang nhấn mạnh.