Tết này lấy gì tiêu?
Về thôn Văn Tứ Đông vào một buổi chiều cuối tháng 11, chúng tôi men theo con đường mòn của người dân ra khu vực nuôi trồng thủy sản. Trước mắt chúng tôi là những ao đìa nuôi tôm, cua đã bị hai cơn lũ vừa qua phá vỡ tan tác, ngổn ngang cỏ cây, bùn đất bồi đắp. Theo người dân thôn Văn Tứ Đông, họ chủ yếu sống dựa vào việc nuôi trồng thủy sản đã hơn 30 năm nay nhưng chưa khi nào thấy lũ chồng lũ gây thiệt hại lớn cho bà con như năm nay.
Trắng tay, nợ nần và chỉ còn hai tháng nữa là đến Tết. Bao nhiêu nguồn thu nhập của gia đình cho dịp Tết đều đặt vào các đìa tôm, cua, mất hết rồi Tết này biết lấy gì mà tiêu. Đó là những lời bộc bạch ứa nước mắt của chị Hồ Thị Miên (thôn Văn Tứ Đông, xã Cam Hòa). Cả gia đình chị Miên sống phụ thuộc vào việc nuôi trồng thủy sản:
“Sau hai trận lũ vừa qua, gia đình tôi mất ít nhất gần 300 triệu. Lũ tràn về với lưu lượng lớn đã khiến 6 sào đìa của gia đình tôi bị vỡ, 20 vạn con tôm thẻ chân trắng, 400 con cua chỉ mới được hai tháng tuổi đã theo dòng nước lũ, vốn liếng của hai vợ chồng đập vào tôm giờ mất sạch, lại thêm khoản nợ tiền vay ngân hàng, tiền mua thức ăn nuôi tôm, cua nữa, những người nông dân nghèo như chúng tôi không biết bấu víu vào ai khi thiên tai cứ dồn dập đến”, người nông dân nghẹn lời.
Chồng chị Miên vì tiếc của cứ quyết lao ra cứu các đìa tôm bất chấp nguy hiểm của những dòng nước đổ về cuộn cuồn, người nhà mãi mới khuyên ngăn được.
Người đàn ông trạc tuổi 60, thân hình gầy sọm ngồi thẫn thờ trước các đìa tôm đã không còn gì, ông là Nguyễn Xuân Lộc. Ông chua xót cho biết: “Trung bình mỗi năm tôi thu hoạch được 400 triệu. Chưa khi nào gặp phải tình trạng lũ đầu đi qua chưa kịp định thần lũ tiếp lại đến, lũ sau lớn hơn lũ trước. Đây là lần đầu tiên tôi trắng tay do thiên tai”.
“Do đây là vụ để tiêu thụ trong dịp Tết nên chúng tôi đầu tư lớn cả về giống nuôi cũng như thức ăn. Nhà tôi có 8 sào đìa với 300 tấn tôm, 5 tấn cua, vốn liếng chủ yếu lấy vụ trước đập vào vụ sau, thức ăn thì nợ nhà cung cấp đến khi thu hoạch mới thanh toán, giờ tôm, cua không còn biết lấy gì mà trả”, người đàn ông da đen ngăm bần thần.
Theo ghi nhận thực tế, trên địa bàn thôn Văn Tứ Đông có hơn 210 hộ nuôi tôm thẻ trắng và cua, với diện tích hơn 150 ha, giờ gần như mất trắng. Do đó, các hộ ở đây muốn tiếp tục nghề nuôi trồng thủy sản thì phải đi vay mượn lãi ngày hoặc ký gửi sổ đỏ ở ngân hàng để có tiền đầu tư nuôi trồng vụ tới.
Thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng
Theo UBND xã Cam Hòa, trong hai đợt lũ vừa qua đã khiến cho gần 200 ha nuôi trồng thủy sản của khoảng 250 hộ dân trong tình trạng ngập úng, giá trị thiệt hại lên đến vài chục tỷ đồng.
Ông Lê Đình Cường, Trưởng phòng Phòng NN& PTNT huyện Cam Lâm cho biết, không riêng xã Cam Hòa mà nhiều địa bàn khác ở huyện Cam Lâm cũng bị thiệt hại nặng như xã Cam Hải Đông, Cam Thịnh Bắc, Cam Đức, Cam Hải Tây khi hàng trăm héc ta ao đìa tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá mú, cá chẽm, cá dìa, cua, ốc hương bị lũ cuốn trôi.
Theo đó, trong 2 đợt mưa lũ vừa qua, ước tính tỉnh Khánh Hòa thiệt hại trên 396 tỉ và có 19 người thiệt mạng, 33 người bị thương, 200 nhà bị sập, hư hỏng. Trên địa bàn có khoảng 1.000 ha lúa bị ngập, hư hỏng; hơn 200ha rau màu, 10 ha cây ăn quả bị thiệt hại và hơn 10.000 con gia súc bị chết. Trong đó, có 400 ha ao, đìa nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do lũ ngập, 5 tàu bị chìm, hư hỏng, thiệt hại ước tính trên 50 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực giao thông đã có hơn 32 tuyến đường bị sạt lở, hư hỏng, gây chia cắt giao thông với tổng khối lượng đất, đá sạt lở hơn 35 nghìn m3; 5 cầu, tràn bị xói lở; nhiều tuyến đường giao thông liên xã bị xói lở, hư hỏng với tổng thiệt hại ước tính khoảng 70 tỉ đồng..