Tuy nhiên, vào ngày 16/1/2017, ông Nguyễn Quang Khoa, Trưởng Công an xã Vĩnh Quỳnh đã trực tiếp chỉ đạo, đưa người và máy xúc đến phá dỡ tường rào để cho dòng họ Đỗ thi công lối đi và đổ bê tông xung quanh ngôi mộ (chiếm đến 65m2/100m2 đất của gia đình ông Tuấn Anh).
Giải thích cho sự việc này, bà Nguyễn Thị Hồng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh cho biết: “Phần đất 100m2 của gia đình ông Tuấn Anh được xác định là đất công, do đây là đất mồ mả của gia đình họ Đỗ. Xã có chủ trương phối hợp với gia đình ông Đỗ Văn Chiến để làm đường giao thông nông thôn mới theo hình thức xã hội hóa. Hơn nữa trong Sổ mục kê năm 1994, gia đình ông Tuấn Anh không có đất ở vị trí này”.
Khi chúng tôi đề nghị được xem Sổ mục kê thì bà Hồng đưa ra mấy tờ giấy phô tô tẩy xóa và nói: “Tại vị trí đất đó chỉ có một người đứng tên là bà Nguyễn Thị Tám. Còn vợ ông Tuấn Anh là bà Đỗ Thị Tám. Bây giờ chúng tôi đang xác minh xem bà Nguyễn Thị Tám là ai mà chưa xác minh ra”.
Tuy nhiên, nhiều hàng xóm của ông Tuấn Anh (trong đó có người nhà ông Kín) đều thừa nhận, việc gia đình ông Kín chuyển nhượng đất cho gia đình ông Tuấn Anh là có thật. Khi làm “sổ đỏ” có đầy đủ chữ ký của các hộ giáp ranh.
Cụ Nguyễn Quang Ki (89 tuổi, thời điểm năm 1994 là cán bộ địa chính xã Vĩnh Quỳnh) cho hay: “Nguồn gốc đất do mẹ đẻ ông Kín để lại. Rồi ông Kín bán đất cho gia đình ông Tuấn Anh. Đường vào ngôi mộ dòng Đỗ hiện nay là do xã Vĩnh Quỳnh cho phép dòng họ Đỗ mới mở”.
Vậy, không hiểu tại sao, chỉ dựa vào việc có ngôi mộ mà UBND xã Vĩnh Quỳnh lại cho rằng thửa đất đó là đất công?
Điều khiến gia đình ông Tuấn Anh bất bình là việc họ đóng thuế đất từ năm 2010 đến nay nhưng không được xét đến. Chỉ dựa vào lỗi ghi nhầm họ của bà Tám trong Sổ mục kê năm 1994 mà chính quyền đã bác bỏ quyền sử dụng đất của người dân trong khi lỗi không thuộc về phía người dân. Hơn nữa, trong suốt hơn 20 năm nay, cũng không có ai tên là “Nguyễn Thị Tám” đến đây để tranh chấp, đòi quyền sử dụng đất cả.
Câu hỏi đặt ra: Tại sao chính quyền xã Vĩnh Quỳnh vào cuộc một cách “quyết liệt” để làm con đường vào thăm viếng ngôi mộ nhưng “lấy danh” là “đường giao thông nông thôn mới”? Nhiều người dân khu vực này cho biết, xã Vĩnh Quỳnh đang có ý định chuyển đổi hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp (nằm phía trong mảnh đất của ông Tuấn Anh) thành đất ở. Và việc làm con đường đi này chỉ là bước khởi động ban đầu cho ý định trên mà lại không cần làm thủ tục thu hồi đất, đền bù thiệt hại cho người dân?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì xác nhận: “Phương án xã Vĩnh Quỳnh làm đường giao thông nông thôn vào ngôi mộ để chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất nông nghiệp phía trong là có cơ sở. Việc này tôi sẽ giao cho Thanh tra cùng các cơ quan chức năng huyện Thanh Trì làm rõ”.
Tuy nhiên, đã hơn hai tháng sau khi Thanh tra huyện vào cuộc, gia đình ông Tuấn Anh vẫn chưa nhận được trả lời của cơ quan có thẩm quyền về việc lấy đất, làm đường trong vụ việc này.