Chỉ vì “diện tích tương đối lớn”?
Bà Ngoạn cho biết: Năm 1975, chồng bà là ông Nguyễn Đăng Cương (hiện đã mất) từ miền Bắc vào nhận công tác tại Đài phát thanh truyền hình Lâm Đồng, được chính quyền bố trí ở tại căn nhà số 4, đường Ba Tháng Tư, TP Đà Lạt theo hình thức thuê nhà sở hữu Nhà nước. Các con của ông bà lập gia đình cũng ở chung trong căn nhà này (gồm 3 hộ, 16 nhân khẩu).
Ngày 4/7/1998, ông Cương đã có đơn gửi Hội đồng bán nhà tỉnh Lâm Đồng đề nghị được mua lại căn nhà trên. Tuy gia đình ông Cương có đầy đủ điều kiện để được hóa giá căn nhà này theo Nghị định 61/1994/NĐ-CP nhưng tỉnh Lâm Đồng không chấp thuận.
Theo bà Ngoạn, trong lúc gia đình bà không được mua hóa giá căn nhà này thì từ năm 1994 đến năm 1998, các căn nhà thuộc sở hữu Nhà nước đang cho thuê trên cùng tuyến đường như gia đình bà đều được UBND tỉnh Lâm Đồng bán hóa giá cho các hộ có nhu cầu.
Ngày 5/11/2002, ông Cương tiếp tục có đơn xin mua căn nhà trên nhưng vẫn không được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận. Đến ngày 6/11/2003, UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 3059/QĐ-UB về việc thu hồi toàn bộ nhà, đất tại số 4, đường Ba Tháng Tư, TP Đà Lạt giao cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng sử dụng.
Không đồng tình, gia đình bà Ngoạn khiếu nại nên việc thu hồi này vẫn chưa được thực hiện được.
Trong năm 2006, ông Cương tiếp tục có đơn xin UBND tỉnh Lâm Đồng bán hóa giá căn nhà. Tuy nhiên, UBND tỉnh Lâm Đồng có Văn bản số 4559 giải quyết và xác định không thể bán hóa giá căn nhà cho hộ ông Cương với lý do “ngôi biệt thự tọa lạc trên một diện tích tương đối lớn”!?
Không đồng ý với cách giải quyết của UBND tỉnh Lâm Đồng, sau khi ông Cương chết, bà Nguyễn Thị Ngoạn tiếp tục có đơn khiếu nại. Ngày 11/10/2007, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng lại bác đơn và cho rằng không thể bán hóa giá nhà cho gia đình bà Ngoạn theo Nghị định 61/CP của Chính phủ với lý do căn nhà này đã có quyết định thu hồi giao cho Sở Khoa học và Công nghệ từ năm 2003. Ngày 26/12/2016, UBND TP Đà Lạt có quyết định cưỡng chế thu hồi nhà, đất đối với các hộ đang ở số 4, đường Ba Tháng Tư, TP Đà Lạt.
Những bất cập
Bà Nguyễn Thị Lan, con gái bà Ngoạn cho biết: quá trình sinh sống, gia đình bà đã phải bỏ ra cả tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa nhà và xây mới nhiều hạng mục để đủ nơi ăn chốn ở (chưa kể kinh phí của hộ khác). Ban đầu, UBND TP Đà Lạt chỉ bồi thường, hỗ trợ cho cả 4 hộ với số tiền 205 triệu đồng. Qua 4 lần khiếu nại, chính quyền TP Đà Lạt mới chịu nâng số tiền bồi thường, hỗ trợ lên 512 triệu đồng. Nếu chia, mỗi hộ chỉ được hơn 100 triệu đồng.
Với số tiền ít ỏi này, gia đình bà Lan, ông Quang, ông Dũng không còn chỗ ở nào khác đành phải đi thuê nhà để có chỗ sinh sống. Điều đáng nói, quá trình thu hồi, mặc dù tất cả các hộ đều rất hợp tác dù chưa được bồi thường, hỗ trợ nhưng vẫn để cho chính quyền đưa người tới khoan thăm dò địa chất, rào xung quanh căn nhà… Chính vì vậy, các hộ chỉ có mong muốn duy nhất là xin UBND TP Đà Lạt chậm nhất tới ngày 26/6/2017 sẽ tự nguyện di dời, đồng thời bán và di chuyển một số tài sản nhưng không được chấp nhận.
Ban đầu, theo Điều 1 Quyết định số 5326/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 , UBND TP Đà Lạt ấn định thời gian cưỡng chế là từ 20-28/2/2017). Nhưng ngày 12/5/2017, UBND TP Đà Lạt đã Quyết định số 1561/QĐ-UBND về việc gia hạn thời gian cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ bà Nguyễn Thị Ngoạn, bà Nguyễn Thị Lan và ông Nguyễn Đăng Quang đến ngày 31/5/2017. Tuy nhiên, trong ngày 30/5/2017, UBND TP Đà Lạt đã tiến hành cưỡng chế căn nhà trên của gia đình bà Ngoạn đang sinh sống.
Một bất cập khác, theo gia đình bà Ngoạn, ngày 26/6/2006, UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 1943/QĐ-UBND về việc thu hồi toàn bộ nhà, đất số 4, đường Ba Tháng Tư, TP Đà Lạt giao cho Trung tâm quản lý nhà Đà Lạt quản lý là chưa đúng với trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Bởi lẽ, căn nhà và đất này trước đó đã được chính UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 3059/QĐ-UBND ngày 6/11/2003 thu hồi giao cho Sở Khoa học và Công nghệ quản lý, sử dụng. Đến nay, quyết định này vẫn chưa bị thu hồi, hủy bỏ.
Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Danh Bình (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng: Theo quy định của pháp luật về đất đai, một diện tích nhà, đất không thể được thu hồi bằng hai quyết định. Một khi quyết định cũ còn nguyên giá trị pháp lý, chưa bị thay thế, hủy bỏ, thu hồi thì chưa được phép ban hành quyết định mới!..”.