Tin người mất đất
Năm 1996, ông Phi Srôn H’Bông chuyển nhượng lại cho ông Khương một lô đất theo mặt đường quốc lộ 27 với chiều rộng 18m, chiều dài 100m. Việc sang nhượng hai bên viết giấy tay với nhau và được Ban nhân dân thôn xác nhận. Sau khi sang nhượng, gia đình ông Khương sử dụng một phần diện tích đất làm nhà ở, phần còn lại làm cổng và trồng rau.
Năm 1997, ông Khương cho ông Dương Văn Bài (người quen) mượn 6m đất để xây quán bán hàng kèm nhà ở và công trình phụ. Hết thời hạn mượn, ông Khương đòi lại đất để cho người khác thuê. Trong thời gian mượn đất thì ông Khương thấy ông Bài với ông Dương Quốc Hưng (em trai ông Khương) tranh chấp về việc mua bán nhà. Sự việc đã được TAND huyện Lâm Hà và TAND tỉnh Lâm Đồng xét xử sơ thẩm và phúc thẩm.
Trong quá trình Tòa án thụ lý giải quyết về việc tranh chấp hợp đồng mua bán nhà thì ông Hưng thừa nhận diện tích đất mà ông Bài làm nhà là đất mượn của ông Khương. Đồng thời, tại Bản án dân sự phúc thẩm số 72/2000/DSPT ngày 28/9/2000 của TAND tỉnh Lâm Đồng cũng đã tạm giao cho ông Khương sử dụng phần diện tích đất trên.
Sau đó, ông Khương đã giao cho ông Hưng quản lý và sử dụng diện tích đất và căn nhà ván. Đầu năm 2004, ông Hưng giao lại cho em trai là Dương Trường Giang quản lý sử dụng. Năm 2011, ông Giang phá bỏ nhà gỗ để xây nhà cấp 4, nhưng không được sự đồng ý của ông Khương. Do đó, ông Khương làm đơn yêu cầu chính quyền địa phương buộc ông Hưng và ông Giang trả lại đất cho ông.
Ngày 27/6/2011, Chủ tịch UBND huyện Đam Rông ban hành Quyết định số 492/QĐ-UBND với nội dung: không chấp nhận việc đòi lại đất của ông Khương đồng thời giao cho ông Hưng tiếp tục quản lý, sử dụng diện tích tranh chấp.
Không đồng ý với quyết định trên, ông Khương khiếu nại tới UBND tỉnh Lâm Đồng. Ngày 8/12/2011, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định 2788/QĐ-UBND với nội dung: “Không chấp nhận đơn khiếu nại của ông Khương, đồng thời giao cho UBND huyện Đam Rông điều chỉnh lại Điều 2 Quyết định 492…; Ban hành quyết định thu hồi thửa 42m2 đất thuộc thửa 509 tờ bản đồ số 11 xã Đạ Rsal đo đạc năm 2001 và tổ chức giải tỏa nhà trên đất để giao cho UBND xã Đạ Rsal quản lý theo diện tích đất công”.
Ngày 2/2/2012, Chủ tịch UBND huyện Đam Rông ban hành Quyết định số 151/QĐ-UBND về việc điều chỉnh Điều 2 của Quyết định 492/QĐ-UBND theo “chỉ đạo” của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
Không chấp nhân, ông Khương khởi kiện vụ việc tại TAND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu hủy Quyết định số 2788 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Quyết định số 492 của UBND huyện Đam Rông. Tuy nhiên, TAND tỉnh Lâm Đồng đã thụ lý giải quyết theo hướng bác yêu cầu khởi kiện của ông Khương. Ông Khương tiếp tục kháng cáo bản án của TAND tỉnh Lâm Đồng. Ngày 12/8/2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã mở phiên tòa xét xử và hủy toàn bộ Bản án hành chính sơ thẩm số 11/2012/HCTS ngày 27/12/2012 của TAND tỉnh Lâm Đồng với lý do TAND tỉnh Lâm Đồng thụ lý không đúng thẩm quyền.
Sau đó, ông Khương làm đơn khởi kiện lại vụ việc tại TAND huyện Đam Rông. Tại Bản án số 09/2014/HC-ST ngày 29/10/2014, TAND huyện Đam Rông bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Khương đối với Quyết định hành chính số 492/QĐ-UBND ngày 27/6/2011 và Quyết định số 151/QĐ-UBND ngày 2/2/2012 của Chủ tịch UBND huyện Đam Rông.
Ngày 14/11/2014, ông Khương tiếp tục có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Bản án số 04/2015/HC-PT ngày 25/5/2015 của TAND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục bác yêu cầu của ông Khương, giữ nguyên Bản án hành chính số 09/2014/HC-ST ngày 29/10/2014 TAND huyện Đam Rông.
Không đồng ý với hai bản án trên, ngày 29/11/2016, ông Khương tiếp tục có đơn gửi VKSND Cấp cao tại TP HCM đề nghị xem xét kháng nghị theo trình tự Giám đốc thẩm.
Trước sau bất nhất
Ngày 2/7/2017, gia đình ông Khương nhận được Thông báo số 77/VC3-V3 của VKSND Cấp cao tại TP HCM giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm. Tuy nhiên, ông Khương cho biết, nội dung giải quyết nói trên không khách quan.
VKSND Cấp cao tại TP HCM cho rằng, nguồn gốc đất do ông Khương nhận chuyển nhượng bằng giấy tay của ông Phi Srôn H’ Bông vào năm 1996 không đúng theo khoản 2 Điều 31 Luật Đất đai năm 1993 và Điều 707 Bộ luật Dân sự năm 1995 vì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải lập bằng văn bản có chứng thực của UBND huyện Đam Rông.
Lý giải về việc này ông Khương cho biết, thời điểm năm 1996, đất ở đây chưa được cơ quan chức năng nào đo đạc, chưa có số lô, số thửa, chưa được cấp sổ đỏ và cũng chưa thành lập UBND huyện Đam Rông. Vì thế, ông không thể thực hiện việc chuyển nhượng bằng văn bản có chứng thực của UBND huyện Đam Rông.
VKSND Cấp cao tại TP HCM cho rằng, trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa ông Bài và ông Hưng, Bản án dân sự phúc thẩm số 72/DSPT ngày 28/9/2000 của TAND tỉnh Lâm Đồng có xác nhận phần đất mà ông Bài cất nhà và bán cho ông Hưng là đất mượn của ông Khương, đất này đang thuộc quy hoạch của Nhà nước nên chỉ tạm giao cho ông Khương sử dụng nên không có giá trị chứng minh phần đất thuộc quyền sử dụng đất hợp pháp của ông Khương.
Ông Khương cho biết: “Theo Luật Đất đai quy định đối với đất quy hoạch thì không được cấp sổ đỏ. Với nguồn gốc đất do tôi mua, sử dụng và khi Nhà nước thu hồi đất thì tôi sẽ được đền bù thiệt hại”.
Theo VKSND Cấp cao tại TP HCM, thì sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật ông Khương không trực tiếp quản lý, sử dụng, không kê khai đăng ký mà tự nguyện giao phần đất này cho ông Hưng quản lý sử dụng, xây cất nhà và không khiếu nại khi ông Hưng đứng tên kê khai vào số mục kê của xã năm 2001.
Lý giải về điều này, ông Khương bức xúc: “Bản án số 72/DSPT của TAND tỉnh Lâm Đồng đã nói rõ việc ông Bài bỏ đi và tôi tu sửa lại nhà cho người khác thuê đến hết năm 2000. Việc này, ông Hưng hiểu rất rõ. Hơn nữa, tôi có giấy thuê nhà đất của UBND xã chứng thực. Ngày 5/1/2000, tôi đã làm nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ và có biên lai, việc cho rằng sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật tôi không trực tiếp quản lý, sử dụng là không đúng”.
Cũng theo ông Khương, năm 2001, phần đất lúc này thuộc UBND huyện Lâm Hà quy hoạch toàn bộ khu vực xã Ro Men, ông nhờ ông Hưng ra trông coi nhà đất và tạo điều kiện cho ông Hưng có chỗ làm ăn sinh sống lúc khó khăn. Thời điểm đó, K Len (trú tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) có tranh chấp đất với ông Khương, sau đó, Khương và K Len có đến UBND xã để giải quyết thì cán bộ xã cho rằng đất quy hoạch nên không được giải quyết.
Năm 2008, được biết UBND huyện Lâm Hà không quy hoạch đất nữa, ông Khương có đến UBND xã Rô Men xin giấy tờ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) thì cán bộ xã cũng không giải quyết với lý do đất đang tranh chấp.
Năm 2011, ông Hưng cho em trai là Giang phá nhà gỗ của ông Khương để xây nhà kiên cố. Thấy vậy, ông Khương báo chính quyền xã (có biên bản làm việc UBND xã ngày 24/3/2011) nhưng ông Hưng và Giang vẫn ngang nhiên xây dựng. Sau đó, mâu thuẫn xảy ra, ông Hưng còn đánh, xịt hơi cay vào mắt ông Khương.
“Trong nhiều lần xét xử, TAND tỉnh Lâm Đồng có hỏi ông Hưng về diện tích đang tranh chấp với tôi có đi đăng kí sổ mục kê không? Ông Hưng thừa nhận không đăng kí sổ mục kê. Khi được hỏi địa chính xã vì sao ông Hưng có tên trong sổ mục kê này thì được trả lời không rõ và sổ mục kệ huyện Lâm Hà bàn giao đã có sẵn tên ông Hưng”, ông Khương cho biết thêm.
Không đồng tình với trả lời của VKSND Cấp cao tại TP HCM ông Khương tiếp tục hành trình khiếu nại lên cấp cao hơn.