Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh thành lập chuyên án đấu tranh, phòng chống các hành vi khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để chấn chỉnh và không tạo điểm nóng tại khu vực này; trường hợp cần thiết, khởi tố hình sự nhằm đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật.
Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan thành lập Đoàn công tác liên ngành tổ chức kiểm tra tất cả các phương tiện đường thủy phục vụ khai thác cát trên sông Đồng Nai (kể cả các phương tiện đang neo đậu).
Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp đang khai thác cát trên sông Đồng Nai đã chấp hành nghiêm việc khai thác theo quy định của pháp luật và nội dung chỉ đạo tại Văn bản số 4914/UBND ngày 07/8/2019 giữa UBND ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước; trường hợp doanh nghiệp nào không chấp hành nghiêm thì yêu cầu tạm dừng hoặc đề xuất thu hồi giấy phép hoạt động…
UBND huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh được yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khai thác cát trên địa bàn; thành lập Tổ kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai để kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về mọi hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai. Các sở, ngành, địa phương báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện các nội dung trên trong tháng 5/2021.
Cũng nỗ lực phòng chống khai thác cát trái phép, UBND TP HCM vừa giao Công an TP chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu cho UBND TP kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Hình sự theo hướng "giảm định lượng" để xác định yếu tố cấu thành tội phạm đối với hành vi khai thác tài nguyên trái phép.
Giữa năm 2019, UBND TP HCM từng phê duyệt đề án "Phòng chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TP HCM với các tỉnh", với việc chi hơn 164 tỉ đồng để trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ cũng như chi phí cho công tác tuần tra, kiểm soát.
Đề án nêu trên còn đề cập việc xây dựng 2 chốt biên phòng trên vùng biển Cần Giờ và 2 chốt trên sông Đồng Nai, đồng thời đưa ra một số giải pháp như: Rà soát để bổ sung, thay thế quy định chưa phù hợp thực tiễn; nghiên cứu các thiết bị công nghệ cho công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác cát trái phép...
Nhờ vậy, việc đấu tranh chống "cát tặc" đã có những kết quả khả quan. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép ở TP HCM vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi.