Lâm Đồng: Cao nguyên Lâm Viên bị tàn phá “vô tội vạ” để khai thác "vàng trắng"

(PLVN) - Rừng bị tàn phá, tài nguyên khoáng sản bị khai thác vô tội vạ. Hệ lụy là ô nhiễm môi trường, phá hoại đất sản xuất, gây bất ổn trong đời sống xã hội, bức xúc trong cộng đồng dân cư. Đó là những nhìn thấy ngay khi chúng tôi đang đứng tại một vùng đất đẹp vào bậc nhất của Lâm Đồng: TP Bảo Lộc.

Theo quốc lộ 20, chúng tôi đặt chân đến phường Lộc Châu (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) nơi có mỏ cao lanh do các đơn vị được cấp phép khai thác và vô vàn điểm khai thác cao lanh lậu. Khu vực rộng hàng ngàn hécta thuộc phường Lộc Châu là những ngọn đồi bị đào nham nhở, phủ màu trắng đục của cao lanh.

Trước đây, khu vực này trồng cà phê, nhưng do có mỏ cao lanh, giá đất tăng khiến nhiều người bỏ cây cà phê khi rớt giá, nhượng lại cho chủ dự án khai thác cao lanh, lấy tiền đi nơi khác sống. Dọc đường Lê Thị Riêng, hàng chục bãi tập kết lớn nhỏ. Sâu hơn vào hai bên đường, những mảng đất bị bóc trụi, hố sâu trơ đáy trắng đục, không khác gì những hố bom khổng lồ.

Cao nguyên Lâm Viên bị băm nát vì hàng trăm bãi khai thác cao lanh.
Cao nguyên Lâm Viên bị băm nát vì hàng trăm bãi khai thác cao lanh.

Tạm chưa bàn đến nỗi thống khổ của cư dân chẳng may sống trên vùng “vàng trắng”, những hệ lụy vô định từ môi trường, sự mai một của một vùng đất dày văn hóa của xứ B’Lao, điều cần nói trước hết đó là những hoạch định về khai thác tài nguyên của cơ quan quản lý nhà nước ở khu vực này.

Từ nhiều năm trước đây, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lâm Đồng đánh giá, hàm lượng cao lanh có trong đất sét của tỉnh tập trung lớn nhất ở huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc. Tuy trữ lượng khá lớn nhưng vẫn nằm ở mức độ khai thác thô chưa thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hàng ngàn héc ta đất canh tác nông nghiệp phải “nhường chỗ” cho nạn khai thác khoáng sản.

Hàng ngàn héc ta đất canh tác nông nghiệp phải “nhường chỗ” cho nạn khai thác khoáng sản.

Những dự án khai thác cao lanh quy mô hàng trăm, thậm chí hàng ngàn héc ta “dời non lấp bể” có thể đảo lộn cả một vùng nhưng nhà quản lý tỉnh Lâm Đồng khá lạc quan khi nhận định: bản chất cao lanh là đất sét không phải là chất độc nên vấn đề ô nhiễm môi trường là không lớn, chỉ cần rửa trôi là thu được tài nguyên. Mặt khác, vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách địa phương của các công ty… luôn là “động lực” hấp dẫn cả người lập dự án lẫn người duyệt dự án.

Ai cũng có thể biết, khi khai thác cao lanh (hoặc các khoáng sản khác), các nhà đầu tư xây dựng các hồ lắng để xử lý nước trước khi thải ra sông hồ và khai thác theo hình thức cuốn chiếu. Có nghĩa là làm tới đâu phải hoàn thổ và trồng rừng để trả lại hiện trạng ban đầu tới đó. Như vậy, bên cạnh việc đem lại hiệu quả kinh tế cao thì  lợi ích lâu dài đồng thời đảm bảo yếu tố môi trường bền vững là điều bắt buộc.

Xe siêu trường, xe cuốc, xe ủi và những loại máy móc cơ giới ngày đêm tàn phá môi trường tự nhiên.

Xe siêu trường, xe cuốc, xe ủi và những loại máy móc cơ giới ngày đêm tàn phá môi trường tự nhiên.

Thế nhưng, tại những vùng đất “đào tài nguyên đem bán” mọi thứ không êm ả như vậy. Các xã thuộc TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, nơi nằm trên mỏ vàng trắng, đã thấy nhiều hệ lụy từ hoạt động khai thác cao lanh, cả hợp pháp (được cấp phép) lẫn “lậu”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, các khu vực bị khai thác trái phép có độ sâu từ vài chục mét đến hàng trăm mét, địa hình bị chia cắt nham nhở, đất sét bùn thải trong quá trình khai thác đổ bừa bãi làm hủy hoại bề mặt địa hình và thảm thực vật trên mặt đất. Đặc biệt một số nơi đã thành cánh đồng chết và làm ô nhiễm dòng nước, gây sạt lở chết người, vùi lấp đất vườn của người dân.

Như vậy, thực tế việc khai thác cao lanh có phép và trái phép tại các khu vực trên đã gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng do đổ thải bừa bãi, không có quy hoạch làm biến dạng địa hình và hủy hoại đất sản xuất.

Việc quản lý hàng hóa, bến, bãi đang bị buông lỏng.
 Việc quản lý hàng hóa, bến, bãi đang bị buông lỏng.

Đất sản xuất nông nghiệp bị bóp lại nhường chỗ cho đào bới, san ủi. Một vùng đất làm nông nghiệp có hiệu suất rất cao bởi những ưu đãi từ thiên nhiên về khí hậu và thổ nhưỡng đang quằn quại vì khai thác mỏ. Đất và người đã tạo dựng những thương hiệu trà, cà phê xứ Bảo Lộc nổi tiếng trăm năm qua, nằm rất nhiều tại xã Lộc Châu, chính nơi có mỏ cao lanh.

Theo phản ánh của người dân, hoạt động khai thác cát, sét cao lanh đang tác động xấu và đang gây hại nghiêm trọng đến môi trường sống tại khu vực này. Dòng suối lớn Đại Lào có nguy cơ thành dòng suối chết.

Chưa dừng lại, tại các cộng đồng dân cư đã xuất hiện nạn giang hồ bảo kê mỏ khai thác lậu, xâm lấn đất vườn, hủy hoại nguồn nước tưới, phá hỏng đường giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông do xe quá tải…

Nói thêm về hoạt động khai thác lậu, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ở khu vực TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm ngang nhiên diễn ra công khai và kéo dài từ nhiều năm trở lại đây nhưng chưa hề được xử lý dứt điểm. Vì lợi nhuận cao (hàng trăm ngàn đồng cho mỗi tấn cao lanh thô), không ít đối tượng từ nhiều địa phương khác kéo về, lập băng nhóm, vừa khai thác vừa bảo kê tại đây. Tuy nhiên, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương về khoáng sản, đặc biệt là công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác không hiệu quả.

Với kiểu tàn phá vô tội vạ, cao nguyên Lâm Viên không thể khôi phục được như cũ.

Với kiểu tàn phá vô tội vạ, cao nguyên Lâm Viên không thể khôi phục được như cũ.

Sự thiếu kiên quyết của các cấp chính quyền địa phương, nhất là cấp xã, trong việc dẹp nạn khai thác khoáng sản lậu, chưa làm rõ trách nhiệm của cá nhân, chưa có hình thức xử lý thích đáng… sẽ dễ dấy lên nghi ngờ có sự thông đồng, móc ngoặc trong khai thác tài nguyên. Điều này đã gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, làm thất thu ngân sách nhà nước và mất niềm tin từ cư dân.

Một vùng đất đẹp mê người, nơi có khí hậu được đánh giá tốt nhất Việt Nam, nằm trên cung đường du lịch "hái ra tiền" của cả bán đảo Đông Dương đang bị hủy hoại từ những hoạt động khai thác tài nguyên, không chỉ mỗi cao lanh.

Bảo Lâm, một huyện tách ra từ Bảo Lộc còn sở hữu những cánh rừng tự nhiên lớn vào bậc nhất của Lâm Đồng cũng đang kêu cứu nhiều năm qua khi đã bị một số doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng tàn phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm mà không được xử lý kịp thời. Cây rừng, khoáng sản chảy về xuôi, thiên tai ở lại. “Lời nguyền tài nguyên” chưa bao giờ cũ!

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Bãi biển đẹp nhất Quảng Ngãi bị sạt lở, uy hiếp đường giao thông

Bãi biển đẹp nhất Quảng Ngãi bị sạt lở, uy hiếp đường giao thông
(PLVN) - Bờ biển Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) được xem là bãi biển đẹp nhất tỉnh nhưng đang bị nước biển xâm thực, sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sản xuất của người dân. Sạt lở bờ biển cũng uy hiếp các công trình hạ tầng đường giao thông, dầu khí, đồn biên phòng…

Ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, lạ mắt của rừng ngập mặn Bàu Cá Cái

Ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, lạ mắt của rừng ngập mặn Bàu Cá Cái
(PLVN) - Bàu Cá Cái (Quảng Ngãi) là rừng ngập mặn được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi và đồi cát hình thành cách đây hơn 200 năm với những vết tích xưa cũ. Nơi đây không chỉ có tác dụng phòng hộ, chắn sóng mà còn mở ra hướng thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống trong vùng nhờ những sản vật từ rừng và phát triển du lịch cộng đồng.

Thay đổi lớn từ những hành động nhỏ

Lối sống xanh không chỉ là một xu hướng mà là một cách tiếp cận bền vững, giúp bảo vệ môi trường.
(PLVN) - Trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng toàn cầu, mỗi hành động nhỏ hàng ngày của chúng ta đều có tác động lớn đến môi trường sống, góp phần vào việc giảm thiểu tác động xấu đến Trái đất.

Nỗ lực hơn nữa để tiếp nhận động vật hoang dã bị tịch thu từ buôn bán trái phép

Giải chạy thu hút hơn 300 vận động viên đến từ 26 quốc gia. (Ảnh: ENV)
(PLVN) - Ông Lương Xuân Hồng - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội đã khẳng định điều này tại Giải “Chạy để cứu hộ ĐVHD” tại Việt Nam trong khuôn khổ Giải chạy “Song Hong Half Marathon” lần thứ 15 vừa được Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phối hợp với Sporting Republic tổ chức.

Gấp rút hoàn thiện khung pháp lý về tín chỉ carbon

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra 25 triệu tín chỉ carbon; là nhiệm vụ được lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành triển khai thực hiện sau Hội nghị COP21 (năm 2015).

Thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng nhờ sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế

Sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh). Ảnh: Ngọc Nga
(PLVN) - Sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế đã giúp Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) thu về hàng trăm triệu đồng. Đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước có giải pháp tái chế chất thải nhựa lây nhiễm bằng phương pháp hấp tiệt khuẩn hơi nước, mang lại hiệu quả về kỹ thuật, kinh tế, xã hội.