Ăn cơm, thịt là “lăn” ra ốm
Căn nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Khánh Linh (57 tuổi), nằm giữa vùng miệt vườn Chợ Lách (Bến Tre). Khác với những hộ dân nơi đây thường trồng cây ăn trái, nhà bà Linh lại trồng nhiều loại rau xanh. Người mới đến tưởng gia đình trồng rau để bán, không ngờ đó là thực đơn hàng ngày của con gái thứ ba trong nhà.
Bà Linh kể: “Trồng nhiều thế nhưng cũng không đủ cho con bé ăn. Nhiều bữa thiếu, tôi còn phải ra chợ mua thêm. Thảo chỉ ăn được rau luộc chấm muối ớt. Còn các món rau xào, món nộm, bụng con bé cũng không chấp nhận”.
Người mẹ kể trước đây Thảo phát triển bình thường, từ lớp 10 bắt đầu thay đổi. Ngày nào Thảo cũng ăn mỳ gói thay cơm. Trung bình mỗi bữa ăn từ 2 gói mỳ trở lên. Thấy con ăn mỳ không ăn cơm nhưng vẫn tăng cân, khỏe mạnh, bà Linh không có ý kiến.
Sau khoảng 3 tháng như vậy, Thảo trở nên sợ mỳ, chỉ cần ngửi hơi mỳ cũng nôn nao. Thiếu nữ quay lại ăn cơm. Nhưng vừa ăn được khoảng 30 phút, cảm giác còn khó chịu hơn ngửi hơi mỳ.
“Bụng con bé đau quặn, ợ hơi liên tục, sau đó nôn nao như người say xe, rồi ói mửa. Cảm giác này chỉ hết khi nó đã nôn hết cơm vừa ăn vào trong bụng”, người mẹ cho biết.
Gia đình tưởng Thảo bị ngộ độc thực phẩm, hay đau dạ dày nên đưa đi thăm khám. “Nhưng làm hết các xét nghiệm, siêu âm, nội soi, bác sĩ lại không phát hiện điều gì bất thường, ngoài việc con bé bị sâu răng từ trước”, bà Linh nói.
Bà Linh kể chứng sợ cơm của con gái |
Về nhà, Thảo không ăn được cơm, ăn cháo hay bánh mỳ cũng nôn ói và nhanh chóng sụt cân. Cho đến một ngày: “Bữa đó, Thảo nói thèm rau mồng tơi luộc. Ông nhà tôi bèn ra sau nhà hái nấu cho con bé ăn. Chúng tôi cứ tưởng như lần trước, nó ăn lại ói ra hết. Ai ngờ, cơ thể nó lại tiếp nhận, vợ chồng tôi mừng lắm”, bà Linh nhớ lại.
Từ đó tới nay đã tám năm, Thảo ăn rau thay cơm, nhưng chỉ ăn được rau luộc chấm muối tiêu. Các món rau xào, nộm, hoặc luộc nhưng chấm với nước mắm hay ăn không, Thảo đều bị đau bụng.
“Dù ăn rau thay cơm mỗi ngày, Thảo vẫn khỏe mạnh. Năm cuối cấp ba, con bé có tham gia cuộc thi hoa khôi của trường. Có điều do không có chất bột nên con bé nhanh đói, hay tụt huyết áp. Từ nhà tới trường hơn 5km, nhưng ngày nào hai vợ chồng tôi thay phiên nhau đưa đón, con bé yếu tới mức không thể đạp xe tới trường”.
Bà Linh cũng cho biết mỗi ngày Thảo ăn bốn bữa. Cô gái ngửi hơi cơm cũng nôn nao nên cứ đến bữa là ngồi ăn một mình riêng một chỗ, cha mẹ và các anh chị em ăn cơm tại nhà trên.
Theo bà Linh, trung bình mỗi bữa Thảo ăn hết một rổ rau luộc. Trước đây bà đi chợ trong xã mua rau về cho con gái. Sau này để an toàn và tiết kiệm, bà dành một khoảng đất trống quanh nhà để trồng rau tự cung tự cấp cho nhu cầu đặc biệt của con.
Gia đình nhiều lần đưa Thảo đi các bệnh viện nhưng không tìm ra nguyên nhân bệnh tình. Có thời gian Thảo tập ăn cơm, cháo, thịt nhưng mỗi khi ăn lại tái diễn những triệu chứng như cũ.
“Ngoài chuyện ăn rau thay cơm, các sinh hoạt khác của Thảo không có gì khác biệt. Thảo học giỏi các môn tự nhiên, năm nào cũng đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh, và đều đoạt giải”, bà Linh tâm sự.
Vất vả tìm thực đơn
Theo bà Linh, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Thảo thi đỗ ngành quản trị kinh doanh của một trường đại học ở Vĩnh Long, nhưng học chưa hết một kỳ thì xin thôi học. “Đó là một quyết định rất khó khăn, vì chứng bệnh sợ cơm mà con bé chịu thiệt thòi nhiều thứ.
Những ngày đầu mới về, nó buồn không nói, chỉ nằm một chỗ”, bà Linh ngậm ngùi nhớ lại. Giảng đường là giấc mơ từ nhỏ của Thảo. Cô gái cũng là người sáng dạ trong số các anh chị em.
Ngày con gái xách ba lô về nhà, vợ chồng bà Linh vẫn động viên rằng khó khăn mấy họ cũng nuôi Thảo ăn học. Thảo khóc bảo: “Rau cỏ trên thành phố đắt đỏ lắm, con đi học ba mẹ khổ thêm”.
Người mẹ tâm sự: “Tôi thì ốm đau không làm được gì, chỉ chồng là lao động chính. Mấy năm nay, nghề thả lưới thu nhập bấp bênh. Ở nhà, rau cỏ tự trồng còn chủ động được. Con bé học trên thành phố, cái gì cũng đắt đỏ, một mớ rau nhỏ đã hơn 10 nghìn đồng. Mỗi bữa nó ăn hết cả mấy chục tiền rau mà cũng không đủ no.
Thời gian đầu, cứ vài bữa chồng tôi lại chở rau từ nhà lên trường tiếp tế cho con. Nhưng ổng còn đi làm mưu sinh nữa, chạy miết cũng không ổn. Rồi ăn uống thiếu thốn, con bé thường bị ngất, sức khỏe suy giảm. Bất tiện đủ đường, lại thương cha mẹ nên nó mới quyết định thôi học. Vợ chồng tôi thương con, nhưng hoàn cảnh mình vậy, không thể làm khác hơn được”.
Vườn rau phục vụ thực đơn đặc biệt của Thảo |
Gần đây, Thảo lại thêm chứng sợ rau. Theo Thảo, trước kia cô ăn rau luộc chấm muối tiêu 4 bữa một ngày. Nhưng giờ, mỗi ngày cơ thể của cô chỉ chịu tiêu thụ một bữa rau luộc. “Dù không nôn nao giống như ăn cơm và các thực phẩm khác, nhưng mỗi ngày em ăn nhiều hơn một bữa rau thì bụng đau rất khó chịu. Tuy nhiên, tình hình này cũng không kéo được dài, bởi hiện tại, em không ăn được rau luộc mà chỉ có thể uống được nước canh”, cô gái cho biết.
Thảo đã rất vất vả trong việc tìm ra thực đơn mới. Sau nhiều lần thử nghiệm tìm thực đơn tới phát ốm, cuối cùng cô cũng phát hiện cơ thể chấp nhận nước cà phê và nước dừa. Thực đơn hiện tại mỗi ngày của Thảo là nước rau, cà phê, và nước dừa.
“Cà phê thì mỗi ngày em uống hai ly buổi sáng, hai ly buổi chiều. Còn dừa thì uống từ 4 đến 5 trái. Ngoài ra, em không ăn hay uống một loại đồ uống nào khác. Sức khỏe của em cũng không có nhiều thay đổi so với trước”, Thảo cho biết. Ngoài cà phê phải mua, còn lại rau và dừa cô tự trồng trong vườn nhà. Cô gái chỉ mong có thể ăn uống bình thường như trước đây.
Người mẹ cho biết, cũng do sức yếu nên từng ấy năm, Thảo gần như không làm được việc gì nặng , chỉ quanh quẩn ở nhà, hoặc qua giữ cháu, coi nhà cho các anh chị.
Tên nhân vật đã được thay đổi
Chuyện thiếu nữ chỉ ăn rau thay cơm khiến dư luận trong vùng xôn xao. Bà Linh kể, trong những năm Thảo đang học phổ thông đã có rất nhiều người hiếu kỳ tìm đến gia đình bà để hỏi thăm về con gái. Người ta gọi Thảo là “dị nhân”. Việc này đã ảnh hưởng không tốt tới tâm lý của Thảo.
“Thảo vốn là đứa hay nói cười, tính tình cởi mở. Từ lúc mắc chứng sợ cơm, nó tự ti, trầm tính hơn. Nếu không tới trường học, nó thường xuống bếp, hoặc ra vườn để tìm cách tránh mặt mọi người. Cũng có thời gian vì bi quan chán nản về việc thấy mình chẳng giống ai, con gái tôi đã có những ý nghĩ tiêu cực. Được mọi người trong gia đình tích cực động viên, thời gian sau con bé cũng sớm ổn định lại tinh thần”, bà nhớ lại.
Theo người mẹ, bản thân như vậy, lại không làm được gì giúp được cho cha mẹ, Thảo thấy mình như gánh nặng của gia đình nên càng mặc cảm. “Con bé được người được nết nên có nhiều thanh niên trong vùng để ý. Nhưng hết đám này đến đám khác nó đều từ chối, không muốn liên lụy đến người ta. Những người đến với con bé đều cảm thông cho bệnh tình của Thảo”, người mẹ kể.