Thời “hoàng kim”, nghề trồng khoai lang tại huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) lên hương, nơi đây được mệnh danh “thủ phủ khoai lang”. Khoai lang đã từng gắn liền với bà con nông dân từ những ngày đầu khó khăn, đến khi vươn lên khá giả, xây nhà khang trang, cho con ăn học…
Củ khoai lận đận
Thế nhưng bây giờ, đi dọc suốt các tuyến đường tại xã Tân Thành, huyện Bình Tân, không còn là những cánh đồng khoai xanh bạt ngàn; thay vào đó là những cánh đồng lúa, rau màu, cây ăn trái lâu năm như mít Thái, sầu riêng, chanh, ổi...
Gia đình ông Nguyễn Công Thắng (44 tuổi) là một trong số ít hộ hiện đang canh tác khoai lang trắng trên mảnh ruộng của mình. Ông Thắng cho biết, gia đình có 14 công đất (1,4ha). Vụ thu hoạch khoai lang trắng vừa rồi, gia đình ông bán cho thương lái với giá 160.000 đồng/tạ (1 tạ tương ứng 60kg). Với giá này, ông thu lại số tiền chỉ đủ hòa vốn cho các chi phí bỏ ra như dây giống, phân bón, thuốc trừ sâu...
“Hiện ở đây không còn mấy ai mặn mà với khoai lang, nghe nói tới loại củ này ai cũng sợ. Lúc trước mọi người xây nhà mới, sắm sửa đồ đạc trong nhà cũng nhờ khoai. Nhưng có thời gian khoai xuống giá khiến nhiều người mang nợ, lận đận, lỗ nặng cũng vì nó”, ông Thắng kể.
Vì sao gia đình ông vẫn canh tác loại nông sản này? Ông cho biết, bao năm qua gia đình gắn bó với khoai lang. Nhờ khoai lang, có thời gian gia đình ông vượt qua khó khăn, nên ông có tình cảm đặc biệt. Khi được hỏi gia đình có dự định chuyển canh tác sang loại cây ăn trái khác không vì suốt thời gian qua khoai lang lao đao rớt giá, ông Thắng cho biết sẽ cố gắng chung thủy với loại nông sản này. Nhưng để tránh thua lỗ, 14 công đất của ông sẽ luân phiên xen kẽ vụ lúa vụ khoai. “Tôi tin rằng có một ngày sẽ khấm khá lại nhờ khoai”, ông nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh (46 tuổi) cho biết, gia đình có 10 công (1ha) trồng khoai, đã gắn bó với loại củ này hơn 6 năm. Sau đợt dịch vừa qua, ông Thanh điêu đứng vì giá chạm đáy, chỉ còn 500 - 1.000 đồng/kg (tương đương 30.000 – 60.000 đồng/tạ) nhưng cũng rất ít thương lái đến mua. “10 công khoai sau vụ vừa rồi, gia đình tôi lỗ hơn 100 triệu đồng”, ông nói.
Nay gia đình ông Thanh đã chuyển canh tác sang loại nông sản khác, trước mắt để có phần nào thu nhập, cũng như tránh “bão xuống giá”. Tuy nhiên, ông vẫn tin khi thị trường ổn định, dịch bệnh qua đi tình hình xuất khẩu sẽ thông thoáng, giá khoai lang sẽ ổn định; cũng là lúc ông quay trở lại với ruộng khoai.
Tín hiệu tích cực đưa khoai lang trở lại
Nhằm giữ vững diện tích trồng khoai, huyện Bình Tân xác định để khoai lang đi xa thì chỉ có con đường xuất khẩu chính ngạch. Và để được xuất khẩu chính ngạch phải đáp ứng đủ 2 điều kiện: Có mã số vùng trồng (MSVT) và cơ sở đóng gói.
Những ngày này, các công nhân tại một vựa khoai lang tại xã Tân Thành đang làm việc hết công suất. |
Ông Nguyễn Văn Tập, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân cho biết, thời gian qua huyện đã tích cực phối hợp Sở NN&PTNT, đặc biệt là Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV), nhằm xây dựng các MSVT đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Kết quả huyện đã được cấp 4 MSVT tạm thời và phối hợp Chi cục Trồng trọt & BVTV đã gửi hồ sơ về Cục BVTV đề nghị cấp 22 vùng trồng mới.
“Ngày 27/10 vừa qua, huyện đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, Cục BVTV để phục vụ cho công tác kiểm tra trực tuyến vùng trồng và các cơ sở đóng gói từ phía đối tác Trung Quốc. Nếu đáp ứng được đủ các điều kiện sẽ được cấp mã số và là tiền đề để được xuất khẩu chính ngạch trong thời gian tới”, Chủ tịch huyện nói.
Một thông tin đáng mừng với bà con nông dân canh tác khoai lang, là một số Cty, DN đang đặt vấn đề thu mua, bao tiêu sản phẩm khoai lang. Huyện đã tạo mọi điều kiện để các Cty, DN gặp gỡ, trực tiếp trao đổi với người dân thông qua các Tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp để thống nhất vấn đề thu mua, giá cả, chính sách hỗ trợ…
Tuy nhiên, để được xuất khẩu sang thị trường chính ngạch, trước tiên người trồng khoai lang phải thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, áp dụng biện pháp kỹ thuật theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, để đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn mà phía nhập khẩu yêu cầu.
Theo ghi nhận từ một chủ vựa khoai trên địa bàn xã Thành Trung, gần đây giá khoai các loại có chiều hướng bắt đầu tăng cao. Với khoai lang tím, vựa thu vào ở mức 500.000 đồng/tạ; khoai lang trắng ở mức 250.000 – 280.000 đồng/tạ. Và dù giá khoai lang tím đang lên nhưng vẫn không có hàng để thu vào. Theo chia sẻ, khoảng 2 tháng nữa sẽ có nguồn khoai lang tím vì giá hiện tại ổn định nên một số nông dân đã tất bật xuống giống vụ khoai mới.
Ông Nguyễn Văn Tập, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân cho biết, khoai lang là 1 trong 3 cây trồng chủ lực của huyện, hằng năm, diện tích gieo trồng trên 10.000ha tổng sản lượng ước đạt 300.000 tấn/năm. Trong đó 80% là khoai lang tím. Việc canh tác khoai lang đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay diện tích canh tác khoai lang tím có xu hướng giảm mạnh. Trong 9 tháng đầu năm, diện tích gieo trồng chỉ khoảng 745ha (tức chỉ đạt khoảng 6% so với thời điểm trước đây).