Ông António Guterres sẽ trở thành nhà ngoại giao hàng đầu của thế giới bắt đầu từ ngày 1/1/2017 trong một nhiệm kỳ kéo dài 5 năm. Nhiệm kỳ sắp tới của ông sẽ phải đối mặt với hàng loạt nhiệm vụ khó khăn ở phía trước như nội chiến Syria, người tỵ nạn, là chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu, nhân quyền...
“Sự lựa chọn tuyệt vời”
Ông António Guterres sinh ngày 30/4/1949 tại thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha. Ông theo học ngành kỹ sư và vật lý tại Instituto Superior Técnico, Đại học Lisbon và tốt nghiệp năm 1971. Năm 1974, ông gia nhập đảng Xã hội và trở thành chính trị gia chuyên nghiệp.
Năm 1995, ba năm sau khi được bầu làm Tổng thư ký đảng Xã hội, ông Guterres được bầu làm Thủ tướng Bồ Đào Nha và giữ cương vị này cho đến năm 2002. Lên nắm quyền trong bối cảnh Bồ Đào Nha có tỷ lệ nghiện ngập gia tăng đáng báo động, ông đã giúp giảm tỷ lệ nghiện xuống mức thấp hơn 5 lần so với mức trung bình của Liên minh châu Âu. Số ca nhiễm HIV mới hàng năm cũng đã giảm 95%. Ông cũng có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế như giải quyết khủng hoảng ở Đông Timor… Trong vai trò chủ tịch Hội đồng Châu Âu năm 2000, ông đã lãnh đạo thông qua “Chương trình nghị sự Lisbon” và đồng chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Âu-Phi đầu tiên.
Sau đó, ông Guterres đã vươn ra tầm thế giới. Nhờ nói thông thạo nhiều ngoại ngữ gồm tiếng Anh, Tây Ban Nha và Pháp, ông Guterres được thế giới ngoại giao quốc tế chú ý và trở thành người đứng đầu Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) từ năm 2005 -2015. Trên cương vị này, ông Guterres được ghi nhận có nhiều nỗ lực không mệt mỏi trong quá trình đấu tranh để buộc các nước giàu nhất phải giúp đỡ nhiều hơn cho những nước phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn những cuộc xung đột, nghèo đói và thiên tai. Ông đã dẫn dắt cơ quan này vượt qua cuộc khủng hoảng tị nạn do các cuộc xung đột sắc tộc lớn xảy ra ở Syria, Afghnistan, Iraq, Nam Sudan, CH Trung Phi hay Yemen. Ông đã kêu gọi nhiều quốc gia châu Âu hỗ trợ người di cư vượt qua cơn khủng hoảng. Ông cũng chứng tỏ được với các nhà lãnh đạo thế giới rằng ông sử dụng tiền của họ một cách có hiệu quả với nhiều động thái như cắt giảm 20% nhân viên của UNHCR tại Geneva và ưu tiên chi tiêu hiệu quả.
Ông Antonio Guterres đã thể hiện mình hội đủ các tiêu chí mà giới ngoại giao đặt ra để trở thành người lãnh đạo LHQ trong thời kỳ khó khăn như: cá tính mạnh mẽ, có uy tín và khả năng huy động, truyền cảm hứng cho lãnh đạo thế giới.
Để trở thành người đứng đầu LHQ, ông Guterres đã trải qua một quy trình bầu chọn công khai, minh bạch hơn bao giờ hết trong lịch sử 70 năm của tổ chức này. Ông đã vượt qua 12 ứng cử viên khác với 6 cuộc bỏ phiếu không chính thức và 1 cuộc bỏ phiếu chính thức của Hội đồng Bảo an LHQ. Ông chính thức được Đại hội đồng LHQ chỉ định làm tân Tổng thư ký LHQ vào ngày 13/10/2016.
Đánh giá về ông, Tổng thư ký LHQ đã mãn nhiệm Ban Kimoon khen ngợi ông Guterres là “sự lựa chọn tuyệt vời” để kế nhiệm ông. Tuy ông Guterres chính thức tuyên thệ nhậm chức ngày 12/12, nhưng ông Ban Kimoon vẫn sẽ tiếp tục giữ quyền và chức trách của Tổng thư ký LHQ đến hết ngày 31/12/2016.
Tri ân Tổng thư ký Ban Ki-moon
Tri ân Tổng thư ký Ban Ki-moon, Đại hội đồng LHQ ghi nhận ông đã “phụng sự không mệt mỏi nhân loại” trong suốt một thập kỷ qua. Trong hai nhiệm kỳ qua, Tổng thư ký Ban Ki-moon đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để giải quyết các vấn đề của thế giới và ông đã đạt được một số thành tựu nhất định. Chủ tịch Đại hội đồng Peter Thomson nhấn mạnh: “Trong 10 năm qua, Tổng thư ký Ban Ki-moon đã lãnh đạo LHQ trên những nguyên tắc vì lợi ích chung, với cách làm việc chuyên nghiệp và phụng sự không mệt mỏi nhân loại”.
Ông Ban Ki-moon |
Ngày 9/10/2006, Hội đồng bảo an LHQ đã chính thức bỏ phiếu thống nhất đề cử Ngoại trưởng Hàn Quốc Ban Ki-moon làm Tổng thư ký thứ 8, thay ông Kofi Annan. Tháng 1/2012, ông Ban Ki-moon tiếp tục đảm nhiệm cương vị Tổng thư ký LHQ thêm một nhiệm kỳ thứ hai. Như vậy, sau hơn 30 năm, kể từ khi ông U Than, người Myanmar, giữ chức Tổng thư ký LHQ từ năm 1961-1971, ông Ban Ki-moon là người châu Á thứ hai đảm nhiệm trọng trách này.
Trong những thành công mà Tổng thư ký Ban Ki-moon đã làm được, ông Thomson nêu bật 3 thành tựu đặc biệt, đó là những nỗ lực không ngừng nghỉ của Tổng thư ký Ban Ki-moon đối với vấn đề biến đổi khí hậu, mà thành quả cuối cùng là Hiệp định Paris được thông qua và được đưa vào thực thi; Tầm nhìn và quyết tâm của ông trong việc hiện thực hóa một thế giới công bằng hơn, thịnh vượng hơn và an toàn hơn thông qua việc thực thi Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững; Sự ủng hộ của ông đối với vấn đề bình đẳng giới, mà nổi bật nhất là việc thành lập Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (được biết đến với cái tên Tổ chức Phụ nữ của LHQ).
Trong khi đó, ông Ban Ki-moon cho rằng được phục vụ trong vai trò tổng thư ký của tổ chức lớn như Liên hợp quốc là một đặc ân suốt đời đối với ông. Nhiệm kỳ của ông đã phải đối mặt với vô số thách thức, trong đó có cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ thời Đại Suy thoái, sự bùng nổ nhiều cuộc nổi dậy và xung đột, con số kỷ lục người dân trốn chạy khỏi chiến tranh, áp bức và nghèo đói. Tuy nhiên, trong bối cảnh những khó khăn đó, ông đã được chứng kiến sức mạnh của hợp tác quốc tế trong việc giải quyết những thách thức cấp bách nhất, đồng thời thấy được sự mở rộng cửa của Liên hợp quốc hơn bao giờ hết đón nhận các tổ chức xã hội dân sự và nhiều đối tác để góp phần làm thay đổi thế giới.
Có thể thấy rõ, trong 10 năm qua (từ 2006 đến 2016), dưới sự đóng góp của ông Ban Ki-moon, LHQ đã có quyền lực và công cụ để ngăn ngừa và chấm dứt các cuộc xung đột, có khả năng thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo… 10 năm đứng đầu diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới này, các nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi của ông Ban Ki-moon đã cho thấy việc thực hiện các cuộc gặp trực tiếp với các nhà lãnh đạo thế giới là rất cần thiết nhằm hỗ trợ cho việc chấm dứt xung đột hay các vấn đề khác như biến đổi khí hậu, chống đói nghèo.
Mặc dù vậy, ông Ban Ki-moon cũng vẫn còn nuối tiếc vì một số điều chưa làm được, đó là những nỗ lực chưa đủ để chấm dứt cuộc xung đột ở Trung Đông, hay vấn đề nhân quyền. Đặc biệt là những vụ các nhân viên lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ xâm phạm tình dục phụ nữ và trẻ em gái ở châu Phi.
Nhiệm kỳ mới đầy thách thức
LHQ đang được đòi hỏi phải cải tổ để có thể tham gia giải quyết hiệu quả các cuộc khủng hoảng quốc tế |
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức về bất ổn, xung đột, nghèo đói… LHQ thực sự đang đứng trước ngã rẽ quyết định đòi hỏi phải có sự cải tổ và cơ cấu lại tổ chức để có thể tham gia một cách hiệu quả vào tiến trình giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế. Chính vì vậy, rất nhiều sứ mệnh khó khăn đang chờ đợi Tổng thư ký thứ 9 của LHQ.
Trước hết, ông Guterres sẽ phải tìm kiếm sự đồng thuận ở mức độ nào đó tại Hội đồng Bảo an về biện pháp giải quyết cuộc nội chiến kéo dài gần 6 năm qua ở Syria. Theoquan điểm của ông Guterres, đã tới lúc các quốc gia cần phải vượt qua những khác biệt xung quanh cách thức chấm dứt cuộc chiến Syria. Ông cho rằng: “Điều quan trọng hơn cả là phải đoàn kết bất luận đang tồn tại những khác biệt như thế nào. Đã tới lúc cần phải đấu tranh vì hòa bình”.
Bên cạnh đó, ông Guterres cũng sẽ phải tăng cường can dự để giải quyết triệt để cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, giám sát chặt chẽ thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran, cũng như tìm kiếm giải pháp cho chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường, di cư và kiểm soát biên giới cũng đòi hỏi Liên hợp quốc phải có cái nhìn tổng thể hơn, gắn với những thách thức an ninh.
Tuy nhiên, có lẽ thách thức lớn nhất đối với tân Tổng thư ký là việc phải gây dựng lại sự đoàn kết trong đại gia đình LHQ. Kể từ thời chiến tranh lạnh, chưa bao giờ cơ quan đa phương lớn nhất toàn cầu này rơi vào tình trạng thiếu đoàn kết như hiện nay. Theo ông Guterres, một nền “ngoại giao hòa bình” mới đòi hỏi phải tiếp xúc ngoại giao kín đáo và “con thoi” giữa các bên chủ chốt trong các cuộc xung đột và tranh chấp. Do đó, Tổng thư ký LHQ cần phải “hành động với sự khiêm nhường để cố gắng tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên có thể đến với nhau và vượt qua những khác biệt”...
Ngoài ra, ông Guterres cũng sẽ phải điều hành Ban Thư ký LHQ với khoảng 40.000 người cùng ngân sách hàng năm là 13 tỷ USD nhưng thường xuyên bị chỉ trích là hoạt động còn quan liêu và chưa hiệu quả. Nhiệm kỳ tới của ông Guterres sẽ là giai đoạn các quốc gia thành viên LHQ thực thi 17 mục tiêu đề ra trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 để hướng đến một thế giới an ninh, thịnh vượng “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Với những thách thức lớn như vậy, sự thành công được cho là không chỉ phụ thuộc vào năng lực và kinh nghiệm của bản thân ông Guterres, mà còn ở 5 Ủy viên thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an. Trong bối cảnh nội bộ Hội đồng Bảo an hiện vẫn tồn tại những bất đồng khi Nga và Mỹ- hai thành viên thường trực có quyền phủ quyết- vẫn thường phủ quyết các nghị quyết liên quan đến vấn đề Syria, cho thấy sứ mệnh gắn kết của ông Guterres sẽ có nhiều thách thức.