Những ngày đầu gian nan vượt biển
Vị cựu chiến binh trên Đoàn tàu không số năm xưa có tên khai sinh là Trần Anh Tuấn nhưng gắn liền với cuộc đời chinh chiến, cái tên Trần Ngọc Tuấn vẫn thường được dùng hơn, ngay cả ở những giấy tờ còn lưu lại cũng như trên những tấm Huân, Huy chương được Đảng, Nhà nước trao tặng.
Sinh năm 1933 tại huyện Hiệp Đức, Quảng Nam, tròn 20 tuổi, người thanh niên Trần Ngọc Tuấn viết đơn tình nguyện nhập ngũ và được phân công về đơn vị “tình nguyện quân” Hạ Lào vào tháng 5/1953. Sau cuộc đình chiến toàn Đông Dương, tháng 11/1954, đơn vị được lệnh tập kết ra Bắc, đóng quân tại huyện Anh Sơn, Nghệ An. Tiếp đó, tháng 5/1955 đơn vị tiếp tục chuyển quân lên Mộc Châu, Sơn La thuộc Quân khu Tây Bắc và cuối cùng là C18 – D2 – E673 – F335.
Ông Trần Ngọc Tuấn tại nhà riêng. |
Cuối năm 1959, người chiến sĩ trẻ vinh dự được cử đi học lớp bồi dưỡng chính trị tại Trường Sĩ quan lục quân I và ba năm sau đó, ông được phân công làm trợ lý chính trị tiểu đoàn 130, căn cứ I - Hải Quân.
Bước ngoặt cuộc đời cách mạng chỉ được mở ra khi vào cuối năm 1963, ông được cấp trên điều về đơn vị đặc biệt: Đoàn 759. Tại đây, ông đảm trách chức vụ Chính trị viên - Bí thư chi bộ các tàu 56, 55 và sau cùng là tàu 43. Đó cũng là thời điểm bắt đầu cho chuỗi ngày lênh đênh trên biển, người chiến sĩ trẻ cùng đồng đội mang trong mình trọng trách cao cả, nối đôi miền hậu phương – tiền tuyến bằng những chuyến hàng, phục vụ chiến trường miền Nam khốc liệt những ngày đánh Mỹ.
Ông Tuấn cùng đồng đội tàu 56. |
“Với cương vị và nhiệm vụ được giao, tôi cùng đồng đội đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ trọng yếu. Có thể kể đến những chiến công tiêu biểu như: Chuyến vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vượt biển Đông vào các chiến trường Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu, Trà Vinh, Cà Mau, đặc biệt là 10 chuyến hàng vào chiến trường Khu V.
Mỗi chuyến đi như thế nếu gặp máy bay hay tàu chiến Mỹ truy kích, có khi phải mất đến 2 – 3 tháng ròng trong sự mong ngóng từng ngày của tiền tuyến…”, ông Tuấn chầm chậm ôn lại.
Vẫn giữ giọng “ăn sóng nói gió”, đậm chất lính ở cái tuổi 80, ông tiếp tục mạch kí ức của mình bằng những chiến tích: “Một trong những sự kiện đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm cách mạng của tôi là lần được cấp trên giao ba chuyến đi phục vụ chiến dịch vô cùng ác liệt: Chuyến đột phá bằng tàu sắt vào bến Lộc An, sông Ray, Bà Rịa cuối tháng 12/1964, trực tiếp trang bị cho một Trung đoàn chủ lực để đánh trận Bình Giã, giành thắng lợi vang dội; chuyến đột phá vào bến Sa Kỳ, Quảng Ngãi phục vụ chiến dịch đánh lớn ở chiến trường Khu V vào tháng 3/1967; chuyến phục vụ chiến dịch Mậu Thân năm 1968 ở chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi”.
Chiến công lặng thầm
Người lính năm xưa không giấu được niềm tự hào về những kì tích mà ông và đồng đội đã kinh qua những ngày tháng gian khổ nhất, đóng góp lớn vào quá trình chiến đấu và chiến thắng của tiền tuyến. Câu chuyện quá khứ cứ thế lần lượt tái hiện như những thước phim tài liệu sống động, giàu cảm xúc: “Trong những chuyến đi của mình, tôi không thể quên được việc hai lần bị quân địch phát hiện, dùng tàu khu trục, tàu chiến đấu cao tốc, cả máy bay và xe tăng vây đánh và bắt sống tàu ta trên biển”.
Theo lời kể của ông, những trận đối đầu đáng nhớ là: Vào tháng 3/1967, trận chiến đấu với ba tàu chiến Mỹ có cả máy bay yểm trợ kéo dài suốt hơn 3 giờ trên vùng biển Bình Sơn, Quảng Ngãi, tàu của ông đã bắn bị thương 1 tàu chiến Mỹ và diệt gọn 3 Hải thuyền của chúng. Khốc liệt và hiểm nguy hơn là lần đối đầu với 4 tàu khu trục, 10 tàu cao tốc, 3 máy bay trực thăng Mỹ cũng hơn 3 giờ đồng hồ trên vùng biển hoàn toàn do địch kiểm soát.
Tại trận này, ông cùng đồng đội của mình đã tiêu diệt được 1 tàu cao tốc, bắn bị thương 2 chiếc khác, đồng thời bắn rơi hoàn toàn 3 chiếc trực thăng trên vùng biển thuộc Quy Thiện - Phổ Hiệp - Quảng Ngãi (tháng 3/1968).
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vinh danh và trao tặng Kỉ niệm chương. |
Giọng kể của ông đang lên đến cao trào, bỗng dưng chùng xuống một cách lạ kỳ. Sau vài giây im lặng, ông rớm nước mắt khi gợi nhắc về những người đồng đội sát cánh một thời, giờ kẻ mất người còn, có người vĩnh viễn nằm lại ngoài biển Đông.
Điều làm ông day dứt nhất đó là chuyến đi lành ít dữ nhiều vào tháng 3/1967, khi tàu ông bị địch bao vây đánh ở Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Trước tình thế bức bách ấy, buộc ông phải chính tay đặt kíp nổ thực hiện công việc phá hủy con tàu của mình, các chiến sĩ tàu không số sau đó được Tỉnh đội Quảng Ngãi ứng cứu.
“Trong chuyến trở về, nhiều đồng đội tôi đã không đủ sức gắng gượng vì đói rét, bệnh tật nên đã chết dọc đường, nhiều người còn rất trẻ và có anh lính mới cưới vợ được vài tháng… Còn những người may mắn hơn, phải mất khoảng 7 tháng sau mới về được đơn vị ở Thủy Nguyên, Hải Phòng trong tình trạng sức lực suy kiệt, bệnh tật bủa vây”, ông rớm nước mắt chia sẻ.
Trải qua nhiều năm lênh đênh chinh chiến trên biển, đối diện với nhiều hiểm nguy thường trực rình rập trước họng súng của quân thù, năm 1968, trong một cuộc vượt biển để chi viện cho trận đánh Mậu Thân, ông Tuấn bị thương nặng. Du kích địa phương nhanh chóng đưa ông xuống hầm bí mật để tránh một trận càn của lính thủy đánh bộ Mỹ suốt 5 ngày, sau đó mới tìm đường lên bệnh xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm điều trị vết thương. Trong cuốn nhật ký của nữ bác sĩ anh hùng quê Đức Phổ sau này cũng đã nhiều lần nhắc đến tên ông cùng những ngày trị thương ở đây.
Người cựu binh bình dị giữa đời thường
Hòa bình lập lại, người lính năm xưa vào định cư ở thành phố biển Nha Trang và tiếp tục trải qua nhiều năm công tác, đồng thời kinh qua nhiều chức vụ khác nhau. Nhằm vinh danh những cống hiến không mệt mỏi trên con tàu huyền thoại một thời, ông đã được nhà nước trao tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, Đoàn tàu 56 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Kiên trung trong tranh đấu, trở về với cuộc sống đời thường hôm nay, người chiến sĩ ấy vẫn luôn giữ vững cốt cách, tinh thần của một người lính. Ở khu phố, ông là người cựu chiến binh tiên phong trong công tác vận động thanh niên lên đường nhập ngũ; là người thay mặt chính quyền giáo dục, cảm hóa thanh niên hư hỏng tiến bộ. Điều đặc biệt, người vợ hết mực yêu thương, ân cần chăm sóc ông hàng ngày cũng là một nữ thanh niên xung phong, từng tham gia nhiều trận tuyến trong chiến tranh chống Mỹ.
Trong số đồng đội của ông, đến nay, duy chỉ một người thuyền trưởng được phong anh hùng. Mặc dù vậy, với nhiều thế hệ người Việt, tên ông cùng những đồng đội khác trên con tàu không số năm xưa đều đã trở thành huyền thoại – một huyền thoại bi hùng về những người lính trẻ dũng cảm, ngoan cường, hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho nền độc lập của dân tộc, làm nên con đường “Hồ Chí Minh trên biển” thần thánh.
Vất vả, gian nan là thế nhưng có một tình tiết ít ai biết, đó là trước những chuyến xuất phát từ hải cảng, ông Trần Ngọc Tuấn cùng các đồng đội tàu không số đều được những vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội như Tổng bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, động viên và trực tiếp tổ chức các cuộc liên hoan lớn.
Điều này được ngầm hiểu là cuộc “truy điệu sống” những người con quả cảm của đất nước, gánh trên vai trọng trách lớn lao đối với tiền tuyến miền Nam. Cho đến khi con tàu chồm sóng vươn khơi, mang theo niềm tin, niềm hi vọng và biết bao nỗi lo rủi ro khuất xa tầm mắt, các vị lãnh đạo mới chậm rãi quay về.