Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah sinh ngày 15/7/1946 tại Cung điện Darussalam tại thủ đô Brunei Town (hiện là Bandar Seri Begawan). Khi còn nhỏ, ông được dạy kèm tại hoàng cung rồi sau đó theo học tại các cơ sở giáo dục hàng đầu của Brunei và Malaysia.
Ông vua đầy quyền năng
Là con trai cả của nhà vua, năm 1961, ông trở thành Thái tử Brunei. Hoàn thành bậc học trung học, ông sang Anh theo học tại Học viện quân sự hoàng gia Sandhurst và được phong hàm Đại úy vào năm 1967.
Tháng 10 cùng năm, ông rời Sandhurst về nước sau khi cha của ông là cựu vương Omar Ali Saifuddien Sa’adul Khairi Waddien thoái vị. Quốc vương Hassanal Bolkiah trở thành vị vua thứ 29 của Brunei kể từ khi chế độ quân chủ được lập ở nước này vào thế kỷ 14 vào ngày 5/10/1967 và chính thức đăng quang trong một buổi lễ hoành tráng theo đúng các phong tục truyền thống của Hoàng gia Brunei diễn ra ngày 1/8/1968.
Bên cạnh việc là Quốc vương và là người đứng đầu nhà nước, ông Hassanal Bolkiah còn đồng thời là Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tài chính và là người đứng đầu cơ quan quản lý tôn giáo của Brunei. Là Bộ trưởng Quốc phòng cũng đồng nghĩa với việc ông cũng là Tư lệnh tối cao của Các lực lượng vũ trang hoàng gia Brunei và là Đô đốc danh dự của Hải quân Hoàng gia nước này.
Chưa hết, ông còn được bổ nhiệm làm Tổng thanh tra cảnh sát của Lực lượng cảnh sát Hoàng gia Brunei. Với các cương vị như trên, ông gần như là người nắm quyền điều hành và chỉ đạo hầu hết các vấn đề đối nội và đối ngoại của Brunei.
Cũng giống như cha của mình – người được ví là kiến trúc sư của đất nước Brunei hiện đại, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah được người dân yêu mến và kính trọng vì đã có nhiều hành động điều hành thiết thực đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ.
Brunei có chính sách phúc lợi hào phóng cho người dân. Ở đó, tất cả các công dân đều được miễn học phí, chi phí chăm sóc sức khỏe và nhiều chính sách hỗ trợ khác như trợ giá nhà ở, lương thực, nhiên liệu, vay lãi suất thấp. Với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe không sẵn trong nước, người dân Brunei thậm chí còn được trả tiền để đi chữa bệnh ở Singapore.
Dưới thời ông Hassanal Bolkiah, các trường đại học, các cơ sở đào tạo kỹ thuật và dạy nghề cũng đã được xây dựng ở khắp nơi trên cả nước, mang lại cơ hội học hành và nghiên cứu cho đa số người dân. Một trong những thành tựu đáng chú ý của Quốc vương Hassanal Bolkiah chính là việc thành lập Quỹ Hassanal Bolkiah vào năm 1992 nhằm tài trợ cho các công trình nghiên cứu của người dân nước này.
Bộ sưu tập 7.000 “xế” khủng
Là một quốc gia có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn nên Brunei cũng là một trong những nước giàu có trên thế giới. Người dân nước này có được cuộc sống vô cùng sung sướng với mức thu nhập bình quân đầu người vào nhóm cao nhất châu Á. Còn Quốc vương Hassanal Bolkiah thì luôn có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Năm 2009, tạp chí Forbes ước tính tổng tài sản của ông lên đến khoảng 20 tỉ USD.
Với khối tài sản khổng lồ như vậy, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah hẳn nhiên có thể mua tất cả những thứ mà ông muốn. Trong đó, ông được cho là có niềm đam mê đặc biệt với những chiếc xe hơi hiệu suất cao.
Theo một số nguồn tin, bộ sưu tập xe hơi của ông lên đến khoảng 7.000 chiếc, bao gồm khoảng 2.000 chiếc xe thuộc loại sang trọng hay phiên bản giới hạn. Trong bộ sưu tập xe hơi của ông được cho là có 604 chiếc Rolls Royce, 574 chiếc Mercedes-Benz, 452 chiếc Ferrari, 382 chiếc Bentley, 209 xe của BMW… với tổng giá trị lên đến khoảng 5 tỉ USD.
Độ “VIP” của Quốc vương Brunei với các hãng xe hơi lớn đến mức hãng xe luôn đồng ý thực hiện những điều chỉnh đặc biệt với những chiếc xe được bán cho ông.
Ví dụ, hãng Mercedes đã đồng ý sửa một chiếc xe thuộc dòng Sprinter với nội thất màu đỏ và một chiếc Benz CLK-GTR có tay lái bên phải dành riêng cho ông Hassanal Bolkiah. Không những thế, những chiếc Mercedes trong bộ sưu tập của ông vua giàu có này còn được dát vàng, khiến chúng càng đặc biệt hơn.
Cung điện gần 1.800 phòng
Cung điện Istana Nurul Iman. |
Không chỉ nổi tiếng về bộ sưu tập siêu xe đồ sộ, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah còn khiến nhiều người trầm trồ khi sống trong cung điện “có 1 không 2” có tên Istana Nurul Iman. Cung điện nguy nga này vừa là nơi ở chính thức của Quốc vương vừa là trụ sở của Chính phủ Brunei.
Cung điện này tọa lạc trên một khu đất rộng ở gần lưu vực sông Brunei. Tên của cung điện “Istana Nurul Iman” được lấy từ tiếng Malaysia và tiếng Ả rập, có nghĩa là Cung điện của ánh sáng niềm tin.
Cung điện này do kiến trúc sư Leandro V. Locsin thiết kế theo mô típ vòm vàng, mái vòng ảnh hưởng từ các nền kiến trúc Hồi giáo của Brunei và Malaysia. Nội thất bên trong cung điện do kỹ sư Khuan Chew thực hiện, hoàn tất vào năm 1984 với tổng chi phí lên đến 1,4 tỉ USD.
Khi hoàn thành, Istana Nurul Iman trở thành cung điện có người ở lớn nhất thế giới và cũng là nơi ở của một gia đình lớn nhất từng được xây dựng. Cung điện này có đến 1.788 phòng, bao gồm 257 phòng tắm, một sảnh đãi tiệc có thể chứa được đến 5.000 khách và một thánh đường có thể chứa được đến 1.500 người.
Cung điện này cũng gồm 1 gara chứa được 110 chiếc xe hơi và 5 bể bơi. Tổng diện tích mặt sàn của nó là 200.000m2. Với diện tích khổng lồ như vậy, cung điện Istana Nurul Iman cần đến 564 chiếc đèn chùm, 51.000 bóng đèn để chiếu sáng, 44 cầu thang và 18 tháng thang máy.
Hàng năm, cung điện nói trên mở cửa cho công chúng viếng thăm trong vòng 3 ngày trong lễ Hari Raya Aidilfitri của người Hồi giáo diễn ra vào cuối tháng ăn chay của họ. Mỗi dịp như vậy, ước tính khoảng 110.000 người sẽ đến thăm đây. Họ sẽ được Hoàng gia tặng đồ ăn và những chiếc túi màu xanh có chứa tiền may mắn cho trẻ nhỏ.
Tự lái máy bay công du
Sẽ là thiếu sót nếu nói đến Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah mà không nói đến việc ông vẫn thường xuyên lái máy bay riêng của mình trong các chuyến công du, bao gồm cả những chuyến đi xa – một việc làm hy hữu nếu không nói là chưa từng thấy.
Năm 2012, ông khiến các nhân viên kiểm soát không lưu và những người tiếp đón tại sân bay của Ấn Độ sửng sốt khi tự lái máy bay trong chuyến thăm và làm việc chính thức tại nước này.
Đến năm 2013, ông tiếp tục tự điều khiển chiếc Boeing 747-400 thuộc tài sản cá nhân sang Mỹ làm việc. “Tôi nghĩ ông ấy có lẽ là nguyên thủ duy nhất trên thế giới tự lái một chiếc Boeing 747” - Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó phải thốt lên đầy ngưỡng mộ.
Thậm chí người đứng đầu nước Mỹ còn đùa rằng: “Nếu các phi công trên chiếc Không lực 1 gặp vấn đề, chúng tôi đã biết sẽ tham vấn ai”, đề cập đến chuyên cơ riêng của ông.
Chiếc Boeing 747 của Quốc vương Brunei có giá là ít nhất 400 triệu USD. Ngoài ra, nó được lắp nội thất đặc biệt như bồn rửa bằng vàng và pha lê Lalique với chi phí thêm cho phần nội thất ít nhất 120 triệu USD, trở thành một trong những chiếc máy bay sang trọng nhất thế giới. Ngoài chiếc Boeing nói trên, ông Hassanal Bolkiah còn có 1 chiếc Airbus 340, 6 máy bay nhỏ hơn và 2 máy bay trực thăng.
Quốc vương Hassanal Bolkiah kết hôn với Hoàng hậu Raja Isteri Pengiran Anak Hajjah Saleha và có 10 người con, bao gồm 4 hoàng tử và 6 công chúa. Ngoài ra, ông còn kết hôn với 2 người khác nữa và có thêm 2 người con với 2 người này nhưng đều đã ly hôn với họ.
Cho đến nay, khối tài sản của Quốc vương Brunei vẫn được duy trì ổn định, giúp ông vừa có thể đáp ứng những sở thích của mình. Tiếp ông vào năm 2013, Tổng thống Mỹ khi đó thậm chí “tếu táo” cho biết sẽ tìm cách khuyến khích ông Hassanal Bolkiah đi mua sắm để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ nhân chuyến thăm của ông!