Bằng những kiến thức ấy, ông ra ruộng giúp bà con đoán định nắng mưa, đảm bảo cho việc gieo cấy, luận giải cơ cấu mùa vụ. Ông chính là kỹ sư Nguyễn Văn Diêu, đang sống ở thôn Đại An Khê (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị).
“Trông trời, trông đất, trông mây”
Ông Nguyễn Văn Diêu tốt nghiệp và trở thành kỹ sư canh nông (chuyên khoa nông học) năm 1970. Sau một thời gian làm việc tại đồng bằng Nam Bộ. ông được điều về làm Trưởng ngành khuyến nông tỉnh TT.Huế, đến năm 1972 nhận giải Nông nghiệp bội tinh đệ nhất hạng, do chính quyền cũ trao tặng.
Năm 30 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Trưởng ty tỉnh Quảng Nam (địa phương được xếp hạng A về nông nghiệp thời bấy giờ), và cũng là trưởng ty trẻ nhất lúc đó. Sau giải phóng, ông tiếp tục về làm việc tại Hải Lăng, những năm đó nông nghiệp tại Hải Lăng trúng lớn. Năm 1997, ông làm Trưởng phòng trồng trọt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quảng Trị
Giải thích việc nhìn trời, nhìn đất, nhìn mây để dự đoán thời tiết của mình, ông Diêu kể: “Việt Nam vốn có nền văn hóa nông nghiệp lâu đời. Với hơn 4000 năm nông nghiệp lúa nước, trải qua nhiều biến thiên của trời đất, qua bao thế hệ, từ xa xưa với những kinh nghiệm thực tiễn tích lũy được trong sản xuất mà ông cha ta đã rút ra từ những đận nắng, mưa, rét mướt, bão lụt… được, mất của vụ mùa. Những tín hiệu “thiên cơ” đó đã được người xưa gửi gắm vào ca dao, tục ngữ, sách cổ, lối truyền miệng hoặc kinh nghiệm dân gian. Từ đó, tôi ghi chép lại cẩn thận”.
Ông kể cách đây ít năm, tại Đông Hà (Quảng Trị) diễn ra một hội nghị đón tiếp hai nhà nghiên cứu nông nghiệp tại Úc và Mỹ đến thăm. Lúc đó ông Diêu đang là Trưởng phòng trồng trọt của tỉnh Quảng Trị, được mời lên phát biểu. Ông đem nhiều dẫn chứng từ thực tiễn về 4000 năm lúa nước, từ đó chắt lọc ra những câu ca dao, tục ngữ, kinh nghiệm dân gian để lý giải những dự báo thời tiết mà người Việt xưa đúc kết được.
Sau hội nghị, hai nhà nghiên cứu nước ngoài ngỏ ý muốn trò chuyện. Ông nói: “Cha ông chúng tôi khi ra đồng làm ruộng, họ đã có thể dự báo trước chắc chắn được sáu tháng”. Nhà nghiên cứu người Mỹ không tin, hỏi lại: “Bằng cách nào mà ông dám khẳng định như thế?”.
Ông Diêu quan sát sự phát triển của cây trái tại vườn nhà mình. |
Ông Diêu trả lời: “Cha ông chúng tôi từ trước đã biết được thuật xem trăng trời, để rút ra những câu đại loại như “Làm mùa tháng năm thì phải xem trăng rằm tháng tám/ Trăng sáng thì được ruộng sâu/ Trăng lu thì được ruộng cạn”.
Ông lý giải, nếu trăng rằm tháng 8 mà sáng soi rõ bóng người thì vụ đông-xuân năm sau (thu hoạch vào tháng 5) sẽ ít mưa. Ruộng sâu dễ làm và được mùa, còn ruộng cạn thì khô cằn và thiếu nước nên sẽ mất mùa.
Nhưng nếu trăng lu (trăng mờ) thì vụ đông-xuân năm đó mưa nhiều, ruộng cạn dễ làm hơn vì đầy đủ nước, ruộng sâu thì lại ngập úng. Còn thuật xem trăng rằm tháng 8 thì phải biết thời điểm chính xác để xem trăng. Đồng thời, chia trăng theo các mùa vụ dựa theo tiết trời từng thời điểm để đoán định được, mất của các vụ mùa.
Ước mơ lưu giữ kinh nghiệm cha ông
Ông Nguyễn Văn Diêu cho biết thêm, thời gian tới ông dự tính in tặng nông dân cả nước một cuốn sách nhỏ, tập hợp tất cả những kiến thức mà ông sưu tầm, theo dõi để kiểm chứng qua từng vụ mùa trong suốt 40 qua (từ năm 1975 đến nay).
Ngoài ra, ông còn viết nhiều bài viết bàn về thuật luận giải cơ cấu mùa vụ nông nghiệp gửi tặng bạn bè đang ở nước ngoài, nhằm đưa những “luận giải” từ xa xưa của người Việt Nam ra bạn bè thế giới.
Ông nói: “Đó là những việc tôi thấy nên làm ở tuổi xế chiều này, bởi khi thế hệ chúng tui không còn, những thăng trầm của nông nghiệp nước nhà, những tài liệu cổ xưa, tài liệu truyền miệng, bằng thơ rồi bằng ca dao tục ngữ dần bị lãng quên và mai một. Bởi, lớp trẻ ngày nay ít người màng đến điều đó. Như thế thật lãng phí các kinh nghiệm của tiền nhân”.
Ông Diêu nói: “Trong kinh nghiệm cổ truyền để xem xét luận giải được diễn biến của các đợt rét thì có câu “Cửu nguyệt lôi thanh tứ nguyệt hàn” (nếu tháng chín có sấm thì tháng tư năm sau vẫn còn rét).
Từ câu này có thể xem xét, luận giải ra là nếu sấm rơi vào ngày 1-10/9 (âm lịch) thì sẽ có rét muộn từ 4-10/4 (dương lịch) nên bố trí mùa vụ chậm hơn và cho lúa vụ đông-xuân trổ sau 10/4 (dương lịch) năm sau; nếu có sấm trong khoảng 11-20/9 (âm lịch) thì sẽ có rét vào 11-20/4 (dương lịch); nếu có sấm từ 21-30/9 (âm lịch) thì vụ đông-xuân năm sau không cần dịch mùa vụ chậm lại mà cứ làm sớm và bố trí cho lúa trổ trong khung Thanh minh năm sau là an toàn nhất”.
Ông Diêu theo dõi sự phát triển của cây lúa tại cánh đồng thôn |
Vào vụ đông-xuân hàng năm, theo ông Diêu, cứ lấy cây lúa làm chuẩn theo kinh nghiệm dân gian thì khung an toàn nhất trong vụ là khoảng thời gian giữa tiết Thanh minh và Cốc vũ (từ tháng 4-5/5 dương lịch).
Điều đó đã được dân gian đúc kết bằng câu: “Lúa trổ Thanh minh thì vinh cả xã/ Lúa trổ Cốc vũ no đủ mọi nhà/ Lúa trổ Lập hạ buồn bã xóm thôn”. “Mồng chín tháng chín không mưa/ Cha con bán cày, bán bừa mà ăn” có nghĩa là ngày 9/9 (âm lịch) mà trời không mưa thì vụ đông-xuân năm sau bị hạn rất khó sản xuất.
Ông kể: năm 2001-2002, tại Hải Lăng vụ đông-xuân mất xem như trắng. Bà con gạt nước mắt để hy vọng vào vụ tiếp theo, vụ hè-thu. Lúc ấy cả huyện Hải Lăng đang gấp rút để vào vụ mới. Ông Diêu tìm đến để khuyên bà con nên dừng lại ít hôm để làm cho kỹ đất đừng vội làm ẩu.
Ông đưa ra “luận giải” của Lê Quý Đôn rằng: “Thanh minh tiết nhược phùng phong nam chí/ Bát thập nguyệt nông gia đại bội thu” để lí giải cho bà con hiểu và ngừng xuống giống ít hôm.
“Năm đó có cả bí thư huyện Hải Lăng cùng chứng kiến. Sau khi nghe luận giải thì bà con cũng làm theo tui, ngừng thời điểm gieo lại mấy hôm để làm đồng cho kỹ lưỡng. Vụ mùa năm đó, ai ai cũng lạy trời ông Lê Quý Đôn đúng. Tui cũng thế. Thật vậy, năm đó huyện Hải Lăng lại được mùa. Cả huyện mừng rơn, thế là ông Lê Quý Đôn đúng thiệt”, ông Diêu hồ hởi.
Khi về hưu, vị kỹ sư canh nông Nguyễn Văn Diêu vẫn ao ước biên soạn và in một cuốn sách nhỏ sưu tầm những câu ca dao, tục ngữ, thơ ca, sách cổ hay những kinh nghiệm về nông nghiệp trong dân gian.
Theo ông, cuốn sách đó phải do những người đã có thâm niên trong ngành nông nghiệp viết ra theo luận giải của họ, lưu giữ những kinh nghiệm làm lúa nước của cha ông để gìn giữ cho thế hệ sau.