Lập trình từ năm 13 tuổi
Nguyễn Đình Nam (SN 1981) sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Cụ tổ Nguyễn Đình Hoàn từng đỗ thủ khoa Trạng nguyên, có tên trong bia Văn Miếu. Bố Nam là Phó Giáo sư về công nghệ thông tin, ông từng có thời gian học tập và làm việc ở nước ngoài trước khi về giảng dạy ở Trường Đại học Công nghệ. Bản thân Nam được tiếp cận và đam mê lập trình từ rất sớm.
Sản phẩm lập trình đầu tay của Nguyễn Đình Nam hoàn thành khi Nam mới 13 tuổi. Nam kể: “Ngày ấy chẳng có ai chơi cùng nên mình làm game đơn giản là ném những đồ vật qua lại để chơi với máy. Đầu tiên là game, sau đó mình cũng làm một số công cụ nhất định. Mẹ mình làm thư viện, khi số hóa thư viện cần công cụ hỗ trợ, vậy là mình mày mò giúp mẹ làm cho nhanh.
Là học sinh giỏi của hệ chuyên Tin học của Trường Đại học Tổng hợp nhưng Nam tự nhận mình là người cũng "máu chơi", lại ham hố kinh doanh. Học ở trong nước nhưng anh luôn tự cập nhật tri thức quốc tế bằng cách đọc các bài báo nước ngoài được công bố, các luận văn tiến sĩ... Thời gian học đại học, anh còn tham gia làm thêm cho các công ty phần mềm. “Mình không du học bởi mình cho rằng đi làm sẽ tốt hơn đi học rất nhiều” - Nam chia sẻ.
Tốt nghiệp đại học năm 2003 thì năm 2005 Nam đoạt giải Trí tuệ Việt Nam về Sản phẩm Hệ điều hành đa kết nối. Sản phẩm này được FPT đầu tư theo hình thức start-up. Tuy nhiên, đến đợt khủng hoảng đầu năm 2007, FPT cắt giảm chi phí những dự án còn dang dở, dự án của anh cũng nằm trong số đó. Nam nhớ lại: “Việc đau khổ nhất là ký hàng chục quyết định nghỉ việc cho hàng chục người. Ngày đó mình làm giám đốc dự án, phải thanh lý tài sản, những thứ mình đang chịu trách nhiệm với nó, phải chấm dứt là nỗi buồn nặng nề nhất”.
Dự án Hệ điều hành đa kết nối tạm dừng, anh tiếp tục làm việc ở FPT sofpware. Đến năm 2009, anh dấn thân vào thị trường khi tự mình thành lập một công ty riêng mang tên VNComputing với áp lực rất lớn của một nhà khoa học làm doanh nghiệp. Sau đó, Nam cùng với các bạn cùng chí tiến thủ thành lập VP9, với công nghệ gốc là công trình nén video, cũng kích thước đó nhưng làm cho video sắc nét, đẹp hơn các phần mềm khác.
Sản phẩm này được bán cho Việt kiều tương đối thành công và tạo được tiếng vang bởi sản phẩm này giúp cho việc truyền dẫn video đạt chất lượng tốt hơn, tiết kiệm tới 70% băng thông so với công nghệ truyền dẫn thông thường hiện nay mà nhiều khách hàng trong giới khoa học sử dụng như GS Vũ Hà Văn, GS Ngô Bảo Châu... Sản phẩm công nghệ này đã được dự án First, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định để lựa chọn tài trợ và đoạt giải nhất Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo của Chính phủ Phần Lan trao tặng tại cuộc thi Techfest 2015. Phần mềm đang được thương mại hóa ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Nam tâm sự: “Khi lập doanh nghiệp có lúc thăng trầm, có khi hết tiền, có những lúc VP9 nợ các doanh nghiệp khoảng 4-5 tỉ đồng nhưng tôi không thấy đáng sợ bởi điều khiến tôi căng thẳng nhất chính là nợ lương nhân viên. Tôi hiểu, họ cũng có gia đình, cuộc sống nhưng vẫn làm việc vì mình”.
Quan trọng nhất là tập hợp những người giỏi
Khi được hỏi rằng có khi nào sẽ quay lại lập trình một game có độ khó cao không, Nam không ngần ngại chia sẻ dự định trong tương lai: “Game của mình có khái niệm lớn hơn, trong xã hội có những trò chơi nhỏ trong đấy.
Hiện tại, mình muốn thiết lập những cuộc chơi, không như dạng game thông thường mà biến những thứ thường ngày trở thành dạng game. Cuộc sống với mình là một trò chơi lớn, và mình nhìn thấy những điều thú vị ở trong đấy. Nếu chỉ để tồn tại thì chẳng có ý nghĩa gì cả vì lợi nhuận của dự án cũ vẫn đủ nuôi sống. Nhưng mình thấy thích cuộc chơi lớn hơn với dự án mới. Thắng những đối thủ lớn hơn, như Hikvision, Huawei của Trung Quốc chẳng hạn, đấy là khát vọng đáng để mình luyện tập. Cuộc chơi mới sẽ rất dài, một ván mất khoảng vài năm, một giải mất cả cuộc đời”.
Để luyện tập cho cuộc chơi với những ông lớn về công nghệ thông tin (CNTT) trên thế giới, Nam mong muốn đào tạo những nhân lực giỏi người Việt Nam. Khát vọng thúc đẩy ngành CNTT Việt Nam và vươn ra tầm cỡ thế giới, hiện Nam có rất nhiều dự định, như lập một công ty CNTT quy mô toàn cầu vào thời gian sắp tới, nhưng anh chốt lại, điều quan trọng nhất là tập hợp được những người giỏi, vì khoa học thương mại cần rất nhiều yếu tố khác nhau chứ không chỉ riêng nhà khoa học thì mọi chuyện mới khả thi.