Đã rời bỏ nơi “chăn ấm nệm êm” mà bôn ba bể Á trời Âu tìm phương cứu quốc, tức là đã đối chọi lại với kẻ thù là thực dân Pháp rồi vậy. Thế nên, việc Kỳ ngoại hầu lãnh án của nhà cầm quyền nơi quê nhà, xem ra chẳng có gì lạ.
Trong “Việt Nam bang giao sử lược” cho ta được hay, năm 1913 “nhà đương cục Pháp ở Đông Dương lập Hội đồng Đề hình ở Hanoi để xử những đảng viên cách mệnh V.N. trong số đó 14 người bị án xử tử, mà Phan Bội Châu, Cường Để là hai người bị tử hình vắng mặt”. Nhưng, có hề chi án tử trên đầu.
Nghiệp lớn dở dang
Du ngoạn bất đắc dĩ qua mấy nước của cựu lục địa, thì tháng 4/1914, “Người hùng đất Việt” cho biết, được tin Tổng thống Viên Thế Khải có ý định giúp cách mạng Việt Nam, muốn gặp ông để thương nghị, Kỳ ngoại hầu liền trở về Trung Hoa.
Nhưng rồi việc ấy cũng không thu được kết quả gì khả quan, mà “Cuộc đời cách mạng Cường Để” giải thích là bởi thực chất “Viên Thế Khải đối với vấn đề Việt Nam, thực thì chẳng nhiệt tâm chi, chỉ vì Đoàn Kỳ Thụy thôi thúc mà phải đồng ý”. Nhưng nghiệt nỗi, giữa lúc đã đồng ý giúp thì Viên Thế Khải lại giao thiệp với Pháp, việc giúp cho ý định cứu nước của Kỳ ngoại hầu dần loãng ra.
Sang năm 1915, Kỳ ngoại hầu rời Bắc Kinh trở lại đất Nhật, lấy quốc tịch Trung Hoa với tên gọi là Lâm Thuận Đức, mục đích là “Luôn mấy năm bôn tẩu nhiều nơi, phong trần vất vả, muốn tạm nghỉ ngơi một chút, nghĩ không đâu hơn đất Nhật, nên bấy giờ bỉ nhân bèn trở lại Đông Kinh”. Nơi “xứ sở Mặt trời mọc”, ông vẫn giữ mối quan hệ với Thủ tướng Nhật là Khuyển Dưỡng Nghị, nghị sĩ Bá Nguyên Văn Thái Lang.
Lúc này, nhiều người đầu hàng Pháp, quay trở lại kêu gọi ông hợp tác với giặc, nhưng vị hoàng thân cương quyết không theo. Dù cụ Phan Bội Châu, người đồng chí thân thiết sau đó bị bắt năm 1925, Kỳ ngoại hầu mất đi người cộng tác đắc lực, nhưng vẫn không thôi mộng phục quốc, tự thân khi Xiêm, khi Trung, lúc Nhật để vận động cứu nước.
Đến năm 1939, trong lúc thế giới có biến động lớn, tại đất Thượng Hải, Kỳ ngoại hầu Cường Để chủ tọa hội nghị cải tổ tổ chức Việt Nam quang phục hội thành Việt Nam phục quốc đồng minh hội. Ý định hợp tác với Nhật, lúc này có đội quân phát xít đang tự tung tự tác khắp vùng Viễn Đông của Kỳ ngoại hầu sau đó thất bại.
Gia đình Kỳ ngoại hầu Cường Để ở Nhật |
Khi lập nên tổ chức này (sau Cách mạng tháng 8 đã gây nên nhiều khó dễ cho chính quyền dạo ấy), ý định của Kỳ ngoại hầu như lời ông tâm sự, là với mục đích chung lật đổ chính quyền bảo hộ của Pháp, khôi phục độc lập cho tổ quốc. Tên gọi ấy, nhằm liên hiệp nhiều phần tử, đoàn thể ái quốc, chỉ lấy mục đích chung là phục quốc, không phân biệt chủ nghĩa.
Năm 1943, Phan Thúc Ngô, theo lệnh của Ngô Đình Diệm, đang ở Pháp sang liên lạc mời ông về hoạt động trong nước, nhưng Kỳ ngoại hầu từ chối.
Gửi thân nơi đất khách
45 năm đi qua biết bao nhiêu quốc gia, vùng lãnh thổ, nào gây dựng tổ chức, nào tập hợp lực lượng, nào cầu viện, nào học hỏi, dù con đường cứu nước đi theo hướng khác so với thắng lợi thực tế của Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhưng xét toàn cục, vị hoàng thân nhà Nguyễn, trên hết, là một nhà yêu nước nhiệt thành.
Kết cục của Kỳ ngoại hầu Cường Để ra sao? Thì đây, “Việt Nam danh nhân từ điển” ghi: “Nhưng, việc nước chưa thành, ngày 6 tháng 4 năm 1951, ông mất tại Đông Kinh (Nhật Bản), thọ 69 tuổi”. Ngày mất ấy, trong “Thành ngữ, điển tích danh nhân từ điển” lại ghi là ngày 5/4, và Kỳ ngoại hầu vì bệnh mà mất. Vậy là, bỏ bao nhiêu trí lực, công sức gây dựng một con đường đi riêng, nhưng vị hoàng thân ấy cũng không tránh được quy luật tất yếu “sinh, lão, bệnh, tử”, để rồi mộng lớn chưa thành mà hồn đã về tiên cảnh.
Gửi tấm thân tàn nơi đất Phù Tang, phải đến 6 năm sau, ngày 12/1/1957, di cốt của Kỳ ngoại hầu Cường Để mới được người con trai trưởng Tráng Liệt đưa về an táng tại cố đô Huế. Đời vị hoàng thân, xét ra, xứng với lời câu đối tưởng niệm dưới đây, được “Người hùng nước Việt” ghi lại, rằng:
“Phong trào cách mạng, đi trước nhất, mất sau cùng, bốn mươi năm chủ hội đồng minh, lá ngọc cành vàng, đất khách cũng lây vòng khói lửa.
Thời vận trùng hưng, chí sắp thành, thân vội lạnh, hăm lăm triệu trông vào bảo quốc, mưa sầu gió thảm, trời Nam cùng ứa lệ non sông.
Qua bao nhiêu nước, dày gió dạn sương; Trải bốn lăm năm, nằm gai nếm mật.
Chỉ cầu cho: Cách mạng thành công; Ba kỳ thống nhất”.
Ngô Đình Diệm nghiêng mình trước di cốt, di ảnh Kỳ ngoại hầu |
Đôi câu chuyện nhà
Suốt đời tận tâm vì việc nước, nhưng mấy ai biết được đời tư của vị hoàng thân tước hầu nhà Nguyễn ấy như thế nào. Thì đây, chúng tôi xin tỏ bày ít hiểu biết nhỏ nhoi cho bạn đọc thêm thông tin vậy.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân khi tìm hiểu về cuộc đời của Kỳ ngoại hầu Cường Để qua bài viết “Kỳ ngoại hầu Cường Để với phong trào Đông Du” biết được rằng, trước khi xuất dương tìm đường cứu nước, Kỳ ngoại hầu Cường Để nơi quê nhà đã lập gia thất rồi. Vợ ông là bà Lê Thị Trân (1883-1956). Hai ông bà có với nhau ba người con là Tôn Nữ Thị Hảo, Tráng Liệt và Tráng Cử. Sau khi Kỳ ngoại hầu xuất dương cứu nước, bà Trân và các con bị tù tới 14 năm nơi nhà lao Hộ Thành.
Gần suốt cuộc đời nay đây mai đó bôn ba, rồi sau này phải gửi tấm thân nơi đất khách, ta không biết được Kỳ ngoại hầu Cường Để có lập gia đình thêm với ai không. Nhưng vẫn theo bài viết trên, căn cứ vào tấm ảnh “Gia đình Kỳ ngoại hầu Cường Để ở Nhật Bản”, thì Kỳ ngoại hầu cùng với nhiều người, thuộc nhiều thế hệ khác nhau với trang phục đồ Tây cùng kimono Nhật chụp ảnh, không biết có phải là gia đình thứ hai của ông không? Ngay Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân khi tìm hiểu, vẫn chưa chắc chắn được.
Lại khi xem hồi ký của con gái nhà yêu nước Nguyễn An Ninh mang tên “Nguyễn An Ninh, tôi chỉ làm cơn gió thổi”, có cho biết thêm rằng nhà yêu nước Nguyễn An Ninh có bà cô Nguyễn Thị Xuyên, “cũng vào hàng phụ nữ đẹp với dáng người dong dãi, mặt mày phúc hậu, tinh thông Hán học và quốc ngữ, biết làm thi phú lại giàu lòng yêu nước”.
Qua lời kể của cụ Nguyễn An Khương (cha Nguyễn An Ninh) thì ông Khương, vốn là một chí sĩ yêu nước, có quan hệ mật thiết với Kỳ ngoại hầu. Khi Kỳ ngoại hầu về Sài Gòn là đến ở khách sạn Chiêu Nam Lầu, và “Trong số bạn bè của ông nội tôi có một số vị để mắt đến bà cô tôi, mà thân nhất là cựu hoàng Cường Để”.
Bà Xuyên, quản lý khách sạn của gia đình, Kỳ ngoại hầu khi về tá túc nơi đây rất thích được sự quan tâm của bà Xuyên nên mới có chuyện là “Nhiều người trêu chọc, bà cô chỉ cười không thanh minh, ông Cường Để cũng cười hề hề”. Có lần, mật thám Pháp biết vị hoàng thân đã về nước, liền đến Chiêu Nam Lầu kiểm tra.
Lúc ấy, Kỳ ngoại hầu đang nằm ngủ trên bộ ván dưới nhà nơi bà Xuyên ngồi cắt may thường ngày, mà ông vốn giản dị lắm, khi ấy đương “nằm ngủ ở trần mặc quần đùi ngáy pho pho, bọn lính tưởng người làm công trong khách sạn”, nên chúng kéo lên lầu lục soát các phòng. Các anh bếp lật đật kéo ông dậy, đưa áo phụ bếp cho ông mặc, rồi xuống bếp rửa chén đĩa, nhờ đó mà ông hoàng Cường Để thoát thân khỏi bọn mật thám...