Bị liệt sau khi chồng bỏ đi lấy vợ hai...
Thời trẻ bà Kha vốn là một cô gái xinh đẹp, khỏe mạnh. Mới lớn, Kha đã được nhiều trai làng nhòm ngó, thậm chí có nhiều gia đình đã sang tận nhà đánh tiếng với cha mẹ của bà, xin cô gái về làm dâu. Thế nhưng, vì đã trót đem lòng yêu một người con trai cùng làng là Trần Văn Trọng, hơn mình 2 tuổi nên bỏ mặc sự khuyên can, sắp đặt của gia đình cho hạnh phúc của mình, Kha quyết tâm giữ trọn lòng thủy chung với người mình yêu.
Ngày bước chân về nhà chồng, tuy cuộc sống có khó khăn nhưng vợ chồng Kha sống khá hạnh phúc. Hai năm sau ngày cưới, vợ chồng bà được bố mẹ chồng cất cho một căn nhà trên mảnh đất ngoài bìa sông của gia đình và cho ra đó ở riêng.
Bà Kha nhớ lại: “Trước khi dọn về sống trong căn nhà cha mẹ chồng cất cho, nhiều người trong làng đã xì xào bàn tán, họ bảo: mảnh đất đó rất dữ, vì trước đây trong thời kỳ chiến tranh có rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh ở quanh khu vực đó. Nếu có ra ở thì phải nhờ thầy cúng bái cẩn thận. Thế nhưng, do chúng tôi còn trẻ, chuyện cúng bái cũng chỉ làm lấy lệ. Nhất là chuyện ma quỷ, thần linh cũng ít tin nên hai vợ chồng bỏ ngoài tai mọi lời xì xào và cùng hướng đến một tương lai hạnh phúc ở ngôi nhà mới”.
Dọn về nhà mới được một năm, năm 1980, vợ chồng bà Kha đón nhận niềm vui mới khi đứa con gái đầu lòng chào đời, trong sự chờ đợi bao năm của hai vợ chồng. Thế nhưng, niềm vui chỉ đến với vợ chồng bà vỏn vẹn vài tháng, đứa con gái xấu số đã từ giã cõi đời sau một cơn bạo bệnh. Trước nỗi đau của gia đình bà Kha, làng xóm lại bắt đầu xì xào nhiều hơn về mảnh đất dữ ấy. Cũng như lần trước, vợ chồng bà Kha bỏ mặc ngoài tai tiếng đời dị nghị mà tập trung lo làm ăn, cày cấy.
Thế nhưng, khi tiền của bắt đầu tích cóp được, đứa con trai sinh sau lớn lên khỏe mạnh, dù bị tật nhỏ ở chân thì cũng là lúc bà phát hiện ra mình mắc bệnh viêm khớp nặng. Nhiều lúc hai chân sưng tấy, đi lại khó khăn, đau đớn nhưng nghĩ đến tương lai của con, bà vẫn cắn răng chịu đựng. Do không được nghỉ ngơi dưỡng bệnh nên bệnh tình của bà ngày càng nặng, đến lúc bà không thể tự mình đi lại, không thể làm được việc gì. Lẽ ra lúc này người đàn bà bệnh tật sẽ được chồng nâng giấc, sẻ chia, nhưng đau đớn thay đúng thời điểm này người chồng đầu gối, tay ấp bao năm bỏ mặc bà cùng đứa con bệnh tật, đi theo một người phụ nữ khác.
Bà Kha kể lại, khi người chồng bỏ đi cũng là lúc căn bệnh viêm khớp của bà ngày càng trầm trọng hơn, nhưng nén nỗi đau bà vừa lo chữa bệnh, vừa lo kiếm tiền dành dụm cho con, bà bảo: chỉ sợ nhỡ mình chết đi, con trai còn nhỏ lại bệnh tật sẽ chẳng thể làm gì ra tiền, nên càng phải cố. Chính cái sự “cố đấm ăn xôi” của bà, đã khiến bà có thời điểm lâm vào cảnh “sống dở, chết dở”.
Tự đứng dậy đi sau hơn 10 năm bị liệt
Bao nhiêu tiền dành dụm được bà đều đổ hết vào thuốc thang. Hết đông y, lại đến tây y. Có thời điểm bà phải lên Hà Nội chữa bệnh gần 1 năm, phải gửi ông bà ngoại trông con hộ. Thế nhưng, bệnh tình chỉ thuyên giảm được một thời gian, sau đó vì làm lụng vất vả cùng với việc không được điều trị đúng phác đồ khiến căn bệnh tái phát.
“Đến năm tôi 33 tuổi, sau một ngày làm việc quần quật tôi lăn ra ngủ mê mệt. Sáng sớm ngày hôm sau, tôi đã khóc thét lên khi không thể nhấc được hai chân của mình xuống giường, cũng kể từ đó tôi nằm liệt giường cho đến năm 45 tuổi” - bà kể lại mà vẫn còn rùng mình sợ hãi khi kể về quãng thời gian nằm liệt giường ấy như một cơn ác mộng.
Hơn 10 năm nằm liệt giường, nhiều phần trên cơ thể bà Kha bị lở loét, thối rữa. Thời điểm ấy, mọi người trong gia đình cũng như hàng xóm những tưởng bà không thể qua nổi; thậm chí gia đình đã gọi hàng xóm đến chuẩn bị lo hậu sự. “Năm ấy khắp người tôi lở loét, mấy anh chị em trong gia đình tưởng tôi không thể qua khỏi đã kêu thợ đến đóng sẵn áo quan. Ai ngờ, giờ tôi lại có ngày đi lại được bình thường như thế này. Nó như là một phép tiên ấy” - bà Kha không giấu được sự vui mừng khi chuyện trò với chúng tôi.
Rồi bà kể lại những thời khắc đấu tranh giữa cái chết và sự sống, giữa lúc ai cũng tưởng bà đầu hàng thì tinh thần bà lại trỗi dậy, bà quyết tâm “còn nước còn tát”. Bà nhờ anh em đi tìm thầy, tìm thuốc chữa trị. Thậm chí còn mời cả thầy cúng đến cúng bái mấy ngày. Bất ngờ, một thời gian sau những vết lở loét trên cơ thể người đàn bà bất hạnh ấy đã dần khỏi, lành da thắm thịt. Bất ngờ hơn, 2 năm sau đó bà Kha tự nhiên đứng dậy cầm gậy và tập tễnh bước đi.
Lý giải “liều thuốc” diệu kỳ giúp mình khỏi bệnh, bà Kha kể: “Tôi nói có thể nhiều người không tin, nhưng tôi thường xuyên mơ thấy có anh bộ đội về, đứng từ đằng xa và động viên tôi bước đi. Tỉnh dậy, tôi giật mình nhớ lại giấc mơ và cũng… thử cựa chân. Mỗi ngày lại tăng cấp độ lên, cựa quen, liên tục rồi thì tôi tập chống chân trên giường. Sau đó thì cố gắng ngồi dậy; hôm sau nữa thì thử nhấc chân trái lên, rồi đến chân phải” - bà bồi hồi nhớ lại.
Cứ như vậy liên tục trong 1 tháng, bà Kha thấy chân có cảm giác và bắt đầu chống gậy dò dẫm đi. Phải tập đi từ đầu như trẻ lên 1, lên 2. Nhiều lúc bà bị ngã sấp, ngã ngửa, chân tay trầy xước khắp nơi. Nhưng mỗi khi nản bà lại nghĩ đến đứa con trai bệnh tật của mình, cùng câu nói vang vang bên tai của người nào đó trong giấc mơ: Bà làm được mà, bà tiếp tục đi… Đến bây giờ, bản thân bà vẫn không ngờ mình đã đi lại được bình thường. “Chắc là có “phép thần” đấy”- bà Kha mỉm cười kết thúc câu chuyện.
Chuyện kỳ lạ chưa có lời giải...
Việc bà Kha bỗng nhiên đứng dậy và đi sau thời gian dài phải nằm một chỗ khiến mọi người ngỡ ngàng. Nhiều người dò hỏi xem bà bắt đầu có thể động chân động tay như thế nào và không ngần ngại đặt cho bà biệt danh “Người đàn bà thép”. Nhiều người lại liên tưởng đến câu chuyện “vùng đất dữ” mà người làng vẫn nói. Họ đặt dấu hỏi “phải chăng bà Kha đã khuất phục được vùng đất dữ bằng ý chí, nghị lực của mình”?
Đến bây giờ việc bà Kha đi lại mạnh khỏe, lại buôn bán hàng để tiếp tục nuôi con có thể vẫn còn là chuyện lạ. Thậm chí, chị Huyền, hàng xóm ngay cạnh nhà bà Kha cũng vẫn chưa tin được chuyện kỳ lạ này: “Đúng là một câu chuyện không tưởng. Chẳng ai ngờ cô ấy có thể đứng dậy đi sau hơn 10 năm liệt giường, toàn thân lở loét”. Chị bảo từ ngày bà Kha đi lại được, bà hân hoan lắm, đi nhà nào cũng đập cửa sổ để chào hỏi mọi người.
Một người hàng xóm khác cho biết, từ khi đi lại được, bà Kha có chút thay đổi tâm tính và thỉnh thoảng có hành động lạ. Chẳng hạn khi gặp người lạ, bà luôn đứng nghiêm, giơ tay chào trong tư thế quân nhân mặc dù bà này chưa vào quân ngũ một ngày nào. Bà Kha cũng không lý giải được vì sao mình lại làm thế, tựa như hành động đó có ai xui khiến. Và bà cười bảo rằng chào như vậy để cảm ơn các anh bộ đội đã xuất hiện trong giấc mơ của bà, giúp bà chiến thắng bệnh tật. Có lúc người đàn bà này khẳng định chắc chắn “các anh bộ đội trong giấc mơ” đã chữa lành bệnh cho bà, đưa bà từ cõi chết trở về.
Mang câu chuyện hư hư thật thật của bà Kha lên gặp chính quyền, ông Ngô Ngọc Chiêm - Chủ tịch UBND xã Thụy Sơn cho biết: “Trường hợp của bà Kha diễn ra đã khá lâu. Tôi cũng chỉ được nghe mọi người kể lại. Tuy nhiên có thực sự bà Kha tự đứng lên đi được hay không hay là nhờ vào phương thuốc nào đó giúp bà ấy khỏi bệnh, có lẽ đến ngay cả bà Kha cũng không thể biết chính xác. Tôi không thể khẳng định được có đúng là bà Kha làm nhà trên nền đất dữ hay không nhưng đúng là trước kia, ở khu vườn nhà bà ấy, người ta đã khai quật được rất nhiều hài cốt của bộ đội”.
Ông Chiêm còn cho biết thêm, tại thôn Hạ Đồng vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã có một trận đánh lớn, quân ta hy sinh nhiều, quân địch cũng tổn thất khá lớn. Sau nhiều năm gom góp, người dân thôn Hạ Đồng đã xây dựng được một ngôi đền liệt sĩ của thôn để tưởng niệm những người chiến sĩ đã hy sinh trong một trận càn của địch thời kỳ chống Pháp vào năm 1952.