Người làng Xuân Đỗ (phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội) từ nhiều năm nay vẫn truyền tai nhau những câu chuyện lạ lùng về ngôi đình làng “nổi tiếng thiêng nhất vùng”. Nhiều vụ trộm đã xảy ra tại đây nhưng kỳ lạ thay, cứ vài bữa sau khi mất thì đồ bị trộm thế nào cũng được những đối tượng hành nghề “hai ngón” trả lại vì sợ hãi.
Lạ lùng “kiệu bay”
Sử làng còn chép, cách đây đã 2000 năm, thưở xưa làng Xuân Đỗ có sáu giáp nhỏ heo hắt nằm dọc bờ sông Hồng. Năm ấy có vị tướng giỏi của Hai Bà Trưng là Đào Khỏa Ba Sơn (SN 27 sau công nguyên) chỉ huy 500 binh sĩ trên đường tiến đánh thành Luy Lâu (tỉnh Hà Bắc cũ nay là tỉnh Bắc Ninh) đã dừng chân nghỉ lại bên miếu thờ công chúa con gái Lạc Long Quân) Đêm đó, điềm lạ đã đến khi công chúa hiển linh báo mộng với vị tướng rằng “Nếu đánh thắng quân giặc thì sẽ cùng cho về trời”. Sớm ngày hôm sau, vị tướng tài xuất quân đầy khí thế và chẳng mấy chốc thành giặc đã “tan tành xác pháo”.
Nhớ lời báo mộng của công chúa đêm hôm trước, vị tướng lệnh lui quân về bên miếu báo tin vui cho dân làng và mở tiệc khao quân tại một cánh đồng. Liền đêm hôm đó, trước sự chứng kiến của mọi người, vị tướng từ từ biến thành đám mây màu hồng thác lên trời. Từ đó cánh đồng xưa có tên gọi là “vườn hồng”, còn nhớ ơn công lao vị tướng tài đã có công diệt giặc, dân làng đã xây đình Xuân Đỗ, tôn ngài làm Thành hoàng làng.
Hàng ngàn năm, ngôi đình thờ vị tướng năm nào vẫn sừng sững dù đã trải qua bao thăng trầm biến cố. Ghé chân quán ven đường trước cửa đình, người phụ nữ bán quán không chút ngần ngại khẳng định chắc chắn: "Đã 50 tuổi đời, cũng đi nhiều nơi nhưng tôi không thấy đâu có ngôi đình thiêng như làng tôi". Trước tiên, chị chứng minh sự linh thiêng của đình bằng dẫn chứng “kiệu bay” trong hội làng mùng 9 – 10/2 âm lịch hàng năm.
Theo sự mô tả của người phụ nữ này, chiếc kiệu bát cống nặng cả ngàn cân, thế mà chỉ cần "ngài" nhập vào thì sẽ nhẹ chẳng khác như kiệu giấy, bốn thanh niên lúc đó chân tay cứ dẻo như kẹo, “múa may xoay tít như ngựa phi trên đường làng”. “Khối lần cả người cả kiệu xoay xuống ao đình; thế nhưng dù trời lạnh cắt da cắt thịt, nước ngập tới cổ mà bỗng chốc cả người cả kiệu lại nhảy phốc từ dưới ao qua bức tường bao cao cả hai mét lên đường mà không ai hề hấn gì, cũng không đồ cúng lễ nào rơi vãi”, chị cho biết.
Ngôi đình “không thể bị mất trộm”. |
Người dân trong làng cho biết, sợ nhất là ai trong đoàn lễ vô tình hoặc cố ý báng bổ sẽ cũng đều bị “thánh vật”, bị "ngài hành” làm chiếc kiệu bỗng nặng cả ngàn cân, trĩu người không lê chân được trong khi người bên cạnh thì vẫn… chạy như bay.
Kiểm chứng câu chuyện, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Khắc Chứ (60 tuổi, Trưởng tiểu ban quản lý di tích đình) thì cũng được khẳng định “đó là câu chuyện thật”. Ông Chứ cho biết, từ xưa tục làng đã vậy, mỗi năm một lần trước ngày hội 10 ngày, làng sẽ lựa chọn những thanh niên ưu tú để tham gia rước kiệu "ngài". Trong thời gian này, tất cả những người rước kiệu đều không được ăn tỏi, hành, đồ ăn mặn và tuyệt nhiên kiêng kị chuyện "tình cảm".
Ngôi đình “bất khả xâm phạm”
Thế nhưng những câu chuyện đặc sắc nhất về ngôi đình, theo ông Chứ phải là chuyện những món đồ tại đây không thể bị mất, dù tương đối quý hiếm và đình cũng không canh phòng cẩn mật.
Thời xưa, đình làng có đôi quạt ngà một không ai rất quý giá, được xem là “bảo vật” của cả làng nhưng không may một lần đạo chích viếng thăm đã cuỗm đi khiến cả dân làng tiếc ngẩn ngơ. Bẵng đi một thời gian, tự dưng người từ một ngôi chùa cách làng 5 - 6 cây số bắn tin về báo đến nhận lại đôi quạt ngà của đình làng đang thất lạc ở đó. Tin lạ loang nhanh cả làng, các cụ bô lão liền tất tưởi tới xem thì được sư thầy ở chùa đó cho biết có người tự dưng mang đôi quạt ngà đến để ở chùa nhờ trả hộ.
Rồi vào những năm 1970, trong một lần tu sửa đình có một kẻ gian tự mang nộp chiếc đỉnh đồng mà hắn đã ăn trộm trước đó. Ông Chứ cười khà: "Tôi đoán chắc do kẻ gian đã lấy trộm nhưng rồi rốt cuộc cũng gặp không ít những chuyện chẳng lành nên sợ quá mà đem trả lại thôi. Thành làng tôi “thiêng” lắm, không để kẻ gian toại ý đâu".
Rồi lần mất trộm gần đây nhất cách đây 3 năm, ông Chứ vẫn nhớ buổi sáng hôm đó khi cụ từ trông đình mở cửa đền thờ thì phát hiện toàn bộ đồ đồng gồm đỉnh đồng, chuông, khánh... “không cánh mà bay”. Tin động trời ấy chẳng chốc loang khắp cả làng xóm, ai cũng hoang mang nhưng rồi lại một lần nữa chuyện đồ đạc bị mất “tự nhiên quay lại” lại xảy ra: Gần một năm sau cụ từ bỗng phát hiện một bao tải lạ được đặt ngay ngắn ở sân đình. Gọi các cụ trong làng đến xem thì quả thực toàn bộ đồ lễ đã mất nay được trả lại đầy đủ trước sự vui mừng khôn tả của cả làng. Ông Chứ tự hào: “Trong đình cũng còn rất nhiều vật dụng quý giá, thậm chí có cả dát vàng nhưng mảy may chẳng kẻ trộm nào đủ gan để lấy đi”.
Theo dân làng, "ngài hiển linh” còn… xua đuổi được quân thù. Những năm giặc Pháp xâm lược, một ngày cuối năm 1946 một nhóm giặc Pháp kéo đến chiếm đóng trong đình bất chấp sự phản đối của dân làng. Đêm hôm đó, trong đình không biết đã xảy ra điều lạ gì người trong làng chỉ thấy đám lính cứ nhộn nhạo, kẻ thì la hét, người ngã méo xẹo mồm miệng, đến sáng hôm sau ra thì đã thấy chúng cuốn xéo đi hết không còn một tên. Thấy vậy, người trong làng khấp khởi mừng đồn đại ““ngài” đã hiển linh đuổi lũ giặc bảo vệ dân làng”.
Nói về sự lạ của đình làng, ông Chứ cũng không thể nhớ hết có bao nhiêu chuyện nữa. Mới đây, chẳng hiểu sao có cháu bé người làng khác đến chơi, xuống ao trước đình nghịch ngợm rồi không hiểu sao thằng bé khốn khổ cứ nổi bồng bềnh ở giữa ao không tài nào bơi được vào bờ. Hoảng quá, người nhà cháu bé đến phải vào đình làm lễ vái van xin thì đứa bé mới bơi vào bờ được. Còn có những chuyện cách đây ít năm, có người trong làng trèo cây doi trong đình hái quả không may làm gãy cành, thế là người cứ dính tịt trên cây không thể xuống được, người nhà lại phải vào đình vái xin "ngài" tha cho.
Kể là vậy, nhưng ông Chứ cười xòa cho biết thêm: “Thánh thiêng” là vậy nhưng từ trước đến nay cũng không hành ai đến mức thập tử nhất sinh bao giờ, biết mà vào xin khấn tội thì ngài ắt sẽ xá cho".
Điều lạ là dù những câu chuyện nhuốm màu tâm linh ly kỳ đến mấy thì từ hàng trăm năm nay, không ai bảo ai người làng Xuân Đỗ cứ truyền từ đời này sang đời khác. Dân làng Xuân Đỗ vẫn tin đó là chuyện có thực, người ta cho rằng những câu chuyện đó trước tiên để thể hiện lòng tôn kính với thành hoàng, sau nữ để cảm hóa, giáo dục con cháu phải biết thờ tụng tôn kính những bậc cha ông ngày xưa đã dựng làng giữ nước để con cháu có những miền quê bình yên, trù phú như ngày nay.
Theo Pháp luật & Thời đại