Nghi can ra vườn mít… câu cá?
Trong đơn gửi cơ quan tố tụng cũng như khi trả lời phỏng vấn của phóng viên, bà Hảo đều cho rằng Lê Bá Mai không phải là hung thủ, mà hung thủ chính là ông Điểu Ngôi, người Stiêng, sống cùng sóc (làng) với nạn nhân. “Tính tình, cuộc sống của ông Điểu Ngôi ra sao?”, phóng viên hỏi.
Bà Hảo đáp: “Nghèo. Suốt ngày say xỉn. Có ba đứa con, hai đứa con trai, một đứa con gái. Nó đi hoang không. Nói chung là nó cũng cao, thuộc dạng như bình thường thôi chứ không mập, tóc để dài lắm, đi như người rừng. Nó đi kiếm rắn rồi kiếm măng về uống rượu không hà”.
Bà Hảo còn kể sau khi vụ án xảy ra, ông Điền Văn Ngọc (còn gọi là ông Tư Quẹo) nói cho bà Hảo biết vào khoảng nửa đêm trước khi phát hiện xác nạn nhân, ông bắt gặp Điểu Ngôi đi vào khu vườn mít đó. Ông Ngọc có hỏi: “Mày đi đâu vào đây?” thì Điểu Ngôi trả lời là “Con đi câu cá”.
Ông Ngọc nói: “Mày đi câu cá mà sao không có cần câu?”. Điểu Ngôi không trả lời mà đi thẳng vào hướng vườn mít nơi hôm sau phát hiện thi thể cháu Thị Út. Thửa đất trong hồ sơ vụ án nói Thị Út cùng bạn mót củ sắn trước khi Út mất tích là đất ông Ngọc thuê để trồng củ đậu (sắn).
Không chỉ nghi vấn cho Điểu Ngôi là hung thủ, bà Hảo còn chú ý đến một nghi can khác. Bà nói: “Còn người có thể liên can nữa: con rể ông Điểu Ky. Tối hôm trước ông Điểu Ky đi trình báo con Út mất tích thì sáng hôm sau không thấy thằng đó nữa. Ngày 16 phát hiện xác thì nó không đi theo, mấy tháng sau nó mới về. Không nhớ tên, nó ở xóm xa tới làm rể ông Ky”.
Theo bà Hảo, người dân tộc rất sợ ma. Giả thiết nếu Điểu Ngôi giết cháu Út rồi, nhưng ai là người đưa xác chết đi đây, đưa bằng cách nào? “Một mình thì không bao giờ đưa được. Con bé đó nhỏ, nhưng mà dân tộc sợ ma lắm. Một mình thì không dám đi. Nói “ma lai” thì chính quyền không tin đâu. Điểu Ngôi luyện “ma lai” đó, thì nó không sợ mới dám đi đêm đó. Nhưng một mình nó vác xác chết đi thì nó không vác. Phải có người vác thay, trong anh em nhà nó thôi”, bà Hảo nói.
Bí mật trong cuộn băng ghi âm
Để giải đáp cho việc vì sao cho rằng ông Điểu Ngôi là hung thủ giết cháu Thị Út, bà Hảo nói: “Tôi có ghi âm Điểu Ngôi. Mấy lần nó đi xuống rẫy tôi, hồi đó rẫy tôi ở trên đó mà. Chúng tôi đang ngồi uống, nó cũng túm vô uống, mấy thằng đó mà, khỏi mời. Nó uống ngà ngà rồi tôi hỏi: “Ngôi, tao hỏi thiệt mày, sao mày giết con Út? Mắc mớ gì mày giết nó?”. Nó nói: “Sao mợ biết?”. “Làm sao tao biết không thành vấn đề, nhưng có không?”. Nó nói: “Cái này hỏi công an Sinh á”.
Cái thằng Điểu Ngôi hồi xưa nó cũng hiếp một con nhỏ câm ở đó rồi, hồi giờ nghĩ công an cũng đâu có làm gì, trong dòng họ dân tộc, nó chỉ phạt thôi, hồi xưa nó đâu có như bây giờ, chứ như bây giờ là nó chết rồi. Đứa con trai do con nhỏ câm đẻ ra nay cũng đã lớn lắm, hai mấy tuổi rồi”.
Lần thứ hai, bà Hảo lại ghi âm cuộc nói chuyện với Điểu Ngôi. Bà Hảo nói: “Tôi hỏi: “Vì sao mày giết con Út mà đổ tội cho thằng Mai?”. Điểu Ngôi trả lời: “Sao mợ biết?”. Tôi nói với Điểu Ngôi là: “Mày làm gì mà tao không biết”, rồi Ngôi lại trả lời tôi: “Con đâu có đổ tội cho thằng Mai, mợ hỏi công an Sinh chứ con đâu có đổ tội cho thằng Mai đâu”.
“Cuộc nói chuyện tôi đã ghi âm hết. Lần cuối cùng tôi nói với Điểu Ngôi là: “Mày không ra công an khai báo thì tao báo công an bắt mày đó”. Ngôi nói với tôi là: “Con lạy mợ đừng báo công an biết, chuyện này lộ ra công an Sinh nói sẽ giết cả nhà con đó mợ ơi”, lời bà Hảo.
Càng kỳ lạ hơn khi sau đó nhà bà Hảo bị một vụ trộm hy hữu. Bà kể: “Tôi hỏi thằng Ngôi ba lần, tôi ghi âm ba lần. Băng ghi âm cũng bị ăn cắp luôn. Tôi đâu có nghĩ dân ở đó lấy băng ghi âm làm cái gì. Không bắt được tay đâu có dám nói ra. Thời điểm đó tôi mất máy luôn, chứ còn máy là có nhiều thứ. Tôi để 3 triệu đồng trong valy, 3 triệu không mất mà chỉ mất cái máy thôi, mới bán bắp mà. Tôi mà còn cuộn băng đó là thằng Mai trắng án, vô tư rồi”.
Vì sao nghi can mất tích khỏi hồ sơ vụ án?
Chúng tôi đã gặp một số người dân địa phương ở gần trang trại của ông Tuân. Tất cả những người được hỏi đều khẳng định Điểu Ngôi là người có thật, sống trong sóc gần trang trại ông Tuân. Nói về Điểu Ngôi, một người dân kể: “Nó hay ra cái suối này nè (suối Lạnh ngay trang trại của ông Tuân, sát vườn mít nơi có thi thể cháu Thị Út - PV). Đúng là tóc nó dài… Nó ăn trộm gà nhà em, em đánh nó bao nhiêu lần. Nó đi bắt rắn, bắt chuột…”. Điều đặc biệt là tất cả những người dân địa phương này đều gắn liền cái tên Điểu Ngôi với từ luyện “ma lai”, tóc dài.
Sau khi Lê Bá Mai bị bắt, cha của Mai là ông Lê Bá Triệu đã có đơn khiếu nại gửi Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cung cấp thông tin có một đối tượng tên Điểu Nguôi (ghi theo lời phát âm của người dân tộc), tóc dài, là người đã hai lần đến khu vực nơi phát hiện thi thể nạn nhân và đã hãm hiếp một cô bé câm người dân tộc Stiêng trước đó.
Thế nhưng trong Công văn số 344/PC14 ngày 11/4/2005 gửi ông Triệu và Công văn số 115/PV11-(PC14) ngày 7/4/2005 gửi Tổng cục Cảnh sát, Công an tỉnh Bình Phước trả lời: “Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành điều tra xác minh tại xã An Khương không có đối tượng nào tên Điểu Nguôi người dân tộc Stiêng tóc dài như nội dung ông Triệu đã nêu trong đơn. Từ những tài liệu xác minh trên xác định những nội dung ông Lê Bá Triệu nêu trong đơn là không có thật”.
Theo nguồn tin riêng mới đây của chúng tôi, ông Điểu Ngôi là người có thật, sinh năm 1970, vợ tên là Thị P., sinh năm 1971, có ba người con chung. Hộ khẩu thường trú tại tổ 1, ấp 1, xã An Khương, ở trong sóc người dân tộc Stiêng gần trang trại ông Tuân, số hộ khẩu của gia đình là 096, trước đây do Điểu Ngôi đứng tên chủ hộ.
Trong quá trình điều tra lại vụ án vườn mít do hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần thứ nhất bị cấp giám đốc thẩm tuyên hủy, vào ngày 10/6/2010, Điểu Ngôi đã qua đời. Gia đình ông ta có báo tử tại UBND xã An Khương. “Lúc nó chết tôi không có ở đây... Vợ nó bây giờ vẫn còn ở trong đó, cũng người dân tộc”, bà Hảo nói. Tuy nhiên, nghi can chết không phải là hết. Nếu vụ án vườn mít bị hủy án và điều tra lại, có thể nhiều sự thật bị che giấu bấy lâu nay sẽ được phơi bày ra ánh sáng./.