Kinh hoàng bác sĩ “thai cỡ nào cũng nhận phá”

Kinh hoàng bác sĩ “thai cỡ nào cũng nhận phá”
(PLO) - Tội ác khủng khiếp của Gosnel dấy lên sự tức giận của dân chúng Mỹ về sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý y tế để xảy ra những vi phạm khó có thể tưởng tượng.  
Bác sĩ giết người  
Gosnell sinh năm 1941 tại bang Philadelphia, tốt nghiệp y khoa năm 1966. Là một trong những người vận động nhiệt tình cho quyền phá thai vào các thập niên 1960 và 1970, Gospel đã mở bệnh viện Women’s Medical Society chuyên phá thai tại Mantua năm 1972. Báo chí gọi bệnh viện này là “xí nghiệp tội ác”. 
Bệnh nhân phần đông là dân nhập cư hay thuộc nhóm dân thiểu số, hầu hết đều nghèo và sợ dây dưa đến pháp luật. Thu nhập từ dịch vụ phá thai của bệnh viện khoảng 1,8 triệu USD mỗi năm. Bệnh viện kiếm nhiều tiền với việc nhận phá thai bất hợp pháp cho các trường hợp mang thai quá 24 tuần với giá từ 1.600 - 3.000 USD (đến hơn 60 triệu VNĐ). 
Năm 2010, bệnh viện bị khám xét. Đội kiểm tra đã mô tả những gì họ nhìn thấy trong bệnh viện bằng các từ “dơ bẩn”, “tồi tệ”, “kinh tởm”, “hết sức mất vệ sinh”, “rất lỗi thời”, rất khủng khiếp”. 
Thật ra những từ này chưa đủ để diễn tả cảm xúc của họ khi nhìn thấy những thứ bày ra trước mắt họ. Về vệ sinh, họ nói tới mùi khai nồng nặc, phân mèo vương vãi khắp nơi, máu bê bết trên giường, ghế, sàn nhà. Tầng hầm ngập chất thải y tế.
Về chuyên môn, họ vô cùng ái ngại cho sự an nguy của các phụ nữ nửa mê nửa tỉnh rên rỉ trong phòng chờ phá thai hay trong phòng hồi phục. Tất cả phụ nữ đều bị cho dùng thuốc an thần. 
Giám đốc Gosnell thường vắng mặt, nhân viên không có giấy phép hành nghề, không trả lời được bệnh nhân đã cho bệnh nhân dùng thuốc gì, liều lượng bao nhiêu. Nhiều loại thuốc trong bảng kiểm kê trình đoàn đã quá hạn sử dụng. 
Các bà bầu được đưa vào nhà vệ sinh cho bào thai ra, để lộn xộn khắp nơi. Trường hợp khó, bà bầu được đưa vào phòng mổ “dơ như nhà vệ sinh của một trạm xăng tồi”. Dụng cụ y khoa lỗi thời lại còn rỉ sét và không được khử trùng. 
Sau cuộc khám xét, Gosnell bị rút giấy phép hành nghề, bệnh viện bị đóng cửa năm 2010. Gosnell bị bắt năm 2011 với trên 200 tội danh. Cơ quan điều tra phải làm việc vất vả nhiều năm và tòa xét xử Gosnell hai đợt. 
Tháng 3/2013, Tòa án ở Philadelphia xử Gosnell về các tội liên quan tới hoạt động phá thai. Khi bị bắt Gosnell bị buộc tám tội giết người, nhưng khi xét xử,  thẩm phán loại bốn vụ vì không đủ chứng cứ, còn lại bốn vụ. 
Tháng 5/2013, Tòa buộc Gosnell một tội giết người mức độ ba vì đã gây ra cái chết cho bà Karnamaya Mongar (một người Bhutan tị nạn, 41 tuổi) vào năm 2009. Từ lúc vào bệnh viện, sản phụ này đã được cho uống nhiều liều thuốc trục thai. Thân nhân phát hiện sản phụ có dấu hiệu mất ý thức nên đã gọi nhân viên bệnh viện nhưng họ nói bệnh nhân “đang ngủ, không xử lý, đợi bác sĩ Gosnell tới”. 
Kermit Gosnell sau khi bị kêu án tù chung thân
Kermit Gosnell sau khi bị kêu án tù chung thân 
Gosnell cố dùng các biện pháp làm cho sản phụ tỉnh lại nhưng thất bại. Chần chừ mất tới ba tiếng đồng hồ sau, bệnh viện mới gọi xe cứu thương đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Đã quá trễ. Sản phụ có thể không chết nếu Gosnell gọi xe cứu thương sớm.
Gosnell còn bị tòa buộc ba tội giết người mức độ một vì đã giết ba đứa bé. Bào thai một bé gần 30 tuần tuổi mới bị phá, bé sinh ra còn sống và lớn đến nỗi Gosnell nói đùa là nó “có thể đi bộ vòng quanh với tôi”, sau đó bị sát hại. 
Một bé khác ra đời, sống khoảng 20 phút trước khi bị nhân viên bệnh viện sát hại. Một bé được sinh trong nhà vệ sinh, còn cử động cho đến khi bị nhân viên cướp mạng. 
Steven Massof, một nhân viên của Gosnell khai với tòa anh ta được ông chủ dạy cách sát hại trẻ mới sinh và tự tay thực hiện hơn 1000 trường hợp. Việc giết trẻ sơ sinh còn sống, dù trong trường hợp thai bị phá, là vi phạm pháp luật. 
Gosnell còn bị buộc 21 tội vi phạm luật cấm phá thai khi thai nhi quá 24 tuần tuổi. Biết có thể bị kêu án tử hình, Gosnell đồng ý nhận tội và chịu từ bỏ quyền kháng án để được tòa xử án tù chung thân suốt đời.
Hai lần bị phát hiện sai phạm nhưng vẫn được cấp phép
Cơ quan quản lý y tế bang Pennsylvania đảm nhận việc cấp giấy phép nhưng đã lơ là trong việc kiểm tra hoạt động của bệnh viện. Lần cuối họ kiểm tra vào năm 1993 trong khi nhiệm vụ của họ phải kiểm tra hàng năm. Trong hai lần kiểm tra vào hai năm 1992 - 1993, dù phát hiện bệnh viện có nhiều sai phạm nhưng cơ quan y tế vẫn tiếp tục cấp phép cho bệnh viện.
Bệnh viện  đã bị kiện tới 46 lần trong thời gian hoạt động hơn 30 năm do các sai phạm trong chuyên môn gây hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân. Thêm nữa, không ít chuyên gia y tế, cá nhân gửi đơn, thư tới các cơ quan chức năng báo động về các vi phạm chuyên môn cũng như pháp luật của bệnh viện. Tất cả đều bị  cho qua. 
Hai việc sau đây cho thấy các cơ quan chức năng của bang Pennsylvania không quan tâm đầy đủ tới việc kiểm tra bệnh  viện thuộc quyền quản lý của mình. 
Năm 2000, Senika Shaw chết vì bị nhiễm trùng ba ngày sau khi phá thai tại bệnh viện. Gia đình nạn nhân kiện đòi bồi thường, kết quả được bồi thường 900.000 USD (khoảng 20 tỉ VNĐ), hơn phân nửa số tiền bồi thường do  công quỹ đài thọ. Chắc chắn chính quyền bang biết chuyện nhưng Gosnell không bị khởi tố hình sự và cái chết của bà Shaw không được điều tra. 
Năm 2001, Marcella Chuong, một người làm việc cho bệnh viện trong một thời gian ngắn, đã gửi cho cơ quan quản lý y tế một đơn tố cáo thật chi tiết về tình hình tồi tệ của bệnh viện đe dọa sức khỏe và tính mạnh của bệnh nhân, nhưng cũng chẳng đi tới đâu.
Chỉ đến khi việc bán đơn cho người nghiện mua thuốc và phân phối  thuốc có chứa ma túy của Gosnell bị Cục phòng chống ma túy điều tra, thì những sai trái của hoạt động phá thai mới được điều tra đến nơi đến chốn. 
Trong quá trình điều tra, thám tử James Wood phát hiện một phụ nữ chết do phá thai tại bệnh viện và nghe kể về những sai phạm của bệnh viện. Sau đó, nhân viên của Cục phòng chống ma túy Stephen Dougherty mời thanh tra của Bộ Y tế và nhân viên liên bang thực hiện cuộc khám xét bệnh viện năm 2010, mới dẫn đến việc Gosnell bị bắt.

Đọc thêm

Cựu Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đắk Nông lĩnh 30 tháng tù

Các bị cáo trong vụ án.
(PLVN) - Sáng 15/11, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên án với các bị cáo trong vụ sụt lún nghiêm trọng xảy ra tại gói thầu khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công hạng mục san nền và bảo vệ mái dốc (gói thầu 02XL); thuộc dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật bên trong và ngoài hàng rào Khu công nghiệp Nhân Cơ với mức tổng đầu tư hơn 1.600 tỉ đồng.

Liên quan vụ bắt giữ ca sĩ Chi Dân và người mẫu An Tây: Còn nhiều đối tượng khác trong diện mở rộng điều tra

Từ vụ 4 nữ tiếp viên xách ma tuý từ nước ngoài về, đến nay cơ quan công an khởi tố, bắt 1.132 đối tượng. (Ảnh: Hải quan cung cấp)
(PLVN) - Liên quan vụ án, hiện còn nhiều đối tượng khác tham gia nhưng trong diện mở rộng điều tra nên công an chưa thông tin chi tiết. Sở dĩ việc bắt giữ các bị can trên được công bố vì các đối tượng là người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng nhất định trên mạng xã hội...

Truy bắt nhanh đối tượng cướp tài sản ở TP Hạ Long

UBND TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh khen thưởng đột xuất Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố và 6 cán bộ, chiến sỹ của Đội.
(PLVN) -  Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Hạ Long (Quảng Ninh) mới truy bắt được Đỗ Hoàng Thanh (sinh năm 2005, đăng ký thường trú tại tổ 4, khu 1, phường Việt Hưng, thành phố Hạ Long) - đối tượng có hành vi dùng hung khí tấn công gây thương tích người dân, cướp tài sản.

Con đường vướng vòng lao lý của những người gieo rắc “cái chết trắng”

Phạm nhân Sồng A Đùa (Sn 1984), hiện đang chấp hành án tại Trại giam Yên Hạ, C10, Bộ Công an.
(PLVN) -   Khà A Tú và Sồng A Đùa, hai chàng trai người Mông từng ôm mộng đổi đời, đã sa vào con đường buôn bán ma túy, gieo rắc "cái chết trắng" tự đẩy mình vào vòng lao lý. Giờ đây, giữa chốn ngục tù, trong những năm tháng cải tạo chỉ còn lại sự ân hận muộn màng cho một lựa chọn sai lầm đã đánh đổi bằng cả tương lai và gia đình.