Kiện đòi đứa con bị “bắt cóc” từ... trong bụng sản phụ

Thẩm phán Roderick Newton, người quyết định đem con của một bà mẹ Ý cho người khác làm con nuôi.
Thẩm phán Roderick Newton, người quyết định đem con của một bà mẹ Ý cho người khác làm con nuôi.
(PLO) - Một bà mẹ người Ý vừa kiện đòi trả đứa con đã bị bắt từ trong bụng mình. Vụ kiện hi hữu này đang làm dư luận hai nước Ý và Anh bàn tán sôi nổi về  Tòa bảo vệ, một tòa chuyên quyết định những chuyện “sinh tử” thay cho người không có năng lực quyết định. 
Nữ tiếp viên hàng không bị mổ lấy thai ngoài ý muốn
Ngày 2/12/2013, một nữ tiếp viên hàng không Ý 35 tuổi đã khởi kiện đòi lại đứa con gái 15 tháng tuổi đang được nuôi ở hạt Sussex (Anh). Con của người này xa mẹ không phải vì bị bắt cóc mà do phán quyết của tòa mà trước đó bà mẹ không hề được hỏi ý kiến.
Câu chuyện xảy ra vào năm 2012, bắt đầu từ việc cô gái được đưa sang Anh tham dự một lớp huấn luyện nữ tiếp viên hàng không tại phi trường Stansted, hạt Essex. 
Lúc ấy cô đang mang thai đứa con thứ ba. Cô mắc một chứng bệnh tâm thần đã lâu, cần phải uống thuốc thường xuyên để kiểm soát bệnh. Tuy nhiên cô ngưng uống thuốc nên lên cơn. 
Trong lúc thần kinh không ổn định, cô gọi cho cảnh sát, nói rằng không tìm thấy các sổ thông hành của các con mình trong phòng khách sạn. Cảnh sát tới trong lúc cô nói chuyện với mẹ đang ở Ý. Cô đưa điện thoại cho cảnh sát nói chuyện với mẹ mình. 
Bà mẹ giải thích với cảnh sát rằng tình trạng tâm thần bất ổn của con gái là do ngưng uống thuốc và nói cô cần được làm cho ổn định trở lại.
Cảnh sát liên lạc với các cán sự xã hội hạt Essex để hỏi ý kiến rồi bảo sẽ đưa cô tới bệnh viện để khám thai. Đến nơi, cô hốt hoảng nhận ra đã bị đưa tới bệnh viện tâm thần chứ không phải bệnh viện sản. 
Bà bầu phản đối, đòi trở lại khách sạn nhưng đã bị khống chế và bị giữ lại bệnh viện tâm thần theo Luật sức khỏe tâm thần năm 1983 của Anh. Cô bị giữ 5 tuần liền cho đến khi cơ quan y tế xin Tòa bảo vệ cho phép mổ lấy thai với lý do lo ngại cho hai mẹ con gặp nguy hiểm. 
Tháng 8/2012, thẩm phán của Tòa bảo vệ chấp thuận đề nghị này. Bé gái sơ sinh được giao cho hạt Essex chăm sóc, còn bà mẹ được đưa về Ý. Sau đó hạt Essex xin tòa chấp thuận cho đứa bé làm con nuôi. Tòa chấp thuận yêu cầu này, mà không hề trao đổi, hỏi ý kiến, thông báo cho người mẹ khi đưa ra các quyết định nói trên; mặc dù từ khi bị bắt đưa vào bệnh viện tâm thần cho tới khi vào phòng mổ, bà bầu hỏi liên tục: “Quý vị mang tôi đi đâu? Tôi muốn sinh con ở Ý”. 
Khi biết lệnh tòa cho con mình đi làm con nuôi, bà mẹ đã tìm cách xin Tòa Bảo vệ cho đứa bé về Ý đoàn tụ. Sợ tòa ngại mình bị bệnh tâm thần, cô nói rằng đứa bé sẽ được bố mẹ cô nuôi như hai đứa con đầu. Chồng cũ của cô và một người bà con của chồng cũ ở Mỹ cũng xin đưa đứa bé về Mỹ nuôi. 
Tháng 2/2013, thẩm phán Roderick Newton bác thỉnh cầu được nuôi con này dù thừa nhận rằng tình trạng sức khỏe của bà mẹ lúc đó tốt, uống thuốc liên tục, có nghề nghiệp ổn định. 
Vị thẩm phán e rằng một lúc nào đó cô lại ngưng uống thuốc, bệnh tái phát, không tốt cho đứa bé. Vị thẩm phán cũng từ chối cả yêu cầu của chồng cũ và người bà con vì cho rằng không có quan hệ huyết thống. Tòa nhất định cho đứa bé làm con nuôi một gia đình người Anh. 
Mọi nỗ lực xin nhận lại đứa con thất bại, bà mẹ quyết định nhờ hai luật sư Ý làm thủ tục pháp lý đòi con. Chuyện bà mẹ mất con được báo chí đăng tải nhưng tên thật của hai mẹ con và những người liên quan không được tiết lộ theo yêu cầu của Tòa bảo vệ.
Đặc quyền xử bí mật của tòa chuyên trách “bố tướng”
Câu chuyện đã hết sức nhạy cảm, mà còn rắc rối, phức tạp vì bà mẹ là người nước ngoài. Ngay sau khi vụ việc được đưa lên báo, nhiều người đã bày tỏ sự thương cảm đối với bà mẹ. Các nhà chính trị và các quan chức tòa án hai nước đã lên tiếng. Hầu hết các ý kiến đều chỉ trích đặc quyền xử bí mật của Tòa bảo vệ, một quyền mà các tòa khác không có.
Tòa bảo vệ được thành lập theo quy định của Luật Năng lực tinh thần; với mục đích bảo vệ quyền lợi cho người thiếu năng lực quyết định những vấn đề “sinh tử” về sức khỏe, phúc lợi xã hội, tiền bạc... của chính mình. Nguyên tắc của Tòa bảo vệ là bí mật. Báo chí bị hạn chế cung cấp thông tin về các quyết định của tòa này.
Qua vụ kiện trên, báo Anh đã đăng những lời phát biểu phản đối các phán quyết của Tòa bảo vệ đã chia cắt  tình mẫu tử của hai mẹ con, cũng như nguyên tắc bí mật của tòa này.
Ông James Monby, Chánh án tòa án gia đình của Tòa Dân sự tối cao Anh, thì yêu cầu Tòa bảo vệ giải thích tại sao đứa bé không được đoàn tụ với người mẹ Ý?.
Không chỉ phê phán các quyết định của Tòa bảo vệ, dư luận còn đặt dấu hỏi về trách nhiệm của các nhân tố khác. Trước hết là các cán sự xã hội, những người đã bảo cảnh sát đưa bà mẹ tới bệnh viện tâm thần dù chưa biết rõ về tình trạng của cô. 
Kế đó, cảnh sát đã “nghe lời” cán sự xã hội không băn khoăn, và còn nói dối để đưa cô đi. Rồi đến các nhân viên y tế, những thầy thuốc sẵn sàng mổ bụng một bà mẹ mang thai bình thường để đứa bé phải chịu sinh non, thay vì được sinh tự nhiên, và còn nhẫn tâm không nói thật với bà mẹ sắp bị mổ bụng lấy con.
Trong lúc dư luận phê phán, Thẩm phán Newton, người đã quyết định cho bé gái làm con nuôi, đã viết thư gửi bé gái này. Thẩm phán nói ông “muốn đưa bé khi lớn lên biết rằng bé không bị mẹ bỏ rơi. Mẹ bé rất yêu bé và muốn bé lớn lên trong vòng tay của mẹ”. 
Một đoạn trong thư  giải thích lý do vì sao Newton quyết định cho đứa bé làm con nuôi ở Anh thay vì về sống với mẹ ở Ý. Ông nói tới tình trạng bệnh tật của bà mẹ, sự bất đồng giữa bố mẹ cô bé trong việc nuôi con, và việc một trong hai anh chị của cô bé có lần bị chấn động vì chứng kiến mẹ lên cơn điên. 
Người đầu tiên bị Tòa bảo vệ bỏ tù
Tháng 4/2013, báo Anh Daily Mail tiết lộ việc Tòa bảo vệ kêu án tù bí mật bà Wanda Maddocks, 50 tuổi vào ngày 11/9/2012. Bà Maddocks trở thành người Anh đầu tiên bị Tòa bảo vệ kêu án tù.
Bà bị tòa xử tù 5 tháng vì đã can thiệp vào chuyện của cha bà, ông John Maddocks, trái với lệnh và có một số hành động bày tỏ thái độ chống đối tòa. Ông lão ly dị vợ đã lâu, sống một mình. Sau lần bị té, cụ được Tòa bảo vệ ra lệnh đưa vào mộtnhà nuôi người già vào năm 2012. Con gái ông thì cho rằng cha bà sẽ chết nếu sống ở nơi “giống nhà tù” đó nên đã tìm cách đưa cha đi Thổ Nhĩ Kỳ ở 13 tuần, rồi mới quay về Anh. Người cha được đưa vào một nhà nuôi người già, còn người con phải ra Tòa bảo vệ. 
Tòa cho rằng những hành động bị xem là chống đối tòa của bà Wanda như dẫn cha đi gặp luật sư, tặng cho cha một cây thập giá bằng gỗ để “ngăn quỷ trong nhà nuôi người già làm hại”, in tờ rơi về vụ việc có cả tên tuổi và hình ảnh của ông cụ để phân phát trước và trong phiên xử, trái với quy định giữ bí mật thông tin của Tòa bảo vệ.
Tuy nhiên bị cáo đã được ra tù sớm sau khi đồng ý quay trở lại tòa để nói lời xin lỗi thẩm phán. 

Đọc thêm

Công an Kon Tum cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Đối tượng lừa đảo qua mạng nhắn tin, dẫn dụ bị hại. (Ảnh: Công an tỉnh cung cấp)
(PLVN) - Phòng An ninh mạng - Công an tỉnh Kon Tum và Ngân hàng ACB chi nhánh Kon Tum đã kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo hơn 500 triệu đồng với chiêu giả danh người Mỹ muốn chuyển tiền về Việt Nam đầu tư.

Sơ thẩm vụ 'Trốn thuế' ở Phú Giáo (Bình Dương): VKS đề nghị phạt tiền với 3 bị cáo

VKS đề nghị HĐXX phạt tiền các bị cáo về tội “Trốn thuế”.
(PLVN) - Hôm qua (12/12), TAND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) mở phiên sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Thị Phương Huệ (SN 1967), Trần Thanh Tài (SN 1997, con trai bà Huệ, cùng ngụ huyện Phú Giáo) và Võ Đức Quang (SN 1993, ngụ Chơn Thành, Bình Phước) về tội “Trốn thuế”. Cả ba bị cáo buộc trốn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi khai giá mua bán đất thấp hơn giá thực tế.

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép
(PLVN) -  Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) phối hợp với Trạm Kiểm lâm số 3, Công an xã Tả Van và Ban Chỉ huy Quân sựu xã Tả van (thị xã Sa Pa) vừa bắt quả tang 01 đối tượng vận chuyển trái phép gỗ pơ mu.

Truy tố ông Trần Đình Triển

Ảnh minh họa
(PLVN) - VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Đình Triển (SN 1959, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.