Báo cáo về công tác của ngành Tòa án, Phó Chánh án TANDTC Bùi Ngọc Hòa cho biết, năm 2013 toàn ngành đã giải quyết được 364.819 vụ án các loại, đạt tỷ lệ trên 92%, so với năm 2012 số đã giải quyết tăng gần 32 ngàn vụ.
Trong năm, ngành Tòa án đã khắc phục cơ bản tình trạng để các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật (số vụ án quá thời hạn do lỗi chủ quan của Tòa án chỉ còn 410 vụ, bằng 0,1%, giảm 50% so với năm 2012). Các trường hợp án tuyên không rõ cũng giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước.
Chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án tiếp tục được bảo đảm và nâng lên; tỷ lệ bản án quyết định bị hủy, sửa giảm hơn 0,12% so với cùng kỳ năm trước. Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Năm 2013 không có trường hợp nào kết án oan người không có tội. Trong năm, TANDTC và các TAND cấp tỉnh đã giải quyết được 7438 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, bằng 63,3%.
Trước quan tâm của Chủ tịch nước về các giải pháp chống oan sai, lọt tội, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình khẳng định các giải pháp cơ bản mà ngành Tòa án sẽ tiếp tục thực hiện tới đây là nâng cao chất lượng tranh tụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, thẩm phán; đổi mới thủ tục hành chính – tư pháp và tăng cường hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả trong công tác năm cũng như trong tiến trình cải cách tư pháp của ngành Tòa án thời gian qua. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ những tồn tại cần khắc phục trong ngành Tòa án như tình trạng án quá hạn do lỗi chủ quan của Thẩm phán, còn một số cán bộ vi phạm gây nghi ngờ trong dư luận, một số nhiệm vụ thực hiện còn chậm so với yêu cầu.
Thời gian tới, Chủ tịch nước yêu cầu ngành Tòa án tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; gắn việc thực hiện các nhiệm vụ công tác của ngành với việc thực hiện các yêu cầu cải cách tư pháp; trong đó đặc biệt chú trọng việc thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội đã được thông qua. Trên cơ sở Hiến pháp mới được thông qua, cần khẩn trương có kế hoạch hướng dẫn phù hợp, quan tâm sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án và các luật liên quan đến công tác xét xử, trong đó phải làm rõ những vướng mắc trong quá trình xét xử của Tòa án để tạo hành lang pháp lý đủ rộng, chống lạm quyền.
“Cần tiếp tục thu hẹp án cải, sửa, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, thẩm phán, thư ký, hội thẩm; tăng cường công tác giám đốc kiểm tra kịp thời phát hiện, uốn nắn và xử lý nghiêm sai phạm”.
Chủ tịch nước cũng lưu ý: Ngành Tòa án cần tập trung đổi mới thủ tục hành chính tư pháp nhằm đảm bảo công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết công việc tại Tòa án. Đặc biệt, ngành Tòa án phải thực hiện tốt các giải pháp chống oan sai và để lọt tội phạm.