Tuy nhiên, qua hành vi “nghịch dại” này cũng thấy vấn đề bảo vệ hệ thống van xả lũ ở hồ này không được coi trọng, không người trực, dễ dàng phá khóa, mở tủ điện và “vận hành” không đúng quy trình, đến khi phát hiện cũng không đóng cửa xả được vì “đứt cáp”(?!).
Liên quan đến việc gây ngập úng, không phải trò đùa, không say rượu, không chỉ trong một thời điểm mà kéo dài hàng năm trời, đó là việc các khu đô thị đang xây dựng ở Nha Trang (Khánh Hòa) nâng cốt nền lên 2,5 mét, biến một khu phố có 3000 cư dân thành vùng trũng, lầy lội và bì bõm trong cả những ngày nắng. Rõ ràng, chủ đầu tư xây dựng các khu đô thị chỉ biết mình, việc xây dựng của họ làm ảnh hưởng đến ai không cần biết, chí ít khi nâng cốt nền cao đến thế thì phải chú ý đến hệ thống thoát nước đảm bảo không ảnh hưởng đến chung quanh.
Các hiện tượng tương tự như vậy không phải hiếm gặp như nổ mìn phá đá gây rạn nứt nhà dân, xe tải rầm rập ngày đêm phá vỡ cuộc sống sinh hoạt của dân, những con đường thi công nâng nền, xẻ rãnh, làm mương,... không hề để ý đến việc gây khó khăn cho việc đi lại, thậm chí còn là nguyên nhân trực tiếp của các vụ tai nạn.
Bức tử một dòng sông cũng không là chuyện hy hữu trong thời buổi nước thải và rác thải công nghiệp đang vô cùng thừa mứa. Song, bức tử một dòng sông công khai, không cần lén lút như ở Bắc Giang là chuyện lạ. Một công ty khai thác khoáng sản ở đây đã xả thẳng ra sông nước thải của công nghệ luyện đồng, ai cũng thấy mà không ngăn chặn được, cứ xử phạt và vẫn cứ ngang nhiên thải.
Những hành vi trên đây không chỉ biểu lộ một thái độ vô cảm đáng lên án mà còn thể hiện tâm lý vị kỷ ở mức rất cao. Nếu chỉ là trò đùa thì cũng là sự thỏa mãn ý thích “nghịch dại” của mình, ở các trường hợp thi công, xây dựng thì rõ ràng là chỉ biết mình, mặc cho hậu quả của các hành vi của mình gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe và tính mạng của người khác.
Trong khi những ứng xử đời thường, đơn lẻ đã phải áp dụng các quy tắc để mỗi thành viên trong cộng đồng có thái độ văn hóa, lịch thiệp, xã hội văn minh thì cái tâm lý “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” lại khá thịnh hành trong đời sống sản xuất và kinh doanh, từ trồng rau đến xây dựng đô thị, từ chăn nuôi đến làm đường, từ xả thải công nghiệp đến thực phẩm cho con người.
Ngăn chặn các hành vi đó bằng cách lên án, kêu gọi lương tâm, trách nhiệm chưa đủ, phải có sự chung tay của nhiều người và đặc biệt, việc xử lý kịp thời, nghiêm minh, giám sát chặt chẽ từ chính quyền thì mới có thể ngăn chặn được.