Ngày 28/4/2017, TAND TP.HCM đưa vụ án trộm cắp tài sản ở quận Bình Tân ra xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên do cần phải triệu tập người liên quan và làm rõ một số vấn đề nên HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa.
Theo hồ sơ vụ án, sáng 24/7/2016, bà Muôn ở số nhà 77 đường Liên Khu 16- 18 thuộc phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân có nhờ Huỳnh Thanh Phong (sinh năm 1991) đến sửa nhà do mái tôn bị hỏng. Trong quá trình sửa nhà cho bà Muôn, Phong phát hiện căn nhà kế bên (nhà bà Nguyễn Thị Kim Châu sinh năm 1964- là con gái bà Muôn) không đóng cửa ở lầu 1 nên nảy sinh ý định trộm cắp.
Nghĩ là làm, Phong dùng thang bắc từ nhà bà Muôn trèo qua nhà bên cạnh, lẻn vào nhà, cạy tủ lấy 1 vòng vàng có đính 48 hạt kim cương lớn nhỏ trị giá 93 triệu đồng, 1 chiếc nhẫn có đính kim cương trị giá hơn 52 triệu, 1 chiếc nhẫn có đính kim cương trị giá 16 triệu, 1 nhẫn vàng có đinh kim cương trị giá 14 triệu và một sợi dây chuyền vàng có đính kim cương trị giá 15 triệu đồng.
Ngoài số vàng này, gia đình bà Châu còn bị mất một số tiền mặt, đồng hồ hiệu. Theo giám định, tổng số tài sản mà Phong trộm cắp là gần 200 triệu đồng.
Đến khoảng 21h ngày 27/7/2016, khi gia đình bà Châu đi du lịch về thì phát hiện tòan bộ số tài sản nêu trên đã bị kẻ gian lấy mất nên trình báo tới nhà chức trách.
Sau thời gian điều tra, cơ quan chức năng đã bắt giữ được Huỳnh Thanh Phong. Tại cơ quan điều tra, Phong khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Theo đó, sau khi trộm cắp số vàng, tiền nêu trên, Phong tưởng rằng đó là vàng giả nên vẫn bỏ trong cốp xe suốt nhiều ngày liền.
Mấy ngày sau Phong mang 1 chiếc vòng, một chiếc nhẫn, một sợi dây chuyền tới tiệm vàng K.C trên tỉnh lộ 10 bán được giá 19 triệu đồng. Sau khi bán xong, Phong đưa về cho vợ 13 triệu, 1 đồng hồ và 2 nhẫn vàng rồi nói vợ về thăm quê (ở Thừa Thiên Huế). Khi đưa cho vợ, Phong nói số tiền, vàng đó Phong nhặt được trên đường.
Qua xác minh tại tiệm vàng này thì họ thừa nhận có mua số vàng của Phong vào tối 27/7, nhưng đến sáng 28/8 thì đã nung chảy toàn bộ số vàng này. Cơ sở vàng K.C nộp lại cho cơ quan điều tra 3 mẻ thạch cao dùng để nấu vàng có dính nhiều hột đá màu trắng bên trong.
Sau quá trình giám định thì những hạt đá không phải là kim cương, dù tất cả số tài sản nêu trên bà Châu còn đang lưu giữ đầy đủ giấy tờ mua bán, số tiền cụ thể và giấy chứng nhận của nhà sản xuất rằng đó là kim cương thật.
Với hành vi đó, cuối năm 2016, bị cáo Phong bị TAND quận Bình Tân tuyên phạt mức án 5 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Trừ số tài sản đã thu lại được, HĐXX còn tuyên buộc bị cáo Phong bồi thường 157 triệu đồng còn lại cho bị hại.
Điều đặc biệt trong vụ án này chính là ở hoàn cảnh hết sức đặc biệt của bị cáo. Theo đó bị cáo tử nhỏ đã phải vào cô nhi viện, sau đó Phong trốn ra ngoài và được một người đàn bà nhận nuôi dưỡng. Tuy nhiên hồ sơ vụ án không thể hiện được người mà Phong khai mẹ nuôi ấy là ai, ở đâu, làm gì.
Tại phiên tòa phúc thẩm, khi trao đổi với luật sư (luật sư bảo vệ cho bị hại), Phong cho rằng anh ta cũng không biết mình là ai, từ đâu tới. Phong không có cha mẹ, anh em họ hàng hay bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Chỉ biết rằng phong có vợ (không đăng ký hôn thú, có vơi nhau 1 con chúng vào năm 2013).
Không chỉ nhân thân bị cáo như đã nêu, mà tang vật vụ án cũng hết sức khó hiểu. Theo đó thì tất cả số vàng (có đính kim cương) của bà Châu đều có giấy mua bán rất cụ thể, qua nhiều năm từ 2005 đến 2014 và thể hiện đó là kim cương thật, nhưng không hiểu sao khi đưa đi giám định thì nó biến thành màu xám và không phải kim cương.
Do quá bức xúc nên sau bản án sơ thẩm, bà Châu đã làm đơn kháng cáo. Bà Châu đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới việc tiệm vàng K.C mua vàng, kim cương của Phong không đúng các quy định của pháp luật.
“Cụ thể như khi mua vàng, đá quý phải thử để biết đó là thật hay giả. Rõ ràng phía tiệm vàng đã làm điều đó và biết đó là vàng thật, mà tại sao lại mua với giá rẻ như vậy? Phải chăng tiệm vàng này biết đó là vàng của tội phạm nhưng không chịu trình báo với công an? Hơn nữa, việc để nguyên vàng có đính kim cương đem nấu là hết sức vô lý. Tiệm vàng thừa hiểu rằng họ phải tách các hạt kim cương ra khỏi vàng rồi mới đem nấu để thành sản phẩm khác, chứ không ai lại đi nấu vàng lộn kim cương rồi để dính các hạt kim cương trên mẻ thạch cao cả”- bà Châu nêu vấn đề.
Điều được bà Châu và luật sư đặt ra là là tại sao giấy tờ mua bán đều chứng nhận là kim cương thật, nhưng khi giám định lại là giả? Vậy số kim cương thật đã bị ai đó đánh tráo? ở khâu nào? Từ lúc nào?