Vùi đời con gái nơi cửa bể
Ba chị em là Nguyễn Thị Mão (42 tuổi), Nguyễn Thị Lu (61 tuổi) và Nguyễn Thị Mấy (65 tuổi), có cuộc đời khốn khó và cay đắng nhất xã Ngư Lộc. Sống nhờ biển, cha mẹ họ khi xưa cũng hay lam hay làm, nhưng không được "lộc”. Vì thế gia đình các chị được xếp vào dạng nghèo nhất xã này. Cái nghèo còn lấy đi hạnh phúc tuổi xuân của ba chị em. Dù đã sống gần hết một kiếp người nhưng chị Mão, Lu, Mấy không có nổi một tấm chồng.
Khi chúng tôi đến, chị Lu đang nằm co ro trên chiếc giường đợi ấm thuốc sắc trên bếp. Chị Mão (em gái chị Lu) bế con đi ra ngoài nhường chỗ cho khách. Chị Lu ngồi dậy, giọng ngại ngùng: “các chú thông cảm ngồi tạm lên giường chứ nhà chẳng có bàn ghế gì cả”, rồi chị đẩy cái nắp ấm thuốc sôi sùng sục lệch về một bên, chắt ra bát uống.
Ngôi nhà của chị em chị Mão chỉ rộng chừng 4m2 với tên gọi nhà Đại đoàn kết. Bởi căn nhà đó do người dân địa phương cùng UBND xã Ngư Lộc đóng góp xây dựng. Trong nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc giường xộc xệch, được cấu tạo bằng những viên gạch, trên đặt tấm ván ép nhỏ chỉ đủ chỗ 1 người. “Nhà nhỏ quá, ba chị em tôi không có chỗ để nằm nên chị Mấy đã sang xã bên làm thuê cho một nhà buôn thuỷ sản và được họ cho ở lại để trông nom hàng quán rồi”, chị Lu nói.
Trong căn nhà bé tẹo, chỉ kê được chiếc giường ọp ẹp. |
Từ lúc chúng tôi đến, hầu như chị Mão chỉ ngồi tựa cửa nhà nhìn về phía biển chẳng nói câu nào. Thi thoảng đứa con trên tay khóc váng lên, chị mới khẽ đu đưa ru nó ngủ.
Chị Mão là em út trong gia đình nhưng nhìn chị già hơn tuổi rất nhiều bởi nửa đời đã qua chỉ có vị đắng cay. Phóng viên lân la gợi chuyện, chị mới tỏ bày, cũng như hai người chị của mình, có lẽ do cuộc sống quá nghèo, chị không kiếm nổi một tấm chồng làm chỗ dựa. Ngày trẻ, chị Mão cũng là cô gái có chút nhan sắc nên được trai làng để ý nhưng vì ăn không đủ no, mặc không đủ ấm nên chị đành chôn chặt những mơ ước, khát khao cháy bỏng về tình yêu, lo mưu sinh.
Tuổi xuân - quãng đời đẹp nhất của đời con gái, chị Mão chỉ lang thang trên bờ biển, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhặt những con cá, con tôm về đổi lấy gạo ăn. Khi quá lứa lỡ thì, chị cũng như các chị mình, chẳng được ai ngó ngàng nữa.
Hạnh phúc ngắn ngủi
Sau những đêm dài thao thức khi tuổi sắp về chiều, nước mắt trào ra thấm đẫm chiếc gối, chị Mão mới thực sự tiếc thương cho những đam mê của tuổi trẻ bị chôn vùi nơi cửa bể. Chị kể, chị đã tìm mọi cách rũ bỏ số phận nghèo hèn, đi tìm hạnh phúc cho mình. Năm 2001, chị vào TP HCM để tìm việc làm. Nhưng giữa nơi đất lạ, chẳng có họ hàng thân thích, chị chẳng thể kiếm được công việc ổn định. Những ngày lưu lạc, chị gồng mình làm đủ việc của đàn ông như bốc vác, phụ xây dựng nhưng cũng chẳng đủ ăn. Đôi khi chị phải ngủ đêm ngoài vỉa hè vì không đủ tiền thuê trọ.
Chị Mão sống như một bóng ma vật vờ cho đến ngày chị gặp được một người đàn ông tên Lâm, làm nghề xe ôm. “Tôi gặp anh ấy trong cơn đói, sau nhiều ngày không có ai thuê làm, khi tôi ngồi co ro ở vỉa hè gần nhà thờ Đức Bà. Tôi còn nhớ mãi những lời nói ân cần của anh ấy... Anh ấy hỏi tôi ăn gì chưa? Nhưng lúc đó tôi chẳng trả lời vì tôi luôn nghĩ giữa đô thị này làm gì có ai quan tâm ai. Có chăng là những gã du côn gạ tình mà thôi.
Nhưng anh ấy đã ngồi xuống rồi đưa cho tôi một cái bánh mỳ, bảo: Em ăn đi, mấy hôm nay anh đón khách ở đây cứ thấy em ngồi mãi một chỗ, cũng chẳng thấy ăn uống gì. Hỏi thêm vài câu về tôi rồi anh ấy vội vã lên xe chạy về phía có khách gọi”
Sau lần đó, người đàn ông tên Lâm hàng ngày đến trò chuyện với chị Mão. Họ san sẻ cho nhau từng miếng ăn, những suy nghĩ bộn bề của cuộc sống mưu sinh nơi đất lạ. Và rồi như “lửa gần rơm”, hai con người một kiếp sống dần dà nảy sinh tình cảm, họ về ở với nhau không giấy hôn thú, không có điều gì ràng buộc ngoài tình yêu và đứa con đang lớn dần trong chị Mão. Với chị Mão, những ngày tháng đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất, đẹp nhất cuộc đời của chị. Bởi chị được làm phụ nữ thật sự, được yêu thương, chiều chuộng và có một mầm non đang ngày càng lớn với bao kỳ vọng vào tương lai tươi sáng.
Nhưng một lần nữa, cuộc đời chị rẽ ngang khi gần ngày sinh nở - người đàn ông của cuộc đời chị lặng lẽ bỏ đi không một lời từ biệt. Mất đi chỗ dựa duy nhất nơi xứ người, chị Mão lại bơ vơ giữa dòng đời nghiệt ngã. Chị khóc như chưa bao giờ được khóc…
Mong đến kiếp sau…
Giữa đau thương, chị Mão chỉ biết hướng về tài sản duy nhất, đứa con trong bụng mình. “Lúc đó, tôi nghĩ, thôi thì anh ấy đã bội bạc rồi, chẳng còn gì để luyến tiếc. Mình vẫn phải sống vì con, nó là của để dành cả đời mình. Mai này nó lớn lên sẽ là chỗ dựa lúc tuổi già”, chị Mão nói.
Trở lại quê hương với cái bụng to, chị Mão không dám về nhà vì sợ bà con lối xóm dị nghị. Chị lầm lũi sống nhờ những ống cống, những chuyến tàu cá đang nghỉ ngơi sau chuyến ra khơi: “Ban ngày tôi đi lang thang trên bờ hôi con cá, con tôm còn sót lại từ những chuyến tàu trở về. Đêm thì tôi ngủ trong những ống cống chưa thi công. Thi thoảng trời mưa thì chui vào tàu cá ngủ, sáng dậy sớm đi. Cuộc sống khổ quá, có hôm tôi bị trúng gió nằm bất động. Cũng may mà có người phát hiện kịp, gọi chị Lu và chị Mấy ra mang về…”.
Chị Lu tiếp lời: “Bố mẹ chúng tôi nghèo mất đi, để lại mấy chị em tôi vạ vật kiếm ăn qua ngày. Trước đây chúng tôi sống trong cái lều..., giờ được thế này là sướng lắm. Mà cái con này nó dại nên giờ mới khổ thế đó. Nó cứ ở nhà đi làm thuê thì giờ đâu có đến nỗi”.
Sau khi trở về sống chung với các chị, chị Mão sinh hạ một bé trai kháu khỉnh. Hàng xóm ai cũng mừng cho chị. Nhưng số phận tiếp tục gieo đau thương cho người đàn bà này, đứa con nuôi mãi không lớn, không cử động cứ nằm một chỗ. Chị Mão mang con lên bệnh viện huyện Hậu Lộc khám và nhận được kết quả bé bị bại não do bố bị nhiễm chất độc da cam.
11 năm trôi qua, niềm hy vọng của chị Mão vẫn nằm bất động trên tay chị. Thi thoảng cất tiếng khóc như để nhắc chị là con đau, con đói. Nói về sự vất vả những ngày nuôi con, nước mắt chị Mão lại rơi, chị nói trong nghẹn ngào: “Mỗi ngày tôi đi mót cá với vác đá lạnh lên tàu kiếm được 30 – 40 nghìn chẳng đủ mua bỉm cho cháu. Hơn mười năm qua, tôi vẫn hy vọng nó sẽ ngồi dậy gọi một tiếng mẹ, vậy mà đến giờ chỉ có biết khóc. Nhiều lúc tôi chỉ muốn chết đi để ông trời cho tôi một kiếp khác không còn khổ đau nữa, nhưng rồi tôi lại nghĩ, nếu tôi chết đi, ai sẽ chăm nó. Các chị đều già hết rồi. Bao giờ cho đến kiếp sau đây?”.
Trước những khó khăn của chị em chị Mão, ông Nguyễn Ngọc Lâm -Trưởng thôn Thắng Lộc, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá, giãi bày, ông cũng bế tắc bởi địa phương không thể giúp gì hơn, ngoài trợ cấp hộ nghèo 240 nghìn đồng/tháng. "Số tiền đó chẳng thấm tháp gì với việc chi tiền thuốc cho cháu bé chứ đừng nói gì đến nhiều chi phí khác. Chúng tôi mong có thêm nhiều tổ chức, cá nhân giúp đỡ họ” ông Lâm nói./.