Cụ thể, Cục hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 phù hợp. Thời gian áp dụng từ ngày 1/9-4/9.
Các cảng vụ hàng không có trách nhiệm thông báo nội dung quyết định đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không, hãng hàng không nước ngoài hoạt động tại cảng hàng không, sân bay.
Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị báo cáo tình hình công tác bảo đảm an ninh hàng không, với thời điểm báo cáo từ 14h đến 15h hàng ngày.
Trường hợp có vụ việc đột xuất, các đơn vị cần báo cáo ngay khi phát hiện vụ việc theo quy định tại Chỉ thị số 1035 của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam về công tác thông tin, báo cáo hành vi can thiệp bất hợp pháp và vụ việc vi phạm an ninh hàng không.
Trong khi đó, theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị này đã tăng cường triển khai các phương án, kế hoạch phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân tại các cảng hàng không trực thuộc. Ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn hàng không, an ninh trật tự công cộng.
Cụ thể, ACV yêu cầu các cảng hàng không phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các cơ quan chức năng tại địa phương, thường xuyên trao đổi thông tin để chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, áp dụng các phương án ứng phó phù hợp giải quyết kịp thời các tình huống phức tạp có thể xảy ra và các vấn đề phát sinh liên quan đến đảm bảo an ninh hàng không cũng như hoạt động khai thác. Không để ách tắc, gián đoạn đến hoạt động bình thường tại cảng hàng không.
ACV cũng yêu cầu các cảng hàng không duy trì thường xuyên, tích cực kiểm soát vật thể lạ, vật ngoại lai (FOD) trên các đường cất hạ cánh (CHC), đường lăn và sân đỗ tàu bay nhằm hạn chế số lượng sự cố - vụ việc liên quan đến FOD ở mức thấp nhất.
Tổ kiểm soát phải tăng cường kiểm tra, giám sát, chấp hành nghiêm quy trình kiểm tra tình trạng sân đường và khu vực bay để phát hiện và dọn dẹp FOD kịp thời.
Các biện pháp cụ thể sẽ được áp dụng cho từng khu vực có nguy cơ cao, tập trung vào các giải pháp thích hợp cho từng khu vực hoặc từng đơn vị cụ thể để đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả.
Đồng thời, các cảng phải tổ chức đào tạo và huấn luyện cho các đơn vị, cá nhân về các quy trình, quy định về an toàn hàng không, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người lao động về việc ngăn ngừa, phát hiện và xử lý FOD trong quá trình làm việc trên khu bay, góp phần đảm bảo an toàn và hiệu quả môi trường khai thác tại cảng.
Ngoài kiểm soát an ninh an toàn hàng không trong khu vực bay, việc đảm bảo an ninh an toàn bên trong và bên ngoài nhà ga cũng được chú trọng. Đại diện ACV cho biết đã và đang triển khai các giải pháp, phương án nhằm cải thiện và nâng cao năng lực kiểm soát, đặc biệt với lực lượng an ninh hàng không.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh đào tạo huấn luyện, hoàn thiện giáo trình chuyên môn nghiệp vụ, tuân thủ nghiêm và duy trì hiệu quả hoạt động đảm bảo an ninh an toàn hàng không tại doanh nghiệp.
ACV cũng yêu cầu các cảng hàng không lập phương án cụ thể trên cơ sở nguồn lực thực tế tại đơn vị và kế hoạch khai thác của các hãng hàng không để bố trí phù hợp nhân lực, trang thiết bị phục vụ soi chiếu an ninh, trả hành lý cho hành khách.
Cùng đó, hướng dẫn, phổ biến thông tin để hành khách thực hiện theo đúng quy định. Tránh tình trạng ùn tắc và gây bức xúc cho hành khách, nhất là tại các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài.
Ngoài ra, ACV đã và đang đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống công nghệ tại các đầu sân bay, xây dựng kết cấu hạ tầng phù hợp triển khai các ứng dụng nghiệp vụ hỗ trợ trong điều hành và phục vụ, giúp tối ưu hóa sử dụng hạ tầng hàng không, hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm cho hành khách.