Bất ngờ với xu hướng giảm của lạm phát
Theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Học viện Tài chính, 6 tháng đầu năm 2017, CPI các tháng đã được kiểm soát khá chặt chẽ, CPI ở mức thấp nhất so với cùng kỳ 5 năm trước. Cụ thể, CPI 6 tháng đầu năm 2017 so với tháng 12 năm trước chỉ tăng 0.20%. Đây là mức tăng thấp nhất so với các năm từ 2012 trở lại đây (6 tháng năm 2012 tăng 2,52%, năm 2013: 2,4%, 2014: 1,38%, 2015: 0,55%, 2016: 2,35%).
Đặc biệt, xu hướng CPI các tháng giảm dần từ đầu năm tới tháng 6 đã tạo sự khác biệt so với các năm trước. Trong các năm 2015 và 2016, CPI hàng tháng trong suốt 6 tháng đầu năm hầu hết có xu hướng tăng dần hoặc ngang bằng với mức tăng của tháng trước. Riêng năm 2017, từ tháng 1 đến tháng 6, CPI lại có xu hướng giảm liên tiếp. Cụ thể, tháng 1, CPI là 0.46; tháng 2 là 0.23, tháng 3 là 0.21, tháng 4 là 0; tháng 5 là -0.53 và tháng 6 là -0.17. “Đây là hiện tượng khá bất thường trong năm 2017 so với các năm trước…”- chuyên gia này nhận định.
Đồng tình với nhận định này, PGS,TS Ngô Trí Long cho rằng xu hướng này trái ngược với dự báo của nhiều cơ quan chức năng và các chuyên gia kinh tế trước đó. Bởi lẽ, sau khi đạt mức tăng thấp kỷ lục 0,63% vào năm 2015, CPI đã liên tục duy trì xu hướng tăng trong cả năm 2016 và kết thúc năm ở mức 4,74%. Bước sang năm 2017, chỉ số CPI được dự báo là sẽ phải đối mặt nhiều yếu tố bất lợi như diễn biến tăng của giá dầu mỏ hay xu hướng tăng giá của các loại hàng hóa cơ bản trên thế giới, cùng với kế hoạch điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ do Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, điện, nước sinh hoạt..
Theo vị chuyên gia này, nguyên nhân của xu hướng giảm giá là giá thực phẩm giảm mạnh trong tháng 4 và 5, chủ yếu là giá thịt lợn, do dư thừa về nguồn cung và sự tăng, giảm thất thường của giá dầu mỏ thế giới.
“Diễn biến giá cả tháng 5 lại thắp lên hy vọng lạm phát cả năm sẽ đạt được mục tiêu. Đây là điều mừng hay đáng lo ? Tuy nhiên, đây lại là nỗi lo cho người chăn nuôi khi mà giá thịt lợn rớt thảm trong những tháng đầu năm đã đẩy không ít người chăn nuôi lâm vào cảnh khó khăn; buộc các cơ quan chức năng phải ra tay “giải cứu”. Sau lợn, gần đây theo phản ánh của nhiều cơ quan báo chí giá trứng gà cũng đang sụt giảm mạnh…”- PGS,TS Ngô Trí Long lo ngại.
Áp lực lạm phát còn lớn
Theo PGS, TS Ngô Trí Long, dù có dấu hiệu “hạ nhiệt” trong những tháng gần đây, nhưng áp lực lên lạm phát trong nước vẫn còn lớn, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu Quốc hội đặt ra. “Quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% cũng tạo áp lực lên lạm phát khi các chính sách sẽ thiên về xu hướng nới lỏng. Việc Chính phủ có thể sẽ chấp nhận nới lỏng chính sách tiền tệ ở mức độ vừa phải để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017...”- PGS, TS Ngô Trí Long nhận định.
Theo phân tích của chuyên gia này, tiền sẽ được bơm ra nền kinh tế nhiều hơn để các doanh nghiệp có cơ hội gia tăng khối lượng sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Hai kênh bơm tiền được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng khá thường xuyên trong những năm qua là thị trường mở (OMO) và mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại. Từ đầu năm đến nay, hai kênh bơm tiền trên ít được sử dụng.
Tuy nhiên, theo xác nhận của nhiều lãnh đạo tại các ngân hàng, Kho bạc Nhà nước đã chuyển một khối lượng vốn rất lớn đang gửi không kỳ hạn tại NHNN sang gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại trong tháng 4 và 5. Cung tiền trong nền kinh tế tăng lên đã khiến cho lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ngay lập tức giảm mạnh từ mức 4,7-4,9%/năm đối với kỳ hạn một tuần xuống còn 2,3%/năm tính đến ngày 2-6-2017.
Để kiểm soát lạm phát, thông thường NHNN sẽ hút tiền trở lại thông qua việc phát hành chứng chỉ tiền gửi của NHNN. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại NHNN vẫn chưa có động thái trên. Vấn đề này cảnh báo sẽ khó kiểm soát lạm phát nếu kích thích tăng trưởng không phù hợp.
“Mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2017 mà Chính phủ đặt ra vẫn là một ngưỡng cao khó để nền kinh tế Việt Nam có thể vươn tới khi nhiều khó khăn nội tại (trong khu vực công nghiệp, nông nghiệp) vẫn còn hiện hữu. Theo quan điểm cá nhân, phải rất nỗ lực và có những giải pháp hợp lý mới có thể cùng lúc đạt được 2 mục tiêu: tăng trưởng 6,7% và lạm phát 4%.”- ông Long phát biểu.
Theo đề xuất của chuyên gia, để kích thích tăng trưởng tại thời điểm này, Chính phủ không nên dùng chính sách tài khóa để kích cầu, bởi dùng chính sách này sẽ kèm theo không ít rủi ro, gây áp lực lớn cho mục tiêu kiểm soát lạm phát. Để kinh tế có thể đạt được mức tăng trưởng bền vững, giải pháp tổng lực và quan trọng nhất là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào những giải pháp mang tính dài hạn như: nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước, xử lý nợ xấu…