Cần cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp
Ông Lương Minh Huân cho biết, môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang ngày càng được cải thiện nhờ các nỗ lực của Chính phủ. Đồng thời, nhiều chương trình, chính sách và quỹ hỗ trợ khởi nghiệp được xây dựng để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam. Kết quả này đã giúp cộng đồng người Việt Nam tham gia vào khởi nghiệp để thành lập các dự án kinh doanh. Tuy nhiên, khởi nghiệp trong doanh nghiệp ở Việt Nam năm 2015 vẫn còn ít; chỉ số đổi mới trong hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam chưa cao, đạt 16,5%.
Bày tỏ quan điểm về hoạt động tăng cường thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, ông Lương Minh Huân cho biết thêm, để phong trào khởi nghiệp hiệu quả hơn nữa thì cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc ổn định kinh tế vĩ mô, gỡ bỏ các rào cản trong kinh doanh, minh bạch các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh tiếp cận thông tin, cần rà soát các quy định pháp luật có liên quan đến kinh doanh nhằm xây dựng lại lòng tin cho người làm kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích hộ kinh doanh phát triển thành DN, chuyển đổi doanh nghiệp, kết thúc giai đoạn khởi nghiệp nhanh chóng. Cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và phát triển kinh doanh. Đồng thời, tăng cường cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan tới cam kết hội nhập để các hoạt động khởi nghiệp có định hướng quốc tế cao hơn.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ đề xuất, ý tưởng liên kết trong việc khởi nghiệp để có “tiếng nói chung”. Bên cạnh đó, ông Dũng cũng chỉ ra một số vấn đề đặt ra trong việc định hướng khởi nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hỗ trợ không gian làm việc, liên kết chuyên gia, vườn ươm và các nhà đầu tư, đào tạo kỹ năng khởi nghiệp. Đặc biệt, là cần có Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp nhằm hỗ trợ cho việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị ban đầu. Mục tiêu của Quỹ là tìm kiếm ngân sách phục vụ cho xây dựng không gian làm việc, trang thiết bị, chương trình đào tạo, chuyên gia và thí sinh khoảng 10 tỉ đồng cho giai đoạn 2017-2020.
Cần Thơ - môi trường khởi nghiệp an toàn
Dưới góc độ địa phương có nhiều gặt hái được nhiều thành công trong chương trình khởi nghiệp, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, đến nay thông qua các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, thành phố đã tạo lập được môi trường đầu tư an toàn, thông thoáng, ổn định và hiệu quả với trên 15.500 doanh nghiệp thuộc các loại hình với tổng số vốn đăng ký kinh doanh trên 96.600 tỷ đồng đang hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất, chiếm 26% tổng số doanh nghiệp vùng ĐBSCL.
Các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn thành phố diễn ra mạnh mẽ và sôi nổi cùng hòa vào sự phát triển năng động của kinh tế Cần Thơ nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung. Các mô hình khởi nghiệp, hoạt động hỗ trợ diễn ra ngày càng phong phú dưới nhiều hình thức, trên nhiều lĩnh vực của đời sống. Trong đó, tập trung chủ yếu ở một số ngành, lĩnh vực kinh doanh nhiều tiềm năng như: công nghiệp chế biến, khoa học và công nghệ, vận tải, kho bãi…
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Dũng cho biết thêm, trong thời gian tới thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư, xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại. Hỗ trợ mạnh mẽ các hoạt động khởi nghiệp: thường xuyên, tổ chức tuyên truyền, tư vấn đào tạo, định hướng học sinh, sinh viên… Xây dựng kế hoạch “Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Cần Thơ đến năm 2020” góp phần đạt mục tiêu chung cả nước đạt mốc 1 triệu doanh nghiệp. Tăng cường cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ người dân; tận tâm với công việc, xem doanh nghiệp và người dân là đối tượng phục vụ.
Ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ cho biết, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố qua các năm tăng khá. Trong điều kiện kinh tế địa phương, chính quyền các cấp đã có những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, có ý thức kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh được cộng đồng kinh doanh, người dân đánh giá cao. Chỉ số năng lực cạnh trạnh cấp tỉnh (PCI) của TP xếp hạng 14/63 tỉnh thành trên cả nước, nằm trong nhóm có “chất lượng điều hành khá”.