Khu văn hóa báo hiếu 'độc nhất vô nhị' của ông lão ở Bình Định

Một góc khu văn hóa báo hiếu của ông Ba.
Một góc khu văn hóa báo hiếu của ông Ba.
(PLO) -“Đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều chuyện trong cuộc sống, điều mà tôi quan tâm nhất là lịch sử, cội nguồn và những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc. Gắn bó cả đời cho sự nghiệp giáo dục, tôi mong muốn khu văn hóa báo hiếu này sẽ là một mô hình giáo dục đạo đức cho học sinh”, cụ Ba tâm sự.

Mô hình giáo dục đạo đức độc đáo

Con đường vào thôn Trà Thung (xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) kéo dài từ Quốc lộ 1A về phía biển khoảng chừng 1km. Đến đầu thôn, hỏi thăm nhà cụ Phạm Văn Ba (86 tuổi), một người dân bảo:

“Bây giờ, muốn biết cụ Ba đang ở đâu thì dễ lắm. Dù ngày mưa hay ngày nắng, cứ sáng sớm là cụ đã có mặt ở khu văn hóa báo hiếu rồi, cứ đến đó là gặp được cụ ngay”.

Nghe nói vậy, chúng tôi lần mò hỏi đường, cuối cùng cũng đến được khu văn hóa báo hiếu của cụ Ba. Khu văn hóa này nằm ở cuối thôn Trà Thung, muốn vào phải đi vòng qua con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, nhỏ xíu chỉ vừa hai chiếc xe máy đi ngược chiều. 

Cánh cổng khu văn hóa rộng mở, đập vào mắt chúng tôi là dòng chữ “Cây có cội, sông có nguồn, con người phải biết tôn kính tổ tiên”. Vào bên trong, một cụ ông đang ngồi nhổ mấy bụi cỏ dại trước một ngôi mộ, đó chính là cụ Ba. 

Cụ Ba vui vẻ cho chúng tôi biết dòng chữ trước khu văn hóa cũng chính là tâm nguyện cả đời của cụ. Sáng nào cụ cũng dậy sớm đi bộ từ nhà đến khu văn hóa (khoảng 1km) do chính mình lập nên này để hương khói, quét dọn sạch sẽ nơi yên nghỉ của tổ tiên và những chiến sĩ có công với đất nước được cụ tìm kiếm đưa về đây an nghỉ.

Bên ấm trà buổi sáng, cụ Ba cho biết, khu văn hóa báo hiếu luôn rộng cửa đón tất cả mọi người từ già trẻ, gái trai, từ người nông dân chân lấm tay bùn đến cán bộ ở khắp nơi về ghé thăm, thắp hương tỏ lòng thành kính với những người đã mất, những người có công với đất nước. 

Nói rồi, cụ Ba kể chúng tôi nghe về mấy chục năm tâm huyết với công trình này, giải thích cặn kẽ tiểu sử của từng người nằm dưới mộ. Theo đó, khu văn hóa này được khởi công từ tháng 4/1998. Khoản lương hưu hàng tháng tích cóp của cụ phần lớn đều đổ vào công trình này. Một mình cặm cụi, mãi đến nay cụ mới hoàn thành tâm nguyện của đời mình.

Cụ Ba cho biết: “Từ khi còn làm Trưởng phòng Giáo dục huyện Phù Mỹ, tôi đã có ý nghĩ sẽ làm việc gì đó để lại cho con cháu sau này. Có lẽ vì nặng duyên nợ với ngành giáo dục nên khi về hưu, tôi đã mạnh dạn lên ý tưởng và quyết định xây dựng khu văn hóa này.

Ước nguyện của tôi là để cho con cháu, cho bao thế hệ trẻ của đất nước mình biết đến cội nguồn dân tộc, biết tôn kính những người đã hy sinh xương máu để giành độc lập dân tộc, cho chúng ta có cuộc sống ấm no, hòa bình như ngày hôm nay. Có thể nói đến giờ này khu văn hóa cơ bản đã được hoàn thành. Bây giờ tôi có nhắm mắt cũng an lòng”.

Sau gần một giờ đồng hồ giới thiệu sơ lược, cụ Ba dẫn chúng tôi tham quan khu văn hóa. Theo quan sát của chúng tôi, chính giữa khuôn viên khu văn hóa báo hiếu là tháp tưởng niệm. Xung quanh đó là 27 ngôi mộ, có những ngôi mộ đá rêu phong của tổ tiên họ Phạm, có những ngôi mộ mới xây còn tươi màu vôi. 

Trong đó có 2 ngôi mộ gió của liệt sĩ, còn lại là mộ của những người có công với cách mạng. Đi qua từng ngôi mộ, cụ Ba đều giải thích cho chúng tôi nắm rõ về cuộc đời mỗi người yên nghỉ nơi đây. Dù tuổi đã cao nhưng đôi mắt tinh anh và giọng trong veo, cụ Ba như một người hướng dẫn viên thâm niên. 

: Bia tri ân 18 đời Hùng Vương trong khu văn hóa báo hiếu.
: Bia tri ân 18 đời Hùng Vương trong khu văn hóa báo hiếu.

“Quá trình tìm kiếm tổ tiên cũng như những anh hùng liệt sĩ về quy tụ ở đây cũng gian nan lắm. Có những người, tôi tìm rất nhanh nhưng có những người tìm đến mấy tháng mới đưa về được. Tôi đưa ông bà tổ tiên, cùng các anh em liệt sĩ về đây đoàn tụ, rồi mình còn sống ngày nào thì nhang khói ngày đó, chứ mỗi người một nơi làm sao mình báo hiếu, báo ơn được”, cụ Ba giải thích. 

Cùng với những gian thờ ông bà, tổ tiên, những người có công với đất nước cũng được cụ Ba lập bàn thờ để tỏ lòng thành kính, biết ơn. Ở trung tâm khu văn hóa báo hiếu, cụ Ba lập bàn thờ Bác Hồ và bia tri ân 18 đời Hùng Vương. Ngay bên trái là bàn thờ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bên phải là bàn thờ cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

“Đó là những người mà tôi vô cùng kính phục, có người được cả thế giới vinh danh. Tôi mong muốn con cháu đời đời tạc ghi công ơn của những bậc anh hùng vĩ đại này”, cụ Ba tâm sự.

Trong khu văn hóa tâm linh này, một diện tích khiêm tốn khoảng vài chục mét vuông, cụ Ba dành để bài trí những tấm bia tóm tắt tiểu sử những người đã mất và những câu đối ý, đối vần với những xúc cảm và gửi gắm những tình cảm cho con cháu.

Trả ơn thế hệ trước, giữ gìn cho đời sau

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cụ Ba xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, luôn kiên cường, phấn đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Gia đình cụ có 7 anh chị em đều tham gia cách mạng, trong đó có 1 liệt sĩ.

Riêng cụ 86 tuổi đời với 65 năm tuổi Đảng, trải suốt quãng thời gian dài vào Nam ra Bắc cống hiến cho cách mạng, cống hiến sức trẻ qua nhiều nhiệm vụ khác nhau. 

Cụ Ba còn là thành viên tích cực của Hội đồng họ Phạm huyện Phù Mỹ, một dòng họ nổi tiếng với bề dày truyền thống từ thời Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu - Thượng thủy tổ họ Phạm Việt Nam. Cụ Ba cũng là người đứng ra kết nối dòng họ và tổ chức thành công Đại hội thành lập Hội đồng họ Phạm xã Mỹ Châu. Đó là tâm niệm của cụ để nhắc nhở các thế hệ sau phải luôn nhớ đến cội gốc của mình. 

Bàn thờ Bác Hồ trong khu văn hóa báo hiếu.
Bàn thờ Bác Hồ trong khu văn hóa báo hiếu.

Ở tuổi gần đất xa trời, cụ Ba góp công, góp sức để giữ gìn truyền thống quê hương. Ông Đặng Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Châu, cho biết: “Cụ Ba là một lão thành cách mạng của địa phương, cụ có nhiều đóng góp cho quê hương. Khu văn hóa báo hiếu một mình cụ lập ra để trả ơn cho những thế hệ đi trước và giữ gìn cho đời sau.

Hàng ngày, người dân trong khu vực huyện Phù Mỹ và cả du khách thập phương đến đây để tỏ lòng thành kính biết ơn những người đã khuất. Ai đến đây cũng khâm phục cụ Ba, tuy tuổi đã cao nhưng tinh thần thì luôn nhiệt huyết, kiên cường”.

Nói về khu văn hóa báo hiếu này, ông Nguyễn Chí Nhanh, Bí thư Chi bộ thôn Trà Thung, cho biết: “Khu văn hóa báo hiếu của cụ Ba thể hiện tấm lòng hướng về tổ tiên, nguồn cội. Chúng tôi nghĩ đó là việc nên làm, để giáo dục truyền thống cho con cháu sau này. Nhiều người cũng muốn làm khu mộ gia đình như cụ Ba, nhưng không có điều kiện.

Ở xã Mỹ Châu, ai cũng quý cụ Ba, bởi cụ gần gũi với bà con, gương mẫu, luôn hết lòng giữ gìn truyền thống và những nét văn hóa tâm linh đẹp của dân tộc. Đặc biệt, cụ luôn quan tâm đến thế hệ măng non, cụ bảo đấy chính là thế hệ làm cho đất nước giàu mạnh hơn trong tương lai nên phải định hướng, trao dồi đạo đức cho các cháu ngay từ nhỏ”. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.