Nhưng vẫn còn đó những khoảng cách giữa các nhóm DTTS với dân tộc Kinh ở hầu hết tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội như kinh tế (bao gồm việc làm, thu nhập, tham gia thị trường); xã hội (giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe) và tham gia chính trị. Trong đó, phụ nữ và trẻ em gái DTTS là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương.
Cụ thể, so với dân tộc Kinh, tỷ lệ lao động DTTS làm công việc chuyên môn kỹ thuật rất thấp; đa số làm công việc phổ thông, không yêu cầu tay nghề/trình độ chuyên môn kỹ thuật. Tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo chuyên môn kĩ thuật (CMKT) rất thấp, 6,11% (nam 6,53%, nữ 5,69%), chỉ bằng 1/3 so với tỷ lệ tương ứng của dân tộc Kinh. Có tới 12/53 DTTS có tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo CMKT dưới 2% như Xtiêng 0,81% (nam 0,83%, nữ 0,78%), Mảng 0,89% (nam 1,35%, nữ 0,45%), Brâu 1,06% (nam 2,03%, nữ 0,16%).
Mặc dù chăm sóc sức khoẻ nói chung và sức khoẻ sinh sản nói riêng cho phụ nữ DTTS đã có nhiều tiến bộ trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách: Tỷ lệ tử vong bà mẹ ở một số nhóm DTTS (H’Mông, Thái, Ba Na, Tày, Dao, Nùng), tỷ lệ này vẫn cao gấp 4 lần so với phụ nữ Kinh-Hoa. Tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 12-29 tuổi mang thai có đến cơ sở y tế khám thai là 70,90%, so với tỷ lệ phụ nữ Kinh/Hoa từ 15-49 tuổi mang thai được chăm sóc bởi một cán bộ y tế có chuyên môn trong quá trình mang thai là 99%.
Tảo hôn ở các DTTS vẫn phức tạp, đặc biệt một số DTTS có tỷ lệ tảo hôn trên 50% : Mặc dù tảo hôn bị cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, nhưng kết quả của cuộc Điều tra 53 DTTS cho thấy, trong tổng số người DTTS kết hôn năm 2014, tỷ lệ tảo hôn lên tới 26,6% (nam 26,0% và nữ 27,1%), trong đó dân tộc Ơ đu có tỷ lệ tảo hôn cao nhất (73%), Mông 59,7%, Xinh Mun 56,3%, La Ha 52,8%, v.v... 6/53 dân tộc có tỷ lệ tảo hôn trên 50%...
Những thông tin trên được đề cập tại hội thảo “Thách thức và giải pháp để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau” do Hội LHPN Việt Nam, Ủy ban dân tộc với sự hỗ trợ của Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và các tổ chức Plan International, CARE, Irish Aid, RIC, CECEM và iSee tổ chức hôm qua (12/8).
Theo các đại biểu, trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp quốc, với nguyên tắc “không bỏ ai ở lại”, những vấn đề về phụ nữ DTTS và BĐG ở vùng DTTS càng cần được quan tâm đặc biệt.
Một số điểm cần lưu ý về khoảng trống chính sách đối với phụ nữ DTTS như: sự thiếu hụt về lồng ghép giới trong các chính sách hỗ trợ phát triển vùng DTTS; về giáo dục, chưa có chính sách ưu tiên đối với các em học sinh nữ vào các trường dự bị đại học hay trung học chuyên nghiệp trở lên đối với một số dân tộc đặc biệt khó khăn hoặc dân tộc có dân số rất ít người chưa có lực lượng lao động chất lượng cao; về y tế, chính sách về dinh dưỡng đặc thù đối với bà mẹ và trẻ em DTTS vẫn chưa được thực hiện, chưa có chính sách đặc thù có nhạy cảm giới về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe vị thành niên đối với phụ nữ và trẻ em gái DTTS;
về trợ giúp pháp lý và quyền được tiếp cận thông tin, các chính sách hiện hành còn bỏ ngỏ và chưa quan tâm đúng mức, chưa có tính đặc thù đối tượng là nữ và ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn; về sự tham gia của phụ nữ trong xây dựng và thực hiện chính sách, cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng nguồn nhân lực cán bộ nữ DTTS trong hệ thống chính trị và các tổ chức chính trị xã hội.