Quan tâm vì càng ngày càng cho thấy tham nhũng thực sự là quốc nạn. Với những gì thiên nhiên ban tặng và làm ra trên đất nước ta, nếu không lãng phí và tham nhũng thì chắc chắn nhân dân ta đã có cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều. Nói không quá, tham nhũng đã đánh vào mỗi mâm cơm của từng gia đình, đe dọa tương lai của con cháu. Là người dân yêu nước, phải quan tâm.
Tuy vậy, nhiều người cũng thất vọng vì bất chấp các chỉ thị, nghị quyết và luật, bất chấp sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nạn tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp.
Phải thắng thắn rằng, trong đấu tranh chống tham nhũng chúng ra đã yếu trên cả 2 mặt: phòng và chống.
Hãy xem “phòng”. Minh bạch tài sản được coi là biện pháp hữu hiệu trong thực hiện phòng ngừa tham nhũng, tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá việc kê khai còn rất “hình thức”, bằng chứng là một năm có hơn 1 triệu bản kê khai nhưng chỉ phát hiện một vài trường hợp tham nhũng. 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tỷ lệ kê khai tài sản đạt 99,5%, đã xác minh được gần 5.000 trường hợp, trong đó chỉ phát hiện xử lý, kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực. Tức là gian dối ngay khi kê khai và bất lực khi buộc cán bộ có chức, có quyền kê khai thật.
Đấy là chưa nói những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng bị xử lý còn ít so với các vụ tham nhũng bị phát hiện, một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý người đứng đầu. Như vậy mới chỉ giải quyết được phần nổi của tảng băng chìm tham nhũng.
Có câu chuyện rất hài, đó là quà tặng. Đánh giá về việc nộp lại quà tặng của các bộ, ngành, địa phương, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, từ năm 2006 đến năm 2015, có 879 cán bộ công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị 3,3 tỷ đồng, có 10 trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý. Bình quân mỗi năm phát hiện được một trường hợp (!)
Về “chống” càng đặc biệt yếu. Chúng ta gần như đang sợ “vỡ bình”. Bằng chứng là các vụ “án điểm” chỉ mới thấy “lôi cổ” được một ít quan chức trong doanh nghiệp. “Nhóm lợi ích” và “bộ phận không nhỏ” ở đâu vẫn tìm không ra. Với cơ chế giám sát quyền lực như hiện nay thì mãi mãi vẫn rất khó phát hiện ra họ “mũi né” ở đâu?
“Tình hình tham nhũng thông qua lợi dụng cơ chế chính sách, tình trạng lợi ích nhóm đang diễn ra kìm hãm sự phát triển của đất nước ta”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã khẳng định như vậy.
Phải quyết liệt hơn nữa trong phòng chống tham nhũng, không chấp nhận tình trạng “yếu toàn diện” về phòng chống tham nhũng như hiện nay!