Sau hơn 10 năm đóng thuế sử dụng đất ở, bà Ái “ngã ngửa” khi phát hiện ra mảnh đất mồ hôi xương máu của mình không có thật trên thực tế. Khốn khổ hơn, sau hơn một năm kêu cứu, dù đã có kết luận thanh tra “có dấu hiệu giả mạo hồ sơ” nhưng bà Ái vẫn chưa đòi lại được quyền lợi chính đáng của mình.
Biên bản làm việc của Thanh tra huyện Hoài Đức với đại diện ủy quyền của bà Ái (trái) và Kết luận về tên của ông Ngô Đăng Thọ, Ngô Đăng Trường |
Có GCNQSDĐ nhưng không có… đất
Trong lá đơn kêu cứu, bà Nguyễn Thị Ái trình bày: ngày 25/2/2004 ông Ngô Đăng Thọ (trú tại thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức đã ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 474/CN để chuyển nhượng cho bà thửa đất ở số 75, tờ bản đồ số 4B phần diện tích 308m2 đất ở tại Cao Thượng với giá 616.000.000 đồng. Thửa đất này ông Thọ được cấp sổ đỏ số S726276 theo Quyết định số 3871/QĐ-UB ngày 18/12/2003.
Sau khi ký kết Hợp đồng chuyển nhượng, ngày 30/3/2004, bà Ái đã được UBND huyện Hoài Đức cấp GCNQSDĐ số S726928. Sau 10 năm đóng thuế đất ở, do không có nhu cầu tiếp tục sử dụng thửa đất, bà Ái làm thủ tục chuyển nhượng thửa đất trên cho ông Nguyễn Tiến Định. Tuy nhiên, khi đang tiến hành các thủ tục chuyển nhượng thì bà Ái được UBND xã Đức Thượng thông báo mảnh đất của bà nhận chuyển nhượng từ vợ chồng ông Thọ không có trong bản đồ địa chính đất thổ cư của xã.
Trước thông tin trên, ngày 19/12/2014, gia đình bà Ái đã gửi đơn yêu cầu UBND xã Đức Thượng xác định nguồn gốc đất đối với thửa đất này. Ngày 28/12/2014, bà Ái nhận được Công văn số 45/UBND của UBND xã Đức Thượng trả lời như sau: thửa đất số 75 thuộc tờ bản đồ 4B có địa chỉ tại thôn Nhuệ, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, có diện tích 321m2 được cấp GCNQSDĐ ngày 15/5/1991 cho ông Nguyễn Văn Tác. Hiện ông Tác vẫn đang quản lý, sử dụng thửa đất này.
Bà Ái bàng hoàng, không hiểu lý do tại sao thửa đất có địa chỉ được xác nhận là của ông Thọ, được phép chuyển nhượng cho bà nay lại là thửa đất thuộc quyền sử dụng từ rất lâu đời của nhà ông Tác. Hơn nữa, rõ ràng bà Ái ký hợp đồng mua quyền sử dụng đất ở và đã được các cấp chính quyền huyện Hoài Đức cấp sổ đỏ là đất ở. Nhưng nay vị trí thửa đất bà nhận chuyển nhượng lại được UBND xã Đức Thượng xác định là đất canh tác. Điều đặc biệt là thửa đất này vẫn đứng tên ông Thọ trong sổ quản lý đất đai của địa phương.
Nhận thấy tính chất vụ việc rất nghiêm trọng, tháng 09/2015 anh Nguyễn Tuấn Nam (trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội - người được bà Ái ủy quyền giải quyết) đã gửi đơn tố giác tội phạm đến Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Hoài Đức về việc ông Ngô Đăng Thọ đã có hành vi gian dối, giả mạo hồ sơ, giấy tờ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Ái.
Đồng thời anh Nam cũng cho rằng, trong sự việc của bà Ái có dấu hiệu tiếp tay của một số cán bộ liên quan trong việc thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà Ái. Đơn cũng được gửi đến UBND huyện Hoài Đức.
Công an huyện “ngâm” vụ việc có dấu hiệu lừa đảo…
Ngày 22/12/2015, trong buổi làm việc với đại diện ủy quyền của bà Ái, thanh tra huyện Hoài Đức kết luận như sau: Qua kết quả thanh tra, kiểm tra và rà soát hệ thống hồ sơ địa chính lưu trữ tại địa phương cho thấy không có thửa đất thổ cư số 75, tờ bản đồ 4B tại thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng.
Đồng thời qua kiểm tra, thanh tra huyện cũng thông tin cho thấy, hồ sơ cấp GCNQSDĐ số S726276 là hồ sơ đăng kí biến động quyền sử dụng thửa đất do ông Nguyễn Văn Tác chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất cho ông Ngô Đăng Thọ. Tuy nhiên, hồ sơ có dấu hiệu giả mạo!
Ngoài ra, sau khi rà soát hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ số 474 ngày 25/02/2004 giữa ông Ngô Đăng Thọ và bà Nguyễn Thị Ái cho thấy không có đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ là đất thổ cư số 75, tờ bản đồ số 4B tại thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng.
Hơn nữa nội dung hợp đồng là chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở song khi ông Thọ bàn giao cho bà Ái lại bàn giao thửa đất nông nghiệp. Do vậy, hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa hộ ông Ngô Đăng Thọ và bà Nguyễn Thị Ái có dấu hiệu vi phạm phát luật. Thanh tra huyện Hoài Đức khẳng định sẽ chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra do có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, kể từ ngày bà Ái gửi Đơn tố cáo vào tháng 09/2015 và có kết luận thanh tra của huyện từ tháng 12/2015 nhưng tháng 7/2016 Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện Hoài Đức vẫn trả lời người dân “để có căn cứ giải quyết tố giác theo quy định của pháp luật, Cơ quan điều tra tiến hành giám định chữ viết tài liệu liên quan, tiến hành định giá tài sản đối với thửa đất trên nhưng đến nay chưa có kết quả”.
Và đến thời điểm này, sau gần 1 năm tố giác, sự việc bà Ái mua phải đất giả vẫn chưa có kết quả cuối cùng, dù theo Điều 103 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì thời hạn giải quyết tối đa không quá 02 tháng, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng cũng không được quá 02 tháng nữa. Không hiểu sự việc này sẽ được cơ quan điều tra Công an huyện Hoài Đức… ngâm đến bao giờ khi người dân vẫn đang khắc khoải đợi chờ quyền lợi chính đáng của mình từng ngày.
Đặc biệt, trong quá trình tiến hành xác minh sự việc, anh Nam đã phát hiện ra ông Thọ còn có một tên gọi khác và đã gửi đơn yêu cầu xác minh. Kết quả thật bất ngờ, trong văn bản xác minh về tên thật của ông Ngô Đăng Thọ, UBND xã Đức Thượng khẳng định: “Ngô Đăng Trường, sinh năm 1975, CMND số 111312402 do Công an thành phố Hà Nội cấp ngày 14/3/2011, trú tại thôn Cao Xá, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội theo đăng ký hộ khẩu và hộ tịch là Ngô Đăng Trường, còn Ngô Đăng Thọ là tên thường gọi ở địa phương”.
Như vậy, ai là người cấp GCNQSDĐ cho ông Ngô Đăng Thọ dù sổ hộ khẩu, sổ đăng ký thường trú lại mang tên Ngô Đăng Trường? Tại sao ông Ngô Đăng Thọ cũng có số CMND như ông Ngô Đăng Trường? Có khó khăn gì trong quá trình điều tra khiến Công an huyện Hoài Đức chưa thể kết luận vụ việc mà bản chất đã bộc lộ rõ ràng?
PLVN sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc.