Có địa chỉ cư trú rõ ràng, vẫn bị bắt theo lệnh truy nã?
22h đêm 12/5/2016, bà Nguyễn Thị Chưa (SN 1960, hộ khẩu thường trú tại 5/3 Đinh Tiên Hoàng, phường Phú Hòa, TP Huế) đang chuẩn bị đi ngủ thì bất ngờ thấy nhiều Công an đến nhà. Tại đây, bà Chưa được công bố Lệnh truy nã số 04 ngày 29/2/2016 của Công an quận Gò Vấp do ông Trà Văn Lào ký. Sau đó họ đưa bà Chưa vào nhà tạm giữ của Công an TP Huế. Ngày hôm sau bà Chưa bị áp giải về TP HCM theo lệnh của Công an quận Gò Vấp.
Nhớ lại đêm bị bắt, bà Nguyễn Thị Chưa cho biết: “Vụ án đang được điều tra lại, vì tôi không có chỗ ở tại TP HCM nên về Huế (bà Chưa đã vạ vật sống ở TP HCM trong những ngày chờ mở phiên tòa sơ thẩm, sau đó được sự cho phép của cơ quan chức năng bà về lại quê hương là TP Huế để chờ đợi triệu tập của cơ quan điều tra).
Đi đâu, làm gì tôi cũng trình báo với cơ quan chức năng, thậm chí tôi còn ghi rõ số điện thoại trong từng lá đơn để thuận tiện trong liên lạc, vậy mà lại bị Công an truy nã vì “không biết ở đâu”? “Là người phụ nữ khuyết tật, không chồng, không con, nửa đêm bị Công an đem xe chuyên dụng đến nhà đưa đi, cả gia đình và người thân của tôi hết sức bất ngờ và lo lắng”.
Bất ngờ hơn, sau khi bị áp giải vào TP HCM, ngày 15/5 bà Chưa được thả. Trong Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú ngày 14/5/2016 do Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp Châu Văn Hoàng ký thì bà Chưa chỉ được phép cư trú tại 5/3 Đinh Tiên Hoàng, phường Phú Hòa, TP Huế; giao bị can cho phường Phú Hòa quản lý, theo dõi.
Vẫn chưa hiểu vì sao bị bắt theo lệnh truy nã rồi lại được cho về, bà Chưa trình bày thêm: Trước đó sau khi bà có đơn xin phép và được đồng ý về lại Huế ăn Tết cổ truyền thì ngày 31/1 bà nhận được giấy triệu tập ghi lần thứ 3 của Công an quận Gò Vấp yêu cầu ngày 15/2/2016 bà phải có mặt tại Công an quận để làm việc.
Tuy nhiên theo bà Chưa, đây là lần thứ nhất bà nhận được giấy triệu tập. Bà đã cố gắng mua vé vào TP HCM nhưng không thể vì đó là dịp Tết nên lượng người vào TP quá đông, không thể mua được vé nếu không đặt trước. Việc này bà Chưa đã làm đơn đến Công an quận với đề nghị “hoãn buổi làm việc sang ngày khác để tôi có thể mua vé vào làm việc đúng thời gian”.
Sau sự việc bà Chưa bị bắt rồi thả, ngày 14/5 Công an quận Gò Vấp tiếp tục có giấy triệu tập bà Chưa đến làm việc vào ngày 24/5. Để trình diện đúng thời gian, sau khi nhận giấy triệu tập, bà Chưa tức tốc nhờ người mua vé và vào TP HCM trong ngày hôm qua (23/5).
Vụ án còn nhiều vấn đề phải xem xét
Trước đó, tháng 9/2015, tại phiên tòa phúc thẩm, TAND TP HCM đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND quận Gò Vấp (tuyên bà Chưa 1 năm cải tạo không giam giữ về tội chống người thi hành công vụ) vì có nhiều vấn đề chưa được làm rõ.
Theo bản án sơ thẩm, tối 29/12/2014, Công an phường 4, quận Gò Vấp nhận được tin báo có sự việc đánh nhau giữa bà Chưa và bà Lê Thị Kim Ngân tại nhà bà Chưa, nên Trưởng Công an phường đã cử 3 cán bộ là Nguyễn Văn Tỉnh, Phạm Trần Nhật Nam, Đinh Hoàng Việt mặc trang phục cảnh sát đến hiện trường.
Anh Nam và anh Tỉnh đến trước lập biên bản sự việc nhưng bị cáo Chưa không chịu ký. Khi anh Việt đang thuyết phục thì bị cáo Chưa giật tờ biên bản từ tay anh Nam, chạy sang tiệm photo gần đó để photo. Anh Việt đi theo yêu cầu chủ tiệm không được photo, đồng thời đưa tay định lấy tờ biên bản thì bị cáo giật lại được, vò thành cục. Anh Việt giơ tay định lấy lại tờ biên bản thì bị bà Chưa cắn hai cái vào tay, dùng bút bi đâm vào người.
Tuy nhiên, nhiều tình tiết trong bản án sơ thẩm bị cho là rất mâu thuẫn, khiên cưỡng. Bởi khi bà Ngưu xông vào nhà gây sự, vì thấy bị nguy hiểm nên chính bà Chưa là người kêu cháu gọi điện báo Công an phường 4 đến ứng cứu. Thế nên bà khó có thể chống lại những cảnh sát đến cứu giúp mình. Việc bà đi photo biên bản đã được anh Nhật Nam đồng ý. Chính vì thế, nên cho dù bà là người khuyết tật (bà Chưa bị thọt chân), phải lê bước từ nhà sang hiệu photo thì hai cán bộ Công an phường khác vẫn ngồi ở nhà bà đợi bà đi photo về. Giả sử anh Nam không cho phép thì bà không thể mang biên bản đến cửa hàng pho to.
Về hành vi cắn vào tay anh Việt, bà Chưa cho rằng đó là hành vi không cố ý. Khi đó vì đứng xoay lưng lại nên bà Chưa không biết người bẻ tay mình là ai nên phản xạ vô thức là cắn vào tay để họ buông mình ra. Những chiếc răng mà án sơ thẩm quy kết cắn anh Việt lại là 4 chiếc răng giả nên không thể gây bầm tím hay thương tích. Ngoài ra, việc mâu thuẫn trong lời khai nhân chứng, trong các chứng cứ khác của vụ án cũng còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Hy vọng khi vụ án được điều tra lại, mọi khuất tất sẽ được làm sáng tỏ../.