Indonesia là đất nước có nhiều núi lửa nhất trên thế giới với 147 trong tổng số 850 núi lửa được phát hiện trên bề mặt trái đất, trong đó 76 núi lửa hiện vẫn đang hoạt động và có thể phun trào bất cứ lúc nào. Những cái tên núi lửa như Guntur, Papandayan (Tây Java), Slamet, Merapi (miền Trung Java), hay Bromo, Semeru, và Ijen (Đông Java) luôn là đích đến của những du khách ưa khám phá thiên nhiên hùng vĩ dữ dội.
Trong số hàng chục núi lửa còn đang “ngủ trưa” trên hòn đảo Java phì nhiêu màu mỡ ấy, Ijen được biết đến như một nơi vừa nên thơ, vừa hùng vĩ, nhưng cũng đầy bí ẩn, ngay cả với người dân địa phương.
“Ngọn lửa xanh” huyền ảo
Cao 2,799m so với mặt nước biển, nằm cách thị trấn Banyuwangi 26km về phía Tây Bắc, núi lửa Ijen (Kawah Ijen) là một trong những điểm đến hút khách du lịch với “ngọn lửa xanh” huyền ảo. Miệng núi lửa Ijen được ghi nhận có bán kính 361m, diện tích bề mặt là 410m2, asâu 200m và có thể chứa tới 36 triệu m3 nước axit.
Khi đứng ở nơi này, bạn sẽ có cảm giác mình thật bé nhỏ giữa thiên nhiên. Nhìn từ xa, người ta có thể nghĩ rằng những ánh sáng huyền ảo trong khu vực là từ một tinh vân hoặc một hành tinh nào đó ngoài vũ trụ, nhưng đó thực tế là ánh sáng do lưu huỳnh tạo ra tại mỏ lưu huỳnh Kawah Ijen.
Hồ Ijen dần hiện lên với màu xanh lơ nhàn nhạt, như một mảng màu lớn đang loang dần trên bảng vẽ. Nó lọt thỏm giữa những vách đá của miệng núi, bất động, thi thoảng một làn khói nhỏ từ mặt hồ khẽ bay lên, rồi tan biến vào không trung.
Nếu cố nán lại lâu hơn, khi mặt trời nhô hẳn lên khỏi đường chân trời, những tia sáng dịu dàng chiếu thẳng vào ngọn núi lửa phía xa xa, toàn bộ khung cảnh sẽ trở nên rõ nét và rộng lớn hơn để lộ ra sắc hồng rực rỡ giữa một không gian kỳ vĩ bao la. Các vách đá quanh miệng núi lửa cũng từ từ hiện lên rõ hơn trong ánh ban mai, tô điểm thêm cho cảnh vật vốn đã là một kiệt tác của tạo hóa. Hồ Ijen lúc này không còn nhàn nhạt nữa mà đã chuyển sang màu xanh ngọc bích tuyệt đẹp. Nó trở thành một viên đá quý xanh khổng lồ không tì vết yên vị trong một khuôn nhẫn vĩ đại.
Hàng ngày, có hàng trăm du khách leo lên núi lửa Ijen để xem ngọn lửa xanh phát ra từ mỏ quặng lưu huỳnh, ngắm bình minh từ từ xuất hiện giữa làn sương mờ đặc, và đắm chìm trong màu xanh ngọc bích huyền ảo của hồ nước axit nằm lọt thỏm trong miệng núi.
Mặc dù mang vẻ đẹp quyến rũ, hút hồn nhưng thứ tạo nên vẻ đẹp này lại vô cùng nguy hiểm đối với con người. Người dân địa phương còn ví von nơi này lại là “địa ngục”, đặc biệt là những công nhân làm thợ khai thác lưu huỳnh.
Khung cảnh khu vực |
Núi lửa Kawah Ijen là một phần của quần thể núi lửa ở Banywang Regency, Java, Indonesia. Nó cũng là một trong những ngọn núi lửa bất thường nhất, bởi nằm dưới chân miệng núi lửa là hồ axit lớn nhất thế giới với bán kính trên 1km.
Mặt hồ có màu xanh ngọc và lúc nào cũng nhả ra một thứ khói trắng đậm đặc kỳ ảo. Sự thật, màu xanh này không huyền ảo như nhiều người tưởng tượng. Bề ngoài trông có vẻ như chỉ là hơi nước, nhưng loại khói này bắt nguồn từ những hoạt động nằm sâu bên trong lòng núi lửa và thường chứa rất nhiều khí độc Sulfur dioxide, Hydrogen sulfide.
Thông thường, dung nham có màu đỏ và khói đen, nhưng do sức nóng và quá trình đốt lưu huỳnh cháy khiến phát ra ánh sáng xanh lam óng anh. Hiện tượng này xảy ra khi khí lưu huỳnh của núi lửa tiếp xúc với nhiệt độ không khí, gây ra sức nóng trên 360 độ C.
Làn khói huyền ảo là vậy nhưng mùi vị của làn khói này không hề dễ chịu, thậm chí còn bốc mùi trứng thối. Cũng chính vì vậy mà nước dòng sông này bị nhiễm nồng độ axit và kim loại khá cao, gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng với hệ sinh thái ở vùng hạ lưu.
Đánh cược mạng sống để lấy “vàng của quỷ”
Lưu huỳnh được ứng dụng rất rộng rãi trong các ngành công nghiệp sản xuất ắc quy, chất tẩy rửa, diêm, thuốc súng, phân bón... Tận dụng nguồn lưu huỳnh sẵn có, Indonesia đã bắt đầu khai thác ở Kawah Ijen từ năm 1968 và cho đến tận ngày nay nơi đây vẫn là mỏ lưu huỳnh duy nhất thế giới. Mỗi ngày, khoảng 350 người đàn ông đến từ các ngôi làng lân cận vẫn bất chấp nguy hiểm đi men theo tuyến đường bao quanh miệng núi lửa để đi vào trung tâm núi lửa để khai thác.
Lưu huỳnh nóng chảy được dẫn ra từ lòng núi lửa thông qua các đường ống, tới các hố nhỏ trên bề mặt miệng núi. Khi nguội, chúng tạo thành những vỉa lưu huỳnh có màu vàng chanh vô cùng đẹp mắt mà người ta hay gọi là “vàng của Quỷ”. Sở dĩ người dân xung quanh đặt cái tên này là do quanh miệng núi lửa thường có rất nhiều tảng lưu huỳnh kiểu này và vì nó mà người ta phải đối mặt với nguy hiểm bởi độ sâu và khí độc.
Những nhân công khai thác lưu huỳnh phải làm việc trong môi trường tràn ngập khí độc hại, với mức độ gấp 40 lần cho phép so với giới hạn cơ thể con người có thể tiếp nhận. Trong khi họ không hề có các trang thiết bị bảo hộ lao động cần thiết khiến những công nhân này mắc nhiều chứng bệnh về phổi và khả năng sinh sản.
Hai loại khí độc trên còn có thể khiến giảm thị lực, gây bỏng đường hô hấp, làm hỏng răng…. Họ chỉ trang bị thô sơ dép tông, dép quai nhựa hay ủng đi mưa, sử dụng cây gỗ tròn làm đòn gánh kẽo kẹt lên xuống con đường dốc nguy hiểm. Thứ duy nhất được sử dụng để ngăn cản khí độc và mùi khó chịu là chiếc khăn thấm ướt nước che miệng.
Để mưu sinh và nuôi sống gia đình, những con người nhỏ bé ấy vẫn hàng ngày vẫn cặm cụi 2 chuyến khai thác đến khu vực núi lửa, với quãng đường dài khoảng 16km, gồm 6km leo lên núi và 10km băng qua tuyến đường nguy hiểm quanh mép núi. Mỗi thợ mỏ có thể mang 70-90kg lưu huỳnh trong chiếc giỏ sau lưng hoặc quang gánh, vượt qua một quãng đường gập ghềnh với nhiều đá sắc nhọn. Cũng chính bởi phải oằn mình mang vác trọng lượng nặng như vậy mỗi ngày nên rất nhiều thợ mỏ bị chứng biến dạng cột sống hoặc biến dạng xương chân.
Công nhân khai thác lưu huỳnh ở Ijen |
Ông Suwono, 33 tuổi, cho biết phải đi khai thác 4 lần một tuần, bắt đầu từ 6h sáng đến 14h30 chiều, để có tiền hỗ trợ gia đình. Do sức khỏe có hạn nên ông chỉ có thể mang theo 70kg lưu huỳnh trên giỏ sau lưng, và sau đó trở lại tuyến đường hiểm trở để xuống chân núi báo cáo số lượng với quản lý mỏ. Sau hai chuyến đi, ông được viên quản lý trả cho 11 USD. Nhưng cái giá mà ông Suwono phải trả còn đắt hơn nhiều: ông bị lệch cột sống.
Người ta ước tính trung bình một thợ mỏ được trả số tiền chưa tới 3000 VNĐ cho mỗi kg lưu huỳnh mà họ khai thác được, tức thu nhập khoảng 10-12 USD mỗi ngày, cái giá quá rẻ để đánh cược mạng sống. Rất nhiều thợ mỏ đã chết trước tuổi 40. Và có khoảng gần 70 thợ mỏ đã tử vong vì chết ngạt do các đợt khí độc phun trào đột ngột ở núi lửa Ijen, tính trong 4 thập kỷ vừa qua. Thế nhưng, hàng trăm người thợ khai thác mỏ vẫn phải chấp nhận làm công việc này để kiếm sống hàng ngày, dù không biết cái chết sẽ gõ cửa bất cứ lúc nào.
Thứ được gọi là “vàng của Quỷ” khiến họ phải đánh đánh đổi sức khỏe và tuổi thọ. Chính bởi nhận thức rõ về sự hiểm nguy khi đi khai thác lưu huỳnh, những người thợ mỏ không một ai có ý định cho con cháu trong nhà theo nghiệp mà chỉ muốn tháo bỏ “xiềng xích của phận nghèo”. Đa số thợ mỏ đều làm việc cật lực để cho con cái đi học với mong muốn chúng sẽ không phải theo cái nghề cha ông chúng đang làm.