Quả nhiên, chỉ vài phút, điện thoại của Hạnh đã kêu ting ting, Thuý nhảy vào comment “nhất chị, chồng thế mới là chồng chứ”. Giọng ghen tỵ thấy rõ, Quỳnh Liên hồ nghi: “gì thế này, định đốt làng phây bằng tin giật gân à”.Cả ngày hôm đó, cơ quan xôn xao rồi bạn học cũ ồn ào, ai ai cũng chúc mừng Hạnh có chồng đại gia lại tâm lý.
Chiếc xe cáu cạnh là thật, nhà Hạnh đổi xe cũng là thật nhưng đó chẳng phải “quà ngày 8/3” mà đơn giản chỉ là ông xã Hạnh mua xe mới sau khi đã chán ngấy chiếc xe cũ uống xăng như nước lã. Ngày 8/3, món quà duy nhất Hạnh nhận được là từ ông con giai đang học lớp 8, nó để dành tiền ăn sáng mua tặng Hạnh lọ dầu gội đầu ngay dưới siêu thị cạnh nhà. Ông chồng 10 giờ đêm mới mò về nhà, lý do “bọn cơ quan bắt khao xe mới”.
Thế nhưng, sáng hôm sau, trên facebook cuả Hạnh lại lung linh một lọ mỹ phẩm đắt tiền với lời “than thở”: “chồng yêu bảo ngồi xe hơi phải dùng kem dưỡng ẩm không hỏng hết da, hương hoa hồng quyến rũ quá”. Một “làn sóng Gato” lại dậy lên…
Bình cũng là “cô nàng lắm chiêu”, dù cuộc hôn nhân ngoài đời thực của cô chẳng mấy êm đẹp nhưng trên phây bạn bè luôn thấy cô viên mãn với anh chồng có tiếng là đào hoa. Cứ mỗi cuối tuần cô lại đưa các hình ảnh chồng đưa vợ đi nhà hàng, xem phim, mua sắm. Thực chất, năm thì mười hoạ anh chồng bận rộn mới miễn cưỡng đưa vợ con đi như thế, Bình chụp nhiều ảnh rồi đưa lên dần dần. Lý giải cho hạnh phúc giả tạo này, Bình phân bua với bạn “cứ phải đưa lên thế cho mấy con bé chíp hôi ở cơ quan ông ấy biết là ông ấy có vợ con rồi, không nó nghĩ đàn ông độc thân, nó lôi, nó kéo”.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Minh Hoa lại là một “kiểu” khác, cô không thích khoe quà, khoe chồng mà chỉ chuyên khoe hình ảnh mình là người vợ đảm và vì thế chồng cô “chẳng thích ăn nhà hàng, chỉ thích cơm vợ nấu”. Ngày ngày cô chịu khó chế biến món ăn rồi đưa lên “báo cáo” cả làng phây “hôm nay ăn gì”. Không hiếm người chép miệng mà rằng: con bé này khôn thật, tình yêu của đàn ông chẳng phải đi qua dạ dày đó sao.
Có lẽ chỉ chồng Hoa và hai cô con gái mới biết “sự thực” sau những “bữa tiệc trên phây” của mẹ. Đồ ăn đúng là mỗi ngày một thức, ngon lành xong tất tật đều do chị ô sin đảm đang nấu. Dễ tới mười năm Hoa không bước chân vào bếp còn chồng cô cả tuần cũng chẳng ăn cơm với vợ được một buổi. Công việc của anh cùng những mối giao du đã lấy mất những bữa cơm gia đình, ăn cơm hàng nhiều hơn cơm nhà.
Hạnh, Bình hay Hoa chẳng phải người duy nhất “đeo mặt nạ trên facebook”. “Thế giới ảo với cả ngàn người bạn thân, sơ, nhiều người chỉ biết tiếng, biết hình mà không rõ người kia sống trong đời thực ra sao khiến cho chủ nhân của facebook dễ ảo tưởng và tự khoác lên mình một chiếc áo do mình mong muốn, tưởng tượng ra. Người mong chồng tặng quà là người có tâm trạng khao khát mọi người biết là chồng yêu chiều mình như thế nào, người muốn được chồng dành thời gian nhưng thực tế không được sẽ nảy sinh mong muốn khoe cho cả thế giới biết chồng có quan tâm. Còn trường hợp của chị Hoa, vì mong chồng về ăn cơm, khao khát những bữa cơm gia đình đầm ấm mà muốn có những “bữa cơm giả tạo” trên facebook”, chuyên gia tâm lý Vân Anh nhận xét.
Vẫn theo phân tích của bà Vân Anh thì facebook đang khiến cho nhiều người “ảo tưởng” về cuộc sống hôn nhân của mình và nhiều người kém hạnh phúc khi “nhìn đời sống nhà khác qua facebook”. “Cứ mỗi dịp lễ, tết hay ngày 8/3, trên facebook lại xuất hiện đủ các hình thái “khoe” hạnh phúc, khoe quà cáp. Điều đó khiến cho những người không có quà chạnh lòng và nhiều gia đình vì thế mà “xô chén, xô bát”. Cái gì quá cũng gây hại, các cặp vợ chồng nên nhìn vào cách đối đãi nhau trong suốt thời gian chung sống thay vì “để ý” chuyện trong ngày nọ, ngày kia cho “bằng chị bằng em” để rồi “cắn đắn” chồng hoặc cảm thấy mình bất hạnh”, bà Vân Anh chia sẻ.