Ngày nay, Thanh Hóa đứng thứ 3 cả nước về dân số với trên 3,5 triệu người, đứng thứ 5 về diện tích trải rộng từ miền biển đến miền núi, đứng đầu cả nước về số đơn vị hành chính. Làm thế nào để tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa tương xứng với những con số “vàng” nói trên? Làm thế nào giải được bài toán việc làm, phát huy được năng lực của 2/3 dân số thuộc độ tuổi lao động của tỉnh? Làm thế nào đưa Thanh Hóa từ một tỉnh nghèo, năng lực cạnh tranh thấp trở thành tỉnh khá của cả nước trong vài năm nữa?... Rất nhiều câu hỏi đang đặt ra với tỉnh địa đầu miền Trung này.
Quyết liệt cải cách
Để “thoát nghèo”, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ đã khắc phục những hạn chế của bộ máy chính quyền nhằm mang đến sức mạnh nội lực nhằm đáp ứng cho yêu cầu hội nhập mới.
Thanh Hóa đã ban hành nhiều quyết định, quy định về cải cách thủ tục hành chính và quyết liệt thực hiện. Nổi bật là hoạt động của cơ chế một cửa, một cửa liên thông, hạn chế tình trạng “hành là chính” trong các cơ quan nhà nước. Áp dụng tiêu chuẩn ISO trong quản lý hành chính công, sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc gắn với việc chấm điểm trong việc thực thi công vụ…
Tỉnh Thanh Hóa đặc biệt chú trọng đến công tác vận động, xúc tiến đầu tư và hoạt động đối ngoại. Môi trường đầu tư vào Thanh Hóa được đánh giá liên tục được cải thiện và chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay.
Để mời gọi đầu tư, lãnh đạo tỉnh đã tăng cường làm việc với các bộ, ngành Trung ương, các Đại sứ quán của các nước tại Việt Nam như: Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch... các tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại, tài chính trong và ngoài nước để cung cấp thông tin về tiềm năng, cơ chế, chính sách, danh mục dự án ưu tiên đầu tư của tỉnh; đồng thời khẳng định sẽ luôn sát cánh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
Trong lần làm việc với những lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa vào năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những nỗ lực của tỉnh và cho rằng Thanh Hóa cần nhận ra rằng tiềm năng của tỉnh chưa phát huy hết. Nhất là về con người, vì ít tỉnh nào có lực lượng lao động chiếm 2/3 dân số như Thanh Hóa. Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Thanh Hóa cần phải phát huy được truyền thống và tinh thần tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế, làm tốt công tác quy hoạch phù hợp với thị trường để không làm nảy sinh mâu thuẫn trong phát triển, tránh tình trạng “nóng đâu phủi đó”.
Diện mạo mới
Với những nỗ lực không ngừng, Thanh Hóa đã dần thay da đổi thịt. Tốc độ tăng trường kinh tế bình quân 5 năm gần đây đạt trên 11%, cao nhất trong gần 30 năm qua. Năm 2010, thu ngân sách của Thanh Hóa mới gần 4 nghìn tỷ đồng thì năm 2016 đã thu gấp 3, hơn 12.000 tỷ đồng.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, các chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế (PEII) giai đoạn 2011 – 2015 tăng cao và nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.
Nhờ vậy, trong giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh Thanh Hoá đã thu hút được 668 dự án đầu tư, trong đó có 34 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 129.000 tỉ đồng và 2,57 tỉ USD, đứng thứ 6 cả nước. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển 5 năm ước đạt 327.622 tỉ đồng, gấp 3,9 lần giai đoạn 2005 – 2010.
Nhiều dự án lớn hàng đầu cả nước được đầu tư xây dựng trong nhiệm kỳ vừa qua, các dự án này đều có sức hút đầu tư, sức lan toả lớn và là động lực cho sự phát triển như Lọc hoá dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn 1,2; cảng tổng hợp quốc tế gang thép Nghi Sơn; cảng hàng không Thọ Xuân…
Ngoài những con số tăng trưởng về kinh tế, lĩnh vực văn hóa – xã hội của Thanh Hóa có nhiều chuyển biến tích cực.
Đây là giai đoạn ngành Văn hóa xứ Thanh rộn ràng với nhiều sự kiện lớn như: Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Hai di tích Lịch sử Lam Kinh và đền Bà Triệu được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Nhiều hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, nhiều di tích được Nhà nước trùng tu, phục dựng… khơi dậy niềm tự hào về quê hương, đất nước.
Năm 2015, Thanh Hóa được chọn đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2015 với chủ đề “Kết nối các di sản thế giới”. Sự kiện này được xem là “cú hích” thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh phát triển.
Khu du lịch biển Sầm Sơn có sự chuyển động mạnh mẽ về hạ tầng; nhiều dịch vụ mới, hấp dẫn được đưa vào khai thác tại các khu du lịch biển Hải Tiến, Hải Hòa... Ngành Du lịch đã có những chuyển động vui theo biểu đồ tăng trưởng, không chỉ góp phần tăng nguồn thu cho tỉnh, còn tác động đến việc cải thiện các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thanh Hóa.
Mới đây, tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20/2/1947 – 20/2/2017), ông Trịnh Văn Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa bộc bạch: “Trong giai đoạn mới hiện nay, niềm tự hào, khát vọng và trách nhiệm vươn tới tương lai đang cần được nhân lên, được lan tỏa trong mọi con tim, khối óc, bàn tay của mỗi người dân Thanh Hóa để cùng thống nhất về nhận thức, quyết tâm trong ý chí, quyết liệt trong hành động, phấn đấu đến năm 2020, Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Cũng tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước biểu dương và ghi nhận tinh thần đoàn kết, phấn đấu nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa. Từ một tỉnh nghèo, Thanh Hóa đã nỗ lực trở thành một tỉnh là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục lớn của Bắc Trung bộ. Nỗ lực phát huy những thành quả đạt được, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, Chủ tịch nước tin tưởng Thanh Hóa sẽ sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu đúng như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2016 theo giá so sánh năm 2010 ước tăng 9,05% so với cùng kỳ (năm 2015 tăng 8,39% so với cùng kỳ); trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,52%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 11,96%; các ngành dịch vụ tăng 8,83%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 9,16%. Trong 9,05% tăng trưởng của năm 2016, ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành công nghiệp, xây dựng đóng góp 5,11 điểm phần trăm; các ngành dịch vụ đóng góp 3,05 điểm phần trăm; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp đóng góp 0,44 điểm phần trăm.
Tỷ trọng các ngành trong GRDP năm 2016: Ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 16,6%, giảm 1,2%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 40,5%, tăng 1,2%; các ngành dịch vụ chiếm 38,5%, bằng năm 2015; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 4,4%, bằng năm 2015. GRDP bình quân đầu người năm 2016 theo giá hiện hành ước đạt 34,2 triệu đồng, theo USD đạt 1.544 USD.Tính chung 11 tháng 2016 tỷ lệ hộ thiếu đói 0,01%, giảm 0,02% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 (theo chuẩn mới nghèo đa chiều) ước còn 11,00%, đạt mục tiêu đề ra và giảm 2,51% so với năm 2015.
Năm 2016, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 12.300 tỷ đồng, vượt 10,8% dự toán, bằng 97,7% so cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 11.100 tỷ đồng, vượt 24,7% dự toán, tăng 0,1% so cùng kỳ. Các khoản thu tăng so cùng kỳ.