Khám phá tục “cúng sức khỏe” của người Lô Lô

Một nghi thức cúng chín trong Lễ cúng sức khỏe của dân tộc Lô Lô đen ở huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng) - Ảnh Nông Tiến Quyết
Một nghi thức cúng chín trong Lễ cúng sức khỏe của dân tộc Lô Lô đen ở huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng) - Ảnh Nông Tiến Quyết
(PLO) - Tại tỉnh Cao Bằng, đồng bào dân tộc Lô Lô chủ yếu sinh sống tập trung tại 2 huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm với bề dày văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng tâm linh truyền thống độc đáo, bí ẩn. Trong đó, lễ cúng sức khỏe mang những giá trị về văn hóa dân gian, tín ngưỡng, nghi lễ gắn với tập quán lao động và sinh hoạt của dân tộc họ. Đây là một phong tục cần được gìn giữ và phát huy, góp phần thiết thực bảo tồn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Lô Lô.

Từ thành phố Cao Bằng đi theo hướng Tây Bắc, hai huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm nằm cách xa từ 120-170 km với những con đường uốn lượn quanh co, khúc khuỷu. Nơi đây có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như H’Mông, Sán Chỉ, Tày, Nùng, Lô Lô sinh sống tách biệt nhau. Giống như người H’Mông, đồng bào dân tộc Lô Lô thường sinh sống tập trung trên những mỏm, sườn đồi cao, chính vì vậy trình độ canh tác còn khá lạc hậu so với các vùng khác trong tỉnh.

Nguyên nhân xuất phát từ thói quen sống ở trên triền cao nên khó khăn trong việc đi lại, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, quá trình vận chuyển hay giao dịch buôn bán mất rất nhiều thời gian và công sức. Tuy vậy, người Lô Lô lại có tinh thần đoàn kết cao, tồn tại nhiều giá trị văn hóa, phong tục tập quán có ý nghĩa giáo dục sâu sắc và trách nhiệm đối với việc bảo vệ thiên nhiên rất cao.

Người Lô Lô đen thường quan niệm rằng “vạn vật hữu linh”, nghĩa là mọi vật đều có “linh hồn” và con người có liên quan mật thiết với chúng, mọi hoạt động của con người đều được điều khiển, chi phối bởi vạn vật. Vì vậy, tín ngưỡng thờ thần “Nềnh” (tức là ma) của người Lô Lô đen là để chỉ lực lượng siêu nhiên có khả năng tác động lợi, hại đến đời sống và hoàn cảnh tự nhiên xung quanh con người. Đặc biệt, lễ cúng sức khỏe hội tụ những nét đẹp, nhiều ý nghĩa sâu sắc trong tín ngưỡng của người Lô Lô đen.

Họ quan niệm, có “ma lành” thì ắt phải “ma dữ”. Trong khi “ma lành” luôn phù hộ, bảo vệ con người, nương rẫy, gia súc, xóm làng thì “ma dữ” lại gây ra tai họa cho con người, động vật và thiên nhiên. Hơn nữa, họ tin rằng mỗi xóm, làng đều có ma làng cai quản để bảo vệ dân làng khỏi những thế lực âm binh xấu, ma dữ làm hại. Tuy nhiên, ngoài việc làm cho dân làng thịnh vượng thì ma làng còn có thể gây ốm đau, chết chóc nếu bị xúc phạm hoặc hàng năm không được cúng lễ, dâng hương. Bởi thế mới có chuyện, mỗi khi trong bản làng có nhiều người ốm đau, gia súc bị dịch thì người Lô Lô đen lại tổ chức đóng góp lễ vật để cúng ma làng.

Anh Chi Văn Hái (39 tuổi) ở bản Khuổi Khon, xã Kim Cúc đang chia sẻ về lễ cúng sức khỏe của người Lô Lô đen
Anh Chi Văn Hái (39 tuổi) ở bản Khuổi Khon, xã Kim Cúc đang chia sẻ về lễ cúng sức khỏe của người Lô Lô đen

Thông thường, lễ cúng sức khỏe được người Lô Lô đen được tiến hành khi trong nhà có người ốm đau, nhất là trẻ em. Đây là tục lệ gần giống với lễ giải hạn của người Tày – Nùng vào đầu năm mới. Trước khi làm lễ cúng, gia chủ sẽ chuẩn bị lá bưởi cộng với lá cây chít bó thành một bó nhỏ để cạnh cầu thang hay cổng rào ngoài sân để báo hiệu với mọi người trong làng cũng như khách lạ đến là gia đình đang có việc quan trọng liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng. Bên cạnh đó, gia chủ sẽ nhờ anh em họ hàng thân thích sắp xếp sẵn một bàn bằng gỗ thấp, hình vuông, có chiều dài mỗi cạnh khoảng 1 m, trên bàn để 4 bát con đựng rượu, 6 cuộn vải trắng chia làm 2 bên và phủ vải hoa lên, kèm theo tiền giấy, đèn dầu... 

Sau khi chuẩn bị xong xuôi, thầy mo sẽ bắt đầu báo cáo với tổ tiên và tiến hành làm lễ cúng sức khỏe. Thầy mo phải là người có uy tín với dân bản, trước ngày làm lễ phải giữ mình thanh tịnh, trong sạch. Quá trình làm lễ cúng sức khỏe có hai bước: cúng sống và cúng chín. Về thủ tục cúng sống, đầu tiên gia chủ sẽ giết một con bò (bê), lấy 2 bát to tiết, 2 đôi đũa và rót rượu ra bát, sau đó lấy dây thừng buộc vào cổ con bê và kéo sợi dây dài đến bàn cúng. Khi tiến hành làm lễ cúng, thầy mo phải mặc y phục rồi ngồi quay lưng lại bàn thờ, hướng nhìn ra cửa chính. Lúc này thầy mo bắt đầu gọi “ma lành” về để xua đuổi “ma dữ” cho người bệnh và phù hộ cho người được cúng gặp nhiều may mắn, bình an. 

Xong phần lễ cúng sống, gia chủ sẽ nhờ anh em, họ hàng mổ bò làm cơm để thầy mo tiến hành cúng chín. Điều thú vị là mỗi khi có nghi thức tâm linh hay những bữa cơm mời khách thì đàn ông lại là người làm bếp trong khi thường ngày phụ nữ là người đảm nhiệm.  Điều này xuất phát từ quan niệm, đàn ông là những người biết việc hơn phụ nữ và việc tiếp khách, ngoại giao là của đàn ông. Theo nghi lễ, mâm cúng chín bắt buộc phải có thịt luộc, nước canh, xôi, gan nướng, thịt nướng để làm lễ cúng sức khỏe. Lúc này, thầy mo sẽ cúng tổ tiên, gọi hồn người được cúng về với gia đình, xua đi cái xấu, điều xui xẻo và điều lành quay lại, may mắn đón chờ.

Thông thường, lễ cúng sức khỏe sẽ diễn ra từ 10 giờ đến 16 giờ trong một ngày. Theo người dân cho biết, sau khi làm các nghi thức cúng sức khỏe, con ma ốm, vận hạn xấu đã bị biến mất, người được cúng sẽ có sức khỏe tốt, có thể leo trèo trên những sườn đồi núi để làm nương rẫy, lấy củi, săn thú rừng... Vào buổi tối cùng ngày, gia chủ sẽ mời họ hàng, anh em và bạn bè đến nhà cùng ăn bữa cơm đoàn kết để bày tỏ lòng cảm ơn với mọi người đã giúp sức hoàn thành buổi lễ cúng sức khỏe. Cuối cùng là trả lễ vật cho thầy mo vì đã cất công đường xa đến làm lễ cúng cho gia đình, việc trả lễ vật cho thầy mo ít hay nhiều là tùy theo điều kiện của gia chủ, vị thầy mo cũng vui vẻ nhận lễ mà không hề cảm thấy phật lòng.

Khi thầy mo làm lễ cúng sức khỏe, nhân vật chính phải mặc trang phục truyền thống, ngồi trước lễ vật. Khi đó thầy mo bắt đầu khấn, mời thần núi thần sông, tổ tiên, thần linh về chứng giám. “Đây là điều tốt đẹp, là nghĩa tốt lành, nay khấn để các thần linh khắp chốn cùng biết, lời khấn các thần cùng nghe, thần nước đã nghe, thần núi đã hiểu. Tôi khấn xin các thần phù hộ, lấy vợ cầu bình an, nuôi con mong thành đạt, không gặp tai ương. Bài khấn ngắn, dài, tùy thuộc vào trình độ của thầy mo thầy cúng. Các bài cúng, khấn của thầy mo phong phú và được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng. Cấp bậc thầy mo được phân biệt rõ ràng, trình độ sơ cấp là biết cúng gà, thứ cấp là biết cúng lợn, thầy mo giỏi nhất là biết cúng bò”, ông Lý Văn Dung, ở xóm Khau Chang, xã Hồng Trị là thầy mo người Lô Lô đen chia sẻ.

Những chiếc hộp được làm thủ công có ý nghĩa xua đuổi tà ma, khi treo ở trước bàn thờ sẽ được các vị thần linh phù hộ cho gia đình
Những chiếc hộp được làm thủ công có ý nghĩa xua đuổi tà ma, khi treo ở trước bàn thờ sẽ được các vị thần linh phù hộ cho gia đình

Anh Chi Văn Hái (39 tuổi) ở bản Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) là người dân tộc Lô Lô đen, đã từng làm lễ cúng sức khỏe cho những đứa con của mình cho biết: “Từ nhỏ tôi cũng được bố mẹ làm lễ cúng sức khỏe cho mỗi khi ốm đau bình thường, đau quá cũng phải đi bệnh viện. Lớn lên tôi cũng từng chứng kiến quá trình thầy mo làm lễ cúng sức khỏe vì được đi giúp anh em, họ hàng làm phụ bếp. Khi lập gia đình rồi sinh con, nhà tôi cũng đã mời thầy mo đến làm lễ cúng một vài lần vì trẻ con nó hay ốm đau lắm. Lúc làm lễ cúng gọi hồn, xua đuổi ma dữ cho con cái, chúng tôi cũng làm lễ cúng sức khỏe cho mọi thành viên trong gia đình để về sau được khỏe mạnh, không đau ốm bệnh tật cũng như gặp điều xui xẻo nữa. Khi làm lễ cúng sức khỏe cho cả gia đình thì chắc chắn thời gian kéo dài hơn, và vật lễ cúng cũng chuẩn bị nhiều hơn. Hiện giờ ở bản Khuổi Khon cũng không làm nhiều nữa, nếu có làm thì chỉ làm cho có lệ cho vui cửa vui nhà, tụ họp để gắn kết tình anh em họ hàng, giữ gìn bản sắc thôi, vì bây giờ đường cấp phối được mở rộng, đau ốm nhiều cũng phải đi xuống trạm xá, bệnh viện khám chứ không trông đợi hoàn toàn vào thầy mo được”.

Mỗi lần trong thôn xóm, bản làng có gia đình tổ chức cúng, cầu sức khỏe cho con cháu, anh em, ông bà trong nhà thì bà con lại lần lượt thay nhau đến cầu nguyện cho sức khoẻ của gia chủ. Hơn nữa, họ đem biếu tặng con gà, vò rượu, gạo nếp cho chủ nhà. Nếu như ngày xưa, lễ cúng, cầu sức khỏe của người Lô Lô đen kéo dài ba ngày thì nay được rút gọn chỉ còn tổ chức trong vòng một ngày. Tùy vào điều kiện hoàn cảnh kinh tế mà tổ chức lễ cúng sức khỏe linh đình hay đơn giản. Dù tổ chức làm lễ lớn hay nhỏ, trong tâm thức của người Lô Lô đen đều luôn muốn tỏ lòng thành kính tới các đấng thần linh và mong muốn các thần linh che chở phù hộ cho mọi người trong nhà. Đây không chỉ là dịp người Lô Lô đen cúng, cầu sức khỏe mà còn thể hiện tình đoàn kết giữa cha mẹ với con cháu, bà con trong dòng họ và trong thôn xóm.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.