Sẵn sàng chiến đấu với... rắn
Đó là ông Nguyễn Thế Quốc- biệt danh Quốc “rắn”, nổi tiếng khắp xã Tiên Sơn và mấy xã lân cận. Hôm chúng tôi hỏi chuyện về ông Quốc, hầu như người dân nào cũng biết và sẵn sàng dẫn đến nhà, nhưng gặp được ông hay không lại là một chuyện khác, bởi ông luôn “trên từng cây số” từ sáng đến chiều, thậm chí cả đêm để bắt rắn.
Chị Thoa, bán hàng ở chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên) kể: “Cả vùng này ai cũng quý mến anh Quốc. Anh ấy đã cứu sống không biết bao nhiêu người. Gọi điện đến bắt rắn anh còn chần chừ chứ bảo anh về cứu người thì dù có ở xa đến mấy, dù có chuẩn bị bắt được con rắn to cỡ nào anh cũng bỏ tất đấy mà về”.
Xác nhận chuyện này với ông Quốc, ông cười: “Vì theo nghề rắn nên tôi hiểu nếu bị rắn cắn, chỉ nhanh chậm 10 phút thôi là đã có thể cứu được tính mạng cả một con người nên dù nhiều khi bắt rắn xa nhà đến 25 cây số nhưng có điện thoại gọi có người bị rắn cắn ở nhà là cũng phải bỏ đấy mà về. Tuy nhiên cũng có những lần ở xa quá, sợ về không kịp, tôi khuyên người ta lên viện mà họ dứt khoát không đi. Thế là đành nhắn vợ con chuẩn bị hái lá, rửa sạch, xay sẵn để đấy, tôi về chỉ việc xử lý vết rắn cắn thôi”.
Rồi ông kể về một trường hợp mà ông rất nhớ, vì người phụ nữ ấy đến nhà ông nhưng không được một lời nhờ vả, chỉ cất giọng hỏi: “Anh xem giúp đây có phải rắn độc cắn không”? Nhìn vết thương ông đã đoán đây là vết cắn của loài đen trắng, một loài rắn cực độc. Nhẹ nhàng nói với người phụ nữ rằng đây là vết tích của một loài cực độc nhưng người này cứ nghi ngờ: “Sao lại có rắn độc ở đấy được nhỉ? Rõ ràng tôi thò tay vào hang cua mà, ở đấy chỉ có thể là con rắn nước thôi chứ”.
Không biết nói thế nào để người ta tin, ông Quốc bảo: “Chị cứ chờ một lúc nữa xem có nhức không. Nếu nhức thì đúng là con đen trắng cắn rồi. Nếu không tin tôi, tốt nhất chị bảo người nhà ra cái hang đấy đào, xem bắt được rắn gì là biết ngay mà”. Nghe ông Quốc nói vậy, người phụ nữ liền bảo với người em đi cùng ra đúng hang ấy đào xem là rắn gì. Người nhà cũng đi đào mà không để ý gì đến chuyện chữa rắn cắn. “Đến lúc bắt được con rắn thì cả nhà họ bủn rủn chân tay vì đúng là rắn đen trắng” – ông Quốc kể lại.
Chúng tôi hồi hộp như thể mình đang được chứng kiến câu chuyện nên giục ông kể tiếp câu chuyện. “Tôi bảo với nhà họ, bây giờ thì không thể cứu ngón tay của chị được nữa vì đã muộn rồi, chắc chắn ngón ấy sẽ bị chặt đứt hoặc nếu không sẽ bị khèo, không còn cử động được nữa. Tôi chỉ làm vài động tác sơ cứu để nọc độc không phát tán thêm, vì nếu không buộc chặt cánh tay lại, chỉ ít thời gian nữa là nọc độc sẽ lên đến não, phá tan hệ thần kinh thì khó cứu lắm. Rồi tôi giục người nhà họ phải đưa chị ấy lên Bệnh viện Bạch Mai ngay vì đã ở trong tình trạng nguy kịch, nếu để người ta ở nhà mình, nhỡ xảy ra chuyện gì thì mình sẽ mang tội với họ”.
Kể đến đây ông Quốc trầm giọng hẳn lại bảo: “Nếu họ đã tìm đến tôi thì họ phải tin tôi chứ, ai lại đến chỉ để hỏi mỗi câu như thế. Tính mạng của họ mà họ còn không để ý đến thì thôi, mình cứ đưa ra giải pháp an toàn cho cả hai bên. Nhưng họ đi viện được hơn 10 ngày lại gọi điện về cho tôi bảo đã hết rất nhiều tiền, đã nạo hết thịt ở chỗ vết cắn, nạo đến cả xương rồi nhưng vẫn không khỏi, các bác sĩ bảo nếu không cắt ngón tay ấy thì sẽ bị hoại tử cả bàn tay nên họ muốn quay về nhờ tôi can thiệp để có thể giữ lại ngón tay. Đây chưa phải là trường hợp khó nhất mà tôi đã chữa trị đâu, cô này mới chỉ đạt đến 6 phần khó trong 10 phần mà tôi đã từng chữa thôi”.
Nói xong ông quay qua cười thật tươi: “Nếu lấy tiền của những người chữa rắn cắn, chắc giờ tôi giàu lắm rồi đấy, không phải đi bắt rắn để mưu sinh nữa”. Chúng tôi hiểu, cực chẳng đã ông mới phải chọn cái nghề mà ranh giới sinh tử rất mong manh này.
Đi bắt rắn lúc 2h sáng...
Để bắt được rắn, hàng ngày ông Quốc phải rời khỏi nhà lúc 2h sáng, bất kể trời rét, mưa phùn.
Ông kể: “Người làng bên gọi điện nhờ tôi sang bắt rắn vì đàn gà của ông kêu tan tác. Ông ấy đoán có con rắn đến cắn gà nên ra xem. Ra đến chuồng thì thấy 2 con gà đã bị cắn chết nhưng không thấy rắn đâu. Tôi bảo ông ấy, rắn cắn gà chắc là con rắn nhỏ, bảo ông cứ bới tung chuồng gà lên rồi lấy cái cây sắt đè đầu nó mà đập chết, nhưng ông ấy cứ kêu nếu làm được thì đã không phải gọi điện đêm hôm thế này, thế là tôi vẫn phải dậy. Lục tục chuẩn bị quần áo, dụng cụ để đi, không quên mang theo cái đèn pin (treo trên trán để soi rắn – PV)”.
“Vợ tôi nói tôi ghê lắm, rằng đã đi lại khó khăn rồi lại còn ra đường vào lúc đêm hôm. Nhưng mình không đi cũng không được, nhà nông chỉ có vài con gà làm vốn, để rắn cắn hết thì họ lấy gì mà ăn. Tôi phải nói khó với vợ, cô ấy mới cho đi. Thoát được người vợ rồi, tôi lại nghĩ luôn đến tình huống để ứng phó với con rắn. Bởi thói thường, con rắn nhìn thấy ánh sáng sẽ bổ về phía ánh sáng, lúc ấy sẽ rất nguy hiểm cho người bắt nhưng nếu không có đèn pin thì sẽ không thể tìm được rắn vào lúc đêm hôm như vậy” – ông Quốc phân trần.
Phải rất khó khăn, ông Quốc mới tìm được con rắn ẩn mình trong những đụn rơm được rải ra cho gà nằm. Con rắn bé xíu, không đủ trọng lượng để mang đi bán, ông Quốc liền đập chết rồi bảo với chủ nhà mang đi để ngâm rượu. Nguyên tắc của ông Quốc là gửi cho người ta ít tiền (tùy vào trọng lượng của con rắn) rồi mới mang về mỗi khi có người gọi đến bắt.