Đại diện tổ công tác hiện trường cho biết, khảo sát cho thấy vật liệu sụt lở có lẫn đá nhiều kích cỡ và đá phong hóa mạnh dạng cát kết, sỏi sạn. Hiện các viên đá to đã chèn kín vòm hầm với khối lượng khoảng 150m3. Địa chất đỉnh hầm có dạng các tảng đá xếp chồng, đan xen nhau, tạo lỗ rỗng lớn.
Với nguyên tắc giữ ổn định phía trên và trong hầm, ngày 15/4 nhà thầu đã gia cố khối đất đá sụt trong hầm bằng cách cắm neo tạo ô để phun vữa xi măng cho đông kết phần đất đá rời rạc và tạo khung xương cứng. Phía đỉnh núi, tại vị trí sụt hầm, nhà thầu khoan thăm dò địa chất để bơm vữa xi măng, lấp đầy khoảng trống đã bị sụt, nhằm giữ ổn định khối đất đá.
Ngày 16/4, đơn vị thi công chuẩn bị thiết bị khoan neo, máy phun vữa áp lực cao, trạm trộn, neo... để khoan cắm neo vào miệng hố sụt và bơm vữa áp lực cao để tạo sự kết dính ổn định. Sau đó công nhân sẽ đào hót dần khối đất đá sụt trong hầm, đào đến đâu lắp khung chống đến đó. Sau khi lắp hết khung chống vào vị trí, nhà thầu sẽ phun vữa và làm bêtông vỏ hầm. Dự kiến ngày 22/4, các đơn vị sẽ hoàn thành xử lý để thông tàu Bắc - Nam.
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV TCty Đường sắt, hầm Bãi Gió bị sạt lở buộc ngành phải chuyển tải trung bình 10 đoàn tàu mỗi ngày. Đến tối 15/4, các đơn vị đã chuyển tải hơn 13.000 hành khách trên 38 đoàn tàu từ ga Tuy Hòa (Phú Yên) đến ga Giã (Khánh Hòa) và ngược lại.
77 đoàn tàu hàng đã bị ách tắc. Ngành Đường sắt phải thỏa thuận với chủ hàng để chuyển tải, hiện đã chuyển được 16 đoàn qua khu vực sự cố, ưu tiên hàng tươi sống, đông lạnh và hàng chuyển phát nhanh.
Hầm Bãi Gió dài hơn 400m, cao 5m, rộng 4m, dài khoảng 900m, thuộc xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Công trình đang được gia cố, cải tạo thuộc gói thầu số 11A, dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang. Trưa 12/4, trong khi nhà thầu phá dỡ bêtông vỏ hầm cũ thì xảy ra sụt lở vòm hầm, làm gián đoạn chạy tàu.