Mục tiêu đi xa hơn, khát vọng cháy bỏng hơn
Trong nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, Nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược, mang tính thời đại của Đảng đối với sự phát triển của Thủ đô, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII; đặt yêu cầu, nhiệm vụ cho Thủ đô cao hơn, mục tiêu đi xa hơn, khát vọng cháy bỏng hơn. Tiếp đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW, trong đó đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành hơn 400km đường sắt, còn TP Hồ Chí Minh hoàn thành hơn 200km.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội nhận định, mục tiêu, khát vọng như vậy đặt ra bài toán không đơn giản cho Hà Nội, mà để làm được cần tạo ra đột phá, khác thường, cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật. Thời gian qua, TP Hà Nội đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo ở các cấp, các ngành về các lĩnh vực của dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội sẽ phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), trước hết là sẽ ưu tiên cho đường sắt đô thị (ĐSĐT) vì ĐSĐT có nhiều ưu điểm như giảm ùn tắc giao thông, vận tải khối lượng lớn, giúp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm không khí và tốc độ di chuyển nhanh giúp tiết kiệm thời gian… để đưa vào Luật.
Tán thành với hướng đi này, TS. Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội khẳng định, TOD là mô hình phù hợp, là chiến lược then chốt để Hà Nội có thể phát triển ĐSĐT.
Thể chế hóa TOD để Hà Nội phát triển đường sắt đô thị
Thực tế cho thấy, một trong những vướng mắc lớn nhất cần giải quyết để thực hiện các dự án ĐSĐT là nguồn vốn lên đến hàng tỷ USD. Trong đó, theo tính toán, nếu xây dựng đủ 10 tuyến ĐSĐT theo quy hoạch, TP Hà Nội sẽ cần khoảng 37 tỷ USD (khoảng hơn 940.000 tỷ đồng).
Tại các diễn đàn, các chuyên gia chỉ ra rằng, giá trị tăng thêm từ đất đai gắn liền với ĐSĐT chính là nguồn lực tài chính lớn nhất và nguồn lực này có thể khai thác được thông qua áp dụng mô hình TOD. “Muốn thực hiện được Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, chúng ta phải có nhiều giải pháp tổng thể nhằm tăng quyền tự chủ bằng cơ chế đặc thù đối với các TP như được lựa chọn các tiêu chuẩn kỹ thuật, lựa chọn công nghệ; huy động nguồn lực từ đất đai qua mô hình TOD, qua đó có nguồn thu để đầu tư phát triển đô thị”, ông Phan Hữu Duy Quốc, thành viên Hội đồng tư vấn về phát triển ĐSĐT TP Hồ Chí Minh nhận định.
PGS.TS Doãn Minh Tâm, nghiên cứu viên cao cấp chuyên ngành giao thông cũng cho hay, thực tế, TOD đã và đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, đây vẫn còn là một mô hình mới mẻ tại nước ta. Do đó, để triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình này, cần tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách phù hợp. Trong đó, ông Doãn Minh Tâm đề nghị trước hết cần xác định rõ quan điểm ưu tiên các dự án gắn sử dụng đất với phát triển giao thông công cộng như hệ thống ĐSĐT.
Ông Nguyễn Cao Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án ĐSĐT Hà Nội khẳng định, với mục tiêu đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, quá trình thực hiện đầu tư nhằm hoàn chỉnh hệ thống ĐSĐT tại TP Hà Nội vào năm 2035 theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, việc xây dựng và thông qua các cơ chế, chính sách “vượt trội”, “đột phá” là yêu cầu vô cùng cấp thiết. Từ việc rà soát, đánh giá, nhận diện các khó khăn, vướng mắc chính ảnh hưởng đến tiến độ các dự án ĐSĐT tại TP Hà Nội thời gian qua, ông Nguyễn Cao Minh đưa ra một số đề xuất; trong đó, về quy hoạch các tuyến ĐSĐT và quy hoạch các khu vực xung quanh các nhà ga ĐSĐT, cần thể chế hóa khái niệm TOD trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật một cách đồng bộ nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để có cơ sở triển khai thực hiện.
Ông Sakaki Shigeyuki - đại diện Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, để xây dựng hệ thống TOD, cần bắt đầu từ việc định hướng chính sách và thiết lập thể chế. Cụ thể, phải có các quy định để xác định TOD là định hướng chính sách cơ bản; lựa chọn tuyến thí điểm, đồng thời cho phép các cơ chế đặc biệt cho TOD.
Phân quyền cho TP Hà Nội trong xây dựng, khai thác hệ thống ĐSĐT
Trên thực tế, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định rõ về khái niệm mô hình TOD. Dự thảo Luật nêu rõ, dự án ĐSĐT theo mô hình TOD là dự án đầu tư xây dựng một hoặc một số tuyến ĐSĐT kết hợp phát triển đô thị theo mô hình TOD.
Để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với mục tiêu và lộ trình phát triển hệ thống ĐSĐT của TP Hà Nội, dự thảo Luật tập trung phân quyền cho TP trong việc điều chỉnh chức năng sử dụng đất trong khu vực TOD, lựa chọn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến ĐSĐT và một số chính sách đặc thù trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành hệ thống ĐSĐT và các khu vực TOD. Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án, tăng quyền tự chủ cho địa phương, dự thảo Luật giao HĐND TP Hà Nội thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án ĐSĐT không phân biệt về nguồn vốn và tổng mức đầu tư.
Về nguyên tắc áp dụng pháp luật, dự thảo Luật nêu rõ, trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của QH về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao hoặc văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì áp dụng văn bản quy định chi tiết, văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô.
Đánh giá cao nội dung này, PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Thủ đô cần có những đột phá về khoa học công nghệ, về cơ chế tài chính, cơ chế cán bộ, cơ chế chỉ đạo thì mới phát triển được, bao gồm cả vấn đề phát triển ĐSĐT. “Vì vậy, việc thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và đặc biệt là Điều 4 là rất cần thiết và rất hiệu quả đối với Thủ đô; nếu không, Thủ đô lại vẫn “dậm chân tại chỗ”, không đạt được mong ước của Nhân dân và lãnh đạo Thủ đô cũng như của Nhân dân cả nước về một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Do đó, tôi kiến nghị QH sớm thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), sau đó căn cứ vào Điều 4 để có những quy định cụ thể hơn nhằm triển khai thực hiện, tạo đột phá cho Thủ đô”, bà Bùi Thị An nói.
Với những quy định như vậy, các ý kiến cho rằng Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được thông qua sẽ “mở rộng lối” để TP Hà Nội xây dựng hệ thống ĐSĐT và giải quyết bài toán khó về phát triển đô thị trong thời gian tới.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội: |
ĐSĐT sẽ tạo lập ra một diện mạo mới của Thủ đô. Hà Nội là đô thị lịch sử hơn 1.000 năm nên diện mạo mới này như thế nào, thể hiện được văn minh, hiện đại ở chỗ nào chính là thể hiện ở ĐSĐT. Việc xây dựng hệ thống ĐSĐT cũng là một yếu tố rất quan trọng nhằm khai thác, sử dụng quỹ đất có hiệu quả; góp phần bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là hệ thống di tích của Thủ đô. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đặt ra vấn đề thể chế hóa, trước hết là về vai trò của ĐSĐT, vai trò của TOD nhưng đó mới chỉ là cái khung, rất cần có nghiên cứu cụ thể, hướng dẫn, cần có nghị quyết riêng của HĐND để tạo điều kiện cho việc thực hiện.
Đặc biệt, với vai trò riêng, rất đặc biệt của Hà Nội, mô hình TOD phải có nghiên cứu kỹ, có những tiêu chuẩn riêng chứ không thể áp dụng máy móc như các nước được. Hà Nội phải sớm nghiên cứu để có một quy chuẩn riêng về TOD để bảo đảm đồng bộ các tiêu chí trong thực hiện.
TS Lê Duy Bình, Economica Vietnam: |
Ngoại trừ 2 tuyến đã và đang được xây dựng, đối với các tuyến ĐSĐT còn lại dự kiến sẽ được xây dựng, mô hình TOD như trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ giúp hình thành hàng chục khu vực TOD với diện tích lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ha đất và không gian ngầm, không gian trên cao có thể được đưa ra đấu giá. Đây là nguồn lực nội sinh rất lớn có thể chuyển hoá thành nguồn vốn để đầu tư trở lại trực tiếp cho việc hình thành hệ thống giao thông công cộng vô cùng thiết yếu nhằm xây dựng Thủ đô thành một đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp.