Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, Hội nghị nhằm tạo cầu nối giữa các chủ thể OCOP với hệ thống các doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất và các hệ thống thương mại. Qua đó, các chủ thể OCOP nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, cải tiến sản phẩm nhằm tăng năng lực tiếp cận thị trường... Cùng với đó, các hoạt động chia sẻ, kết nối giữa các bên sẽ góp phần hỗ trợ tích cực cho các chủ thể OCOP tỉnh Cà Mau, ĐBSCL các địa phương khác trên toàn quốc tìm được cơ hội hợp tác, xây dựng kênh liên kết, tiêu thụ ổn định thông qua các hệ thống siêu thị và các nhà phân phối, thương mại.
“Các chủ thể OCOP của tỉnh Cà Mau nói riêng và các tỉnh, thành trên cả nước nói chung hầu hết là các hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp tương đối nhỏ, nên năng lực tiếp cận thị trường còn nhiều khó khăn, khả năng nắm bắt, thích ứng để linh hoạt thay đổi theo xu hướng, thị hiếu còn hạn chế,...” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ.
Theo đó, qua 4 năm từ khi tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay tỉnh có 145 sản phẩm được công nhận OCOP (32 sản phẩm 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao). Hiện nay, có 42 sản phẩm OCOP đã đưa vào các hệ thống siêu thị; liên kết với các đại lý phát triển thị trường ngoài tỉnh; kết nối trên sàn giao dịch thương mại điện tử như: Viettel (voso.vn), (Postmart) và các kênh khác Lazada mall, Amazon, Alibaba;... đặc biệt 100% các sản phẩm OCOP Cà Mau đều được đưa lên trang sàn thương mại điện tử của tỉnh madeincamau.com.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nêu rõ:“Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL là một sự kiện lớn của vùng, có ý nghĩa quan trọng gắn với mục tiêu hình thành không gian kết nối, giao lưu, chia sẻ và hợp tác trong sản xuất, quảng bá và thương mại sản phẩm OCOP của vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, còn là không gian để người tiêu dùng, các doanh nghiệp phân phối có thể tiếp cận, trải nghiệm và giao thương sản phẩm OCOP…”.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, chúng ta cần trao đổi, chia sẻ cởi mở, thẳng thắn, xác định đây là cơ hội để các chủ thể OCOP thấy được mình đã có gì, thiếu gì và cần làm gì để tham gia tốt hơn, hiệu quả hơn vào các hệ thống phân phối; Các đơn vị thương mại cần thấy được tiềm năng, lợi thế, đồng thời cũng hiểu được những khó khăn của các chủ thể, từ đó có thể có những chính sách phù hợp để hỗ trợ và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Đến nay, tại khu vực ĐBSCL, đã có 2.046 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (chiếm 18,8% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước), với 922 chủ thể OCOP, trong đó: 28,5% là doanh nghiệp, 18,9% là HTX và 52,4% là các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các địa phương vùng ĐBSCL đã có hướng tiếp cận phù hợp khi tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, gắn với lợi thế của các vùng nguyên liệu tập trung tại chỗ, như: Trái cây, thủy sản, lúa gạo,... để phát triển các sản phẩm đặc sắc, mang sắc thái riêng của vùng sông nước.