Tiến sĩ Trần Hữu Minh |
Thưa ông, hiện nay có những quy định nào về giám sát, quản lý xe thô sơ, chở hàng hóa?
- Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định: “Khi tham gia giao thông, xe thô sơ phải bảo đảm điều kiện an toàn giao thông đường bộ. 2. UBND cấp tỉnh quy định cụ thể điều kiện, phạm vi hoạt động của xe thô sơ tại địa phương mình”.
Chính phủ có Nghị quyết số: 05/2008/NQ-CP giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành các quy định về điều kiện an toàn, đăng ký, cấp biển số các loại xe thô sơ trên địa bàn địa phương.
Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 08/2009/TT-BGTVT ngày 23 tháng 6 năm 2009 hướng dẫn sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa. Sau đó vào năm 2014 Bộ GTVT tiếp tục ban hành Thông tư (TT) số 46/2014/TT-BGTVT ngày 06 tháng 10 năm 2014 về sửa đổi bổ sung một số điều của TT 08/2009/TT-BGTVT; TT 07/2010/TT-BGTVT về việc giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ.
Trên cơ sở các văn bản này, từng địa phương xây dựng và ban hành quy định cụ thể chi tiết về điều kiện an toàn, thời gian, phạm vi hoạt động của xe thô sơ trên địa bàn tỉnh. Về chế tài xử phạt, Nghị định 46 của Chính phủ trong điều 9 đã quy định cụ thể các mức phạt với hành vi vi phạm của xe thô sơ trong vận chuyển hàng hóa và hành khách. Có thể thấy về mặt hệ thống quy định pháp luật đã được hình thành đầy đủ, mặc dù các quy định cụ thể các địa phương có thể khác nhau.
Có ý kiến cho rằng, thực tế là luật đã chấp nhận cho người sử dụng xe thô sơ xếp hàng hóa trên xe với một số điều kiện nhất định. Tuy nhiên, những điều kiện nói trên là chưa đủ chi tiết để đảm bảo an toàn, cũng không cho thấy một sự linh động với bản chất của hàng hóa và những rủi ro thực tế?
- Tôi cho rằng chỉ cần làm đúng như quy định thì chắc chắn hoạt động vận tải hàng hóa đã an toàn hơn rất nhiều. Nhiều trường hợp xe chở sắt thép, tôn có chiều dài vượt ra phía trước và phía sau có thể từ 2-3m, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn, gây mất an toàn giao thông. Nếu linh động hơn nữa với bản chất hàng hóa thì có thể trở nên không an toàn, bởi vậy khi hàng hóa dài hơn, to hơn thì chủ hàng phải tìm một phương thức vận tải khác (xe ô tô tải) hoặc cắt nhỏ, cắt ngắn ngay tại đầu vận chuyển trước khi xếp lên xe để đảm bảo an toàn.
Hai vụ tai nạn thương tâm do xe thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh gây ra trong những ngày gần đây cho thấy thực trạng xe thô sơ hoạt động trên các đường phố tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Luật đã quy định rõ, chế tài xử phạt vận chuyển hàng hóa cồng kềnh đã có. Vậy, phải chăng lâu nay các lực lượng chức năng buông lỏng quản lý?
Theo tôi trong thời gian vừa qua có sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, bởi vậy trong thời gian tới trên phạm vi toàn quốc cần có sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, đặc biệt là việc rà soát lại các quy định và cập nhật nếu cần, siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra xử lý các vi phạm nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.
Trong các loại xe thô sơ vận hành trên phố có xe thương binh – một trong những loại xe đã được chấp thuận, nhằm tạo điều kiện cho các cựu chiến binh có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, những chiếc xe đó liệu có đảm bảo tiêu chuẩn, an toàn kỹ thuật để chuyên chở hàng hóa không?
- Bất cứ ai tham gia giao thông (dù là thương binh hay không), kinh doanh vận tải dù cơ giới hay thô sơ đều phải đảm bảo an toàn cho xã hội, trong đó có những người xung quanh và chính bản thân người lái. Hiện nay kết quả phân tích nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn giao thông (TNGT) gần đây cho thấy tỷ lệ do phương tiện chiếm một tỷ trọng thấp (khoảng 3%), nguyên nhân phần lớn vẫn là ý thức, thái độ và hành vi khi tham gia giao thông không đúng. Bởi vậy giải pháp trọng tâm vẫn là siết chặt quản lý, kiểm tra xử lý vi phạm để điều tiết điều chỉnh hành vi vốn là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới các vụ TNGT hiện nay.
Tôi cần nhấn mạnh rằng việc rà soát đánh giá an toàn kỹ thuật phương tiện là chức năng nhiệm vụ thường kỳ của các cơ quan chức năng có liên quan. Hai vụ TNGT gần đây mặc dù không trực tiếp liên quan tới kỹ thuật phương tiện, nhưng vẫn đòi hỏi chúng ta có sự xem xét, rà soát chặt chẽ về phương tiện để nếu thấy bất cập cần ban hành văn bản quản lý cho phù hợp. Tính mạng con người là trên hết, nên dù là phương tiện nào, ai vận hành nếu thấy tiềm ẩn rủi ro thì đều phải kiểm tra phân tích để điều chỉnh cho an toàn hơn (nếu thấy cần thiết).
Thời gian sắp tới, Uỷ ban ATGT quốc gia có kế hoạch, giải pháp nào để giải quyết vấn đề xe thô sơ, chở hàng hóa cồng kềnh không?
- Trong Công điện mới nhất của Ủy ban vào ngày 24/9/2016, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã yêu cầu toàn bộ 63 địa phương cần rà soát quy định quản lý xe thô sơ trên địa bàn nếu thấy cần thiết cần sửa đổi bổ sung ngay, tăng cường siết chặt quản lý hoạt động vận tải thô sơ, đồng thời tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý các vi phạm, đồng thời để chống hiện tượng “đánh trống bỏ dùi” Phó Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương đưa vào nội dung quản lý xe thô sơ vào báo cáo ATGT thường kỳ của địa phương. Hầu hết những người sử dụng xe thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh đều nhận thức được sự mất an toàn khi tham gia giao thông nhưng vì mưu sinh họ cố tình vi phạm pháp luật.
Vậy, phải chăng để giải quyết vấn đề triệt để hơn, cần phải tìm một lối mở cho những người đang sử dụng xe thô sơ làm “cần câu cơm”?
- Không thể chấp nhận việc lấy lý do mưu sinh để bao biện cho việc vận chuyển hàng hóa không an toàn, đe dọa tính mạng của những người vô tội. Đã vận chuyển, tham gia giao thông là phải đảm bảo an toàn, đây là quy định pháp luật, trách nhiệm pháp lý của người kinh doanh vận tải và cũng vừa là trách nhiệm xã hội và lương tâm của từng người. Cùng với việc siết chặt quản lý tôi cho rằng kể cả cấp quản lý trung ương và địa phương cần thực sự vào cuộc trong việc hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, chuyển đổi nghề nghiệp để ngày càng giảm các hoạt động vận tải bằng xe thô sơ trong xã hội, tiến tới một môi trường giao thông ngày càng an toàn hơn.
Xin cảm ơn ông!