Cuộc đời kỳ lạ cuả Hòa thượng Thích Quảng Đức
Ngày 11/6/1963 đã đi vào lịch sử Phật giáo Việt Nam bằng sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt (nay là giao lộ Cách Mạng Tháng 8 - Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh) để phản đối chính sách hà khắc tôn giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa của Ngô Đình Diệm.
Hòa thượng Thích Quảng Đức có thế danh là Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897 tại làng Hội Ninh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Năm 7 tuổi ông xuất gia học đạo với Hòa thượng Thích Hoằng Thâm. Năm 15 tuổi ông thọ Sa Di và 20 tuổi thọ Tỳ Kheo. Sau khi thọ giới, ông bắt đầu tu năm năm khổ hạnh tại núi Ninh Hòa rồi hành hạnh đầu đà, du hóa khắp nơi, mãi sau mới về an trú tại chùa Thiên Ân thị trấn Ninh Hòa.
Hòa thượng Thích Quảng Đức được các Phật tử tôn vinh là Bồ Tát |
Năm 1932, khi vừa tròn 35 tuổi đời và 28 tuổi đạo, ông được Chi Hội Ninh Hòa của Hội An Nam Phật Học mời làm Chứng minh Đạo sư. Từ đó Ngài đi hành hóa khắp các tỉnh miền Nam Trung Việt, đã góp công kiến tạo và trùng tu được 14 ngôi chùa rải rác khắp miền.
Theo các tư liệu, năm 1943, Ngài rời miền Trung vào Nam hành hóa tại các tỉnh Sài Gòn, Gia Định, Bà Rịa, Long Khánh, Định Tường và Hà Tiên. Trong thời gian này, Ngài có lên Nam Vang thuộc Cambodia hành đạo ba năm và nghiên cứu, học hỏi về kinh điển Pali. Năm 1953, Ngài được Giáo Hội Tăng Già Nam Việt mời làm Trưởng Ban Nghi Lễ và Hội Phật học Nam Việt mời Ngài làm trú trì chùa Phước Hòa, trụ sở của Hội tại Sài Gòn.
Trong thời gian này Ngài đã góp công trùng tu và tạo lập được 17 ngôi chùa. Ngôi chùa mà Ngài thường trú lâu nhất là chùa Long Vĩnh tại quận Phú Nhuận, Gia Định, cho nên Phật tử Miền Nam thường gọi ngài là Hòa Thượng Long Vĩnh. Chùa cuối cùng mà Ngài trú trì trước khi tự thiêu là chùa Quán Thế Âm, số 68 đường Nguyễn Huệ, quận Phú Nhuận, tỉnh Gia Định. Đường Nguyễn Huệ nay đổi là đường Thích Quảng Đức.
Huyền thoại trái tim bất tử
Trở lại thời điểm giữa năm 1963 tại miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm không chỉ trả thù lực lượng cách mạng mà còn áp đặt hàng loạt chính sách tàn bạo đối với những người theo Phật giáo. Thực trạng này làm bùng lên phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 - là một phong trào dân sự có quy mô rộng lớn. Tuy mang màu sắc tôn giáo, nhưng thực ra đây là sự vùng lên của các tầng lớp nhân dân miền Nam Việt Nam không chỉ vì ủng hộ Phật giáo mà còn vì ý thức chống chế độ độc tài, phi dân chủ của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu trưa 11/6/1963 để phản đối chính sách tôn giáo độc tài của chính quyền Ngô Đình Diệm được coi như giọt nước tràn ly của phong trào Phật giáo miền Nam lúc bấy giờ.
Kỳ diệu "xá lợi trái tim" của Hòa thượng Thích Quảng Đức |
Theo tài liệu nhà Phật ghi lại, trưa 11/6/1963, một chiếc xe hơi đưa Hòa thượng Thích Quảng Đức tới ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt, trước tòa Đại sứ Cao Miên (Campuchia) thì dừng lại. Hòa thượng Thích Quảng Đức khoan thai bước xuống xe, chắp tay xá bốn phương, rồi tĩnh tại ngồi kiết già trên đường, mặt quay về hướng tây, miệng lâm râm niệm Phật.
Khi bàn tay hòa thượng Thích Quảng Đức vừa thả que diêm xuống, ngọn lửa bùng lên rừng rực như bó đuốc khổng lồ bao quanh người nhưng người vẫn tĩnh tại ngồi kiết già, tay chắp trước ngực, gương mặt không lộ chút nét đau đớn. Xung quanh ngài là hàng ngàn càng vị tăng ni, phật tử, có cả những cảnh sát chế độ cộng hòa cũng quỳ rạp xuống khóc ngất trước hành động dũng cảm, phi thường của Ngài.
Một số nhà báo nước ngoài có mặt tại hiện trường đã chụp được bức ảnh lịch sử ghi lại thời khắc Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Tấm ảnh sau đó đã được truyền đi khắp thế giới và gây nên sự chú ý đặc biệt tới chính sách của chế độ Ngô Đình Diệm. Tác giả tấm ảnh - Phóng viên Malcolm Browne đã giành Giải thưởng Ảnh báo chí thế giới năm 1963 nhờ một bức hình chụp cảnh Thích Quảng Đức tự thiêu. Nhà báo David Halberstam, một người sau được trao giải Pulitzer, cũng đã có bản tường thuật sự kiện Hòa thượng tự thiêu giữa ngã tư đường phố Sài Gòn năm 1963.
Việt Nam quốc tự - nơi lưu giữ trái tim bất tử của Hòa thượng Thích Quảng Đức |
Hành động tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức được coi như một bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng Phật giáo Việt Nam, làm tăng sức ép của quốc tế đối với chính quyền Ngô Đình Diệm, dẫn tới việc tổng thống Diệm phải tuyên bố đưa ra một số cải cách nhằm xoa dịu giới Phật tử.
Sau khi hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, thi thể của Ngài được đưa về quàn tại chùa Xá Lợi. Đến ngày 20/6/1963, Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo và nhiều tăng, ni, phật tử đưa thi thể ông đi hỏa táng tại An dưỡng địa Phú Lâm.
Truyền rằng, sau nhiều giờ hỏa thiêu, dù kim quan và thân thể ông đã hóa thành tro nhưng trái tim vẫn còn. Nhưng điều kỳ diệu hơn cả là trái tim của Ngài không hề bị thiêu cháy. Trái tim sau đó được đưa vào thiêu lần nữa trong nhiều giờ nhưng sau khi ngọn lửa tắt, trái tim vẫn còn mềm, nóng, rồi mới nguội dần và cứng lại, biến thành một viên xá lợi lớn, màu nâu thẫm.
Vì lo sợ “trái tim bất diệt” của Hòa thượng Thích Quảng Đức bị chính quyền Ngô Đình Diệm cướp đi, tiêu hủy nên Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo thời bấy giờ quyết định bỏ vào một tháp đồng cao khoảng 0,5 m, rộng 0,3 m, rồi gửi vào kho cất giữ ở ngân hàng Pháp Quốc tại Sài Gòn khi đó.
“Trái tim bất diệt” của Hòa thượng Thích Quảng Đức cũng là một trường hợp có thật về sự tồn tại của xá lợi là một bộ phận trên thân thể các vị chân tu. Đây cũng là một sự huyền linh mà khoa học đến nay chưa giải thích được. Phải chăng vì sự bí ẩn, linh thiêng đó mà các Phật tử tôn vinh hòa thượng Quảng Đức là một vị Bồ Tát. Sau đó, “trái tim bất tử” của Bồ Tát Thích Quảng Đức được thỉnh về chùa Xá Lợi rồi mang sang chùa Việt Nam Quốc tự để bảo vệ, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.