Lý giải về 5 giấc mơ lớn
Thái tử Tất – Đạt – Đa (thân phận của đức Phật trước khi Thành Đạo) sau 6 năm tu hàn cùng với những người bạn đồng tu nhưng không có kết quả, người sau đó đã từ bỏ lối tu hành khổ hạnh và trở lại ăn uống bình thường. Khi thấy đức Phật không còn theo lối tu hành cũ, những người bạn đồng tu đã từ bỏ và đi đến vườn Lộc Uyển.
Về phần mình, Ngài đã ở lại tu tập thiền định trong khu rừng thanh vắng. Sau đó 15 ngày, người nằm mơ thấy 5 giấc mơ lớn vào lúc trời gần sáng. Năm giấc mơ lớn này đã được chính đức Phật kể lại và lý giải sau khi ngài thành đạo.
Trong giấc mơ đầu tiên, Ngài mơ thấy mình bỗng hóa khổng lồ và đang nằm ngủ trên bề mặt trái đất. Đầu của Ngài gối trên đỉnh núi Himalaya, tay trái đặt ở biển đông, tay mặt đặt ở biển tây, hai chân ở biển phía nam. Giấc mơ này nói lên rằng đức Phật sẽ chứng thành bậc Chính Đẳng Chính Giác và là bậc thầy của trời, người.
Giấc mơ thứ hai, người mơ thấy một ngọn cỏ Tiriya màu đỏ mọc lên từ rốn của Ngài. Nó cao dần, chọc đến trời và dừng ở đó. Đây là điềm báo cho việc Ngài tìm thấy nẻo giải thoát qua Bát Chính Đạo và đem giáo hoá khắp nhân thiên muôn cõi.
Ở giấc mơ thứ ba, đức Phật mơ thấy từ bốn hướng bay đến bốn loại chim, màu xanh, màu đỏ, màu xám và màu vàng. Khi bay lại đậu trên chân của Bồ Tát, tất cả chúng đều chuyển thành màu trắng. Linh kiến này báo rằng bốn giai cấp vua chúa, tăng sĩ, thương gia và dân thường đều quy phục giáo pháp của Ngài, xuất gia và chứng quả.
Tiếp đó, giấc mơ thứ tư Ngài mơ thấy những con giun màu trắng bò lên chân mình và phủ kín đầu gối. Đây là điềm báo về sự xuất hiện đông đảo các cư sĩ áo trắng quy phục Ngài.
Ở giấc mơ cuối cùng, người mơ thấy mình đang trên một ngọn núi lớn đầy chất nhơ uế nhưng hai chân Ngài tuyệt không bị vấy bẩn mảy may. Đây là điềm báo về việc Ngài sẽ nhận được sự kính nể, cúng dường khắp nhân thiên với một lòng vô nhiễm.
Khi đức Phật thức giấc, Ngài ngồi kiết già và suy nghĩ: “Khi còn ở hoàng cung, ta có mơ thấy năm linh kiến như vậy không? Ta có thể hỏi phụ hoàng và mẫu hậu của ta nếu người còn sống. Nhưng bây giờ, ở rừng Uruvela này, chỉ có mình ta, không có ai lý giải những điềm chiêm bao này cho ta. Ta sẽ tự mình lý giải những giấc chiêm bao của ta vậy”.
Sau đó, Ngài đã tự lý giải những linh kiến như trên. Khi trời sáng, Ngài đi xuống dòng sông Ni Liên Thiền tắm gội sạch sẽ, đến ngồi dưới gốc cây Bồ đề mặt quay về hướng đông, thiền định 49 ngày và thành Phật.
Những giấc mơ liệu có thành sự thật?
Từ ngàn xưa, kể cả từ thời Cổ Đại, con người vẫn cố tìm cách giải đáp những điều bí ẩn, khó hiểu của giấc mơ. Trước đây có thể kể đến Sigmund Freud, một bác sĩ về thần kinh và là nhà tâm lý học người Áo. Ông là người đặt nền móng và phát triển học thuyết phân tâm học. Ông đã cho rằng giấc mơ phản ánh những ham muốn bị ức chế trong chúng ta.
Những bí ẩn về “điềm báo trong giấc mơ” vẫn chưa được khoa học hiện đại khám phá. |
Ở thời điểm hiện tại, các nhà nghiên cứu thấy rằng giấc mơ không chỉ phản ánh những ước muốn, mà cả cả những nỗi lo sợ, nỗi thất vọng. Giấc mơ không chỉ gợi lên những kỷ niệm, mà cả những dự đoán để ta chuẩn bị cho những tình huống tốt đẹp hoặc đáng sợ. Nói cách khác, giấc mơ thường mang tính dự báo.
Hàng đêm mỗi người đều trải qua nhiều giấc mơ dù nhớ hay không. Các nhà khoa học cho rằng, mỗi người có thể có từ 4 đến 7 giấc mơ mỗi đêm. Nếu một người sống đến 70 tuổi sẽ có 150.000 giấc mơ trong cả cuộc đời. Với hàng trăm tỷ người từng sống trên trái đất, tổng các giấc mơ của loài người đạt tới con số 15 triệu tỷ. Trong giấc mơ, chúng ta có thể tiến hành những chuyến du lịch xa xôi hay thấy mình trong những năm thơ ấu, những năm thời sinh viên, những năm chiến tranh…
Nói đến vấn đề này nhiều người thường nhắc tới “điềm báo trong giấc mơ”, đây là một trong những thách thức lớn nhất với khoa học với nhiệm vụ giải mã bộ não người từ những giấc mơ. Tại sao lại cần đi tìm lời giải? Bởi những giấc mơ của chúng ta có thể vượt trước cả không gian và thời gian? Câu chuyện về giấc mơ của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln năm 1865 là một ví dụ điển hình cho điều đó.
Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln kể cho bạn bè về một giấc mơ mà trong đó, ông nghe thấy những tiếng động của đám tang từ căn phòng phía Tây trong Nhà trắng. Trong đó có một cái xác quấn vải niệm, với nhiều lính gác đứng xung quanh. Vì khuôn mặt cũng bị che kín nên khi được ông hỏi, một lính gác trả lời “Tổng thống”. Lincoln bị ám ảnh vì giấc mơ và một tuần sau ông bị ám sát.
Tobie Nathan, giáo sư tâm lý học lâm sàng, Đại Học Paris 8, Trả lời RFI Pháp ngữ, giáo sư Tobie Nathan cho rằng giấc mơ nào cũng mang tính dự báo cho ngày hôm sau: “Những người nghiên cứu về giấc mơ nghĩ rằng giấc mơ là một hình thức chuẩn bị tinh thần của chúng ta cho ngày hôm sau. Giấc mơ cố giải đáp những câu hỏi mà chúng ta đặt ra, nó giống như là những dự báo, vì chúng ta cố dự đoán xem những gì có thể sẽ xảy ra với mình.
Như vậy, tất cả các giấc mơ đều phần nào mang tính chất báo hiệu. “Kịch bản bình thường mà một giấc mơ nêu lên là: nếu trong cuộc sống thực của ta, chuyện đó xảy ra thì nó sẽ như thế nào?
Tôi đã nghe kể nhiều giấc mơ và trong đó có một số giấc mơ rất kỳ lạ, nhưng không thể kiểm chứng được. Chẳng hạn có một phụ nữ kể với tôi rằng, trong suốt nhiều năm trời bà thường nằm mơ thấy một con đường. Bà đi trên con đường ấy, rồi dừng lại trước một ngôi nhà và nhìn căn nhà ấy. Bà cứ mơ như thế trong suốt 10 năm trời. Sau mười năm, bà ấy dọn nhà đi và nhà mới của bà lại chính là căn nhà nằm trên con đường mà bà đã mơ! Thật tình thì tôi chẳng biết giải thích như thế nào.
Những giấc mơ là một điều đặc biệt của bộ não con người. |
Dầu sao, những câu chuyện giống như trên chứng minh một điều rằng: giấc mơ là nhằm chuẩn bị cho tương lai, chuẩn bị về mặt tinh thần cho chúng ta đối phó với những gì có thể xảy ra ngày hôm sau”. Khoa học nghiên cứu về giấc mơ chỉ được coi như một bộ môn độc lập vào những năm 60 của thế kỷ 20, nhưng khoa học này phát triển khá nhanh.
Hiện nay, chỉ riêng ở Mỹ đã có hơn 600 trung tâm nghiên cứu giấc mơ. Tại Nga có 25 trung tâm tương tự. Các nhà khoa học hy vọng, nếu khám phá được những bí ẩn của giấc mơ thì có thể sẽ giúp cho ngành Y học chẩn đoán được bệnh tật sớm.
Bởi họ tin rằng, những giấc mơ là điềm báo tình trạng sức khỏe của chúng ta. Giấc mơ có thể sử dụng để chẩn đoán tình trạng bệnh tật đã được Aristote (là một nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại, học trò của Platon và thầy dạy của Alexandros Đại đế, 384 - 322 TCN) đề cập đến. Ông khẳng định, trong giấc mơ con người có thể sẽ nhận tín hiệu về bệnh tật chớm có, thậm chí còn chữa lành khỏi bệnh tật.
Các nhà chuyên môn ngày nay phần lớn đồng tình với luận thuyết này. Bà Elena Korabelnikova - Phó Tiến sĩ Y học của Viện Hàn lâm Y học Moscow, Nga cho rằng: “Nếu như con người nhìn thấy trong giấc mơ là anh ta đau ốm, thì điều này là tín hiệu rất nghiêm túc báo rằng trong cơ thể của anh ta đã xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của bệnh tật mà các chẩn đoán thông thường chưa thể xác định được. Rất có thể vào buổi sáng hôm sau anh ta sẽ bị ốm”.
Sau khi mơ thấy một chuyện gì đó, nhất là những chuyện kỳ lạ, chuyện kinh khủng, ta thường nhờ đến người khác để giải mộng. Tùy theo nền văn hóa, chủng tộc, cảm nhận về giấc mơ cũng khác nhau. Có thể là cùng mơ thấy nước lụt, nhưng người thổ dân ở Úc hay người Esquimau dĩ nhiên là không mơ giống nhau, cũng như sẽ không có cùng cách diễn giải nội dung giấc mơ.