Hàng loạt sai phạm
Hàng loạt sai phạm trong quản lý tài chính tại Trường Mầm non Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) đã được ông Đỗ Văn Phượng (trú tại xã Hồng Vân) đề nghị làm rõ, trong đó có trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Ngọc Băng - Hiệu trưởng, như: Đầu năm 2014, Trường Mầm non Hồng Vân chuyển thành trường công lập, bà Băng đã tự ý làm giả giấy tờ hoá đơn hợp đồng bảo vệ. Điều lạ là, người ký trong bản hợp đồng có tên Nguyễn Văn Minh (công dân thôn Trà Phương, xã Hồng Vân) lại không hề có tên trong xã này.
Được biết, ông Đỗ Văn Phượng làm bảo vệ của trường, được xã chi trả phụ cấp 300 nghìn đồng/tháng. Nhưng trong một bản hợp đồng thuê bảo vệ của Trường Mầm non Hồng Vân với người tên Minh kia (mà ông Phượng vô tình có được) lại thể hiện chế độ tiền công lên đến 1 triệu 150 nghìn đồng/tháng, do Trường Mầm non Hồng Vân chi trả hàng tháng. Tuy nhiên, bà Băng lại chối nhà trường không ký hợp đồng bảo vệ với ông Nguyễn Văn Minh?
Ngoài ra, bà Băng còn bị tố ăn chặn tiền trợ cấp thai sản của giáo viên khi nhà trường đã nhận đầy đủ số tiền thai sản theo chế độ của 5 giáo viên với tổng số tiền hơn 43 triệu đồng. Không những thế, bà Băng còn dùng tiền nhà trường mua bàn ghế văn phòng nhà trường mang về sử dụng trong gia đình bà, rồi chuyển bộ bàn ghế cũ của gia đình để sử dụng trong văn phòng nhà trường…
Sau khi có đơn tố cáo của ông Phượng, ngày 21/12/2015 Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Ân Thi đã có Kết luận xác minh số 552/TB-PGD&ĐT với nội dung: Từ tháng 1/2015 đến nay, UBND xã Hồng Vân và Trường Mầm non Hồng Vân không ký hợp đồng bảo vệ với cá nhân ông Phượng. Năm 2014, Trường Mầm non có ký hợp đồng bảo vệ với ông Nguyễn Văn Trường (khu Tân Viên và khu Đan Tràng) và chi trả công 1.150.000đ/tháng. Ông Trường có xác nhận làm bảo vệ và có nhận tiền công năm 2014. Trong hồ sơ (sổ quỹ tiền mặt) quyết toán học phí kỳ II năm học 2013-2014, nhà trường có hợp thức hoá chứng từ chi công bảo vệ là hơn 10 triệu đồng trong 9 tháng. Số tiền trên không nộp về tài khoản kho bạc mà chỉ được ghi thu, ghi chi tại đơn vị, kèm theo hệ thống chứng từ quyết toán thu, chi. Đoàn không có hồ sơ, chứng từ liên quan đến ông Minh làm bảo vệ như đơn tố cáo.
Về nội dung này, ông Phượng cho rằng trước đó UBND xã Hồng Vân xác nhận công tác trông coi trường mầm non cho ông từ tháng 7/2011-8/2015. Khi chuyển đồ đạc, bà Băng vẫn gọi ông sang giúp việc, trông coi bình thường. Như vậy, kết quả xác minh của Phòng GD&ĐT huyện Ân Thi là chưa khách quan, có dấu hiệu bao che. “Đến nay, vẫn chưa có cơ quan nào xác minh được ông Minh là ai, kết quả xác minh không hề nói tới…”, ông Phượng cho biết.
Theo kết quả xác minh về nội dung ăn chặn tiền trợ cấp thai sản của giáo viên: Căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy nhà trường đã nhận đủ số tiền thai sản theo chế độ của 05 giáo viên từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện, với tổng số tiền hơn 43.888.000đ, trong đó giáo viên Nguyễn Thị Lanh bị thiếu hơn 1,4 triệu đồng. Do đó, đoàn xác minh đã yêu cầu Hiệu trưởng giải quyết, nhưng cũng phải đến ngày 9/12/2015 bà Lanh mới nhận đủ số tiền còn thiếu.
Phản ánh với phóng viên, bà Lanh cho hay: “5 giáo viên được nhận chế độ thai sản thì trong đó có 4 giáo viên là người nhà bà Băng. Tôi e rằng 4 giáo viên này chưa chắc đã được nhận đủ số tiền. Có khi nào đây chỉ là công văn “vuốt mặt” các cấp lãnh đạo chính quyền?”.
Kiểm điểm trách nhiệm và xem xét luân chuyển Hiệu trưởng
Những sự việc liên quan tới bà Băng, Phòng GD&ĐT huyện Ân Thi kiến nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Ân Thi chỉ đạo Đảng ủy xã Hồng Vân xem xét kiểm điểm trách nhiệm đối với đảng viên thuộc Chi bộ Trường Mầm non Hồng Vân có vi phạm theo quy định của Điều lệ Đảng; kiểm điểm trách nhiệm của Hiệu trưởng trong quản lý, chỉ đạo đơn vị, còn để các tồn tại như chưa báo cáo và xin ý kiến lãnh đạo xã kịp thời khi có sự thay đổi về người làm bảo vệ nhà trường; chưa chỉ đạo thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên kịp thời, đầy đủ khi có kiến nghị của người có liên quan; trong hợp đồng mua sắm của nhà trường với chủ hàng, không thể hiện rõ kích thước, kiểu dáng, mẫu mã… của bộ bàn ghế cần mua; xem xét luân chuyển, điều động đến đơn vị khác.
Đề nghị UBND huyện Ân Thi kiểm điểm trách nhiệm của kế toán trong thực hiện nhiệm vụ kế toán tại đơn vị, còn để tồn tại trong công tác tham mưu chưa đảm bảo đúng quy định về ngân sách, về mua sắm tài sản…; thực hiện nguyên tắc bảo mật hồ sơ, chứng từ kế toán chưa theo đúng quy định.
Tuy nhiên, trong vụ việc này không thể không nói tới trách nhiệm của cơ quan quản lý khi đã thể hiện sự buông lỏng, thiếu kiểm tra giám sát dẫn đến mâu thuẫn trong nội bộ kéo dài dù nhiều việc làm của bà Băng đã vấp phải sự phản đối của tập thể giáo viên từ khi về trường…
Được biết, không đồng ý với kết quả xác minh về một số nội dung kết luận của Phòng GD&ĐT Ân Thi, một số người tiếp tục có đơn khiếu nại.