Hung thủ thực sự trong án oan Huỳnh Văn Nén đã nhận án 20 năm tù giam

Bị cáo Nguyễn Thọ
Bị cáo Nguyễn Thọ
(PLO) - Chiều 26/8, sau một ngày xét xử, TAND tỉnh Bình Thuận tuyên phạt Nguyễn Thọ (40 tuổi,ngụ huyện Hàm Tân) mức án 20 năm tù tội “Giết người”, 3 năm tù tội “Cướp tài sản”; tổng hình phạt 20 năm tù, buộc bồi thường cho phía bị hại 124 triệu đồng và một chiếc nhẫn.

Thọ bị cáo buộc đã giết bà Lê Thị Bông để cướp nhẫn vàng khiến ông Huỳnh Văn Nén ngồi tù oan gần 17 năm. HĐXX cho rằng hành vi của Thọ mang tính chất côn đồ, nguy hiểm, gây hoang mang cho xã hội đồng thời sau khi gây án đã bỏ trốn gây khó khăn trong việc điều tra.

Tuy nhiên, sau nhiều năm, Thọ đã nhận ra lỗi lầm và đầu thú, thành khẩn khai báo nên mức án trên là phù hợp. Nguyễn Thọ trình độ học vấn 5/12, từng bị TAND huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) tuyên phạt 2 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

Án mạng 18 năm trước

Phiên tòa bị muộn hơn 2 tiếng so với kế hoạch do nhân chứng không nhận được giấy triệu tập của TAND tỉnh Bình Thuận. Công an hỗ trợ tư pháp phải đưa xe đặc dụng vào Hàm Tân đưa nhân chứng đến tòa.

Theo cáo trạng, 23/5/1998, Thọ cùng Hồ Thanh Việt (ngụ cùng địa phương) đi dạo trên đường liên thôn thì nảy sinh ý định cướp giật dây chuyền của con gái bà Lê Thị Bông (sống cùng thôn) đi bán hàng khuya về. Tuy nhiên do sợ bị lộ, hai gã thanh niên từ bỏ ý định và chuyển qua trộm đầu máy video trong nhà bà Bông.

Khi Thọ vừa bước vào nhà thì bà Bông phát hiện. Sợ chủ nhà la lên, cả hai lao tới khống chế, siết cổ bà Bông đến chết. Trước khi rời khỏi hiện trường, Việt lột chiếc nhẫn vàng trên tay nạn nhân rồi cùng đến quán cà phê nằm ngủ. Sáng hôm sau, Thọ đi bán nhẫn vàng cướp được, bắt xe vào nam lẩn trốn.

Sau nhiều năm đổi tên, sống lông bông ở Campuchia và nhiều tỉnh thành phía Nam, ngày 10/10/2015, Thọ ra đầu thú. Còn Việt cũng trốn đi một thời gian sau đó bị bệnh qua đời. 12 ngày sau khi Thọ đầu thú, ông Huỳnh Văn Nén - người đã bị kết án oan chung thân vì bị cáo buộc sát hại bà Bông - được tại ngoại sau 17 năm thụ án. Hai tháng sau, ông Nén chính thức được đình chỉ bị can và minh oan.

Tại tòa, bị cáo Thọ khai: Ngày 23/8/1998, Thọ và Việt đi chơi sau đó lên kế hoạch vào gia đình bà Bông để trộm đồ vì nghĩ không có ai ở nhà. Bị bà Bông phát hiện, Thọ khống chế và dùng dây siết cổ nạn nhân tới chết.

Sau đó, Thọ và Việt rời hiện trường, ngày hôm sau kể lại cho hai người là anh Thành và anh Sáng biết mình đã giết bà Bông. Chiều 24/8, Thọ đón xe đi TP HCM, tiếp tục đón xe qua Bình Phước và Campuchia lẩn trốn.

Qua nhiều năm, Thọ cho rằng không biết ông Nén đi tù thay mình. Do hối hận, tới năm 2015, khi bị CSGT Đồng Tháp bắt, bị cáo mới khai nhận hành vi giết người.

Ngày xảy ra vụ án, Thọ cho rằng đã cùng Việt uống quá nhiều rượu bia, nên mới đi lòng vòng trong xóm, từ đó phát hiện gia đình bà Bông không có người thì vào trộm đồ, không bàn bạc hay có ý định giết người.

Vào nhà bà Bông, bị cáo đi trước. Khi tới giếng nhà nạn nhân, Việt lấy sợi dây dù để trên thành giếng, sau đó vào nhà đưa sợi dây cho bị cáo.

Chủ tọa phiên tòa tập trung thẩm vấn cách cắt dây ngoài giếng để chuẩn bị gây án. Đây là một trong những mấu chốt của vụ án bởi có 2 sợi dây và 2 con dao tại hiện trường. Thọ khai việc cắt dây là do Việt thực hiện, mình chỉ đứng chờ.

Bị cáo khai: "Khi bị cáo siết cổ bà Bông thì Việt tới đạp bà Bông một cái và tháo chiếc nhẫn trên tay. Sau khi ra khỏi nhà bà Bông, bị cáo vứt sợi dài bên lề đường, sợi dây này dài tầm 80- 90cm, đường kính 1-2 cm. Khi đi trên đường, bị cáo gặp ông Sáng.

Ông Sáng nói: “Bà Bông mất rồi, có phải tụi bây không?”, nhưng bị cáo không nói gì. Lúc ấy, ông Sáng nói với giọng đùa: “Nhìn mắt tụi bây tao nghi ngờ lắm”. Sau khi gặp ông Sáng, bị cáo sợ hãi và kể hết sự việc cho bạn thân là anh Thành.

Nhân chứng Thành xác nhận lời khai của bị cáo. Anh cho biết lúc đó cũng chưa tin Thọ là thủ phạm, vì có ai giết người mà kể ra vậy. Khi đang thụ án về một vụ án khác, anh Thành nghe tin ông Nén bị kết án vì giết bà Bông nhưng không nhận tội, anh Thành tố cáo Thọ xong không được xem xét.

Nhân chứng Trần Văn Sáng, nguyên Phó Công an xã Tân Minh, cho biết sau khi vụ án xảy ra, ông đã gặp Thọ và Việt và nghi ngờ hai người này giết bà Bông và đã báo cáo hai thanh niên này có mặt tại địa phương khi vụ án xảy ra với cấp trên.

VKS hỏi tại sao Thọ không đổ lỗi cho bạn mình là Việt đã chết, Thọ cho rằng mình đã phạm tội quá lớn với nạn nhân và gia đình nên không muốn gây thêm lỗi lầm cho người đã chết. 

Ông Huỳnh Văn Nén ngoài phiên tòa xét xử bị cáo Thọ
Ông Huỳnh Văn Nén ngoài phiên tòa xét xử bị cáo Thọ

Trường hợp hiếm trong lịch sử tố tụng

Con gái bà Bông trình bày: "Lúc tôi vào nhà lúc gần 11 giờ đêm, thấy đèn tắt hết. Tôi liền bật cầu dao lên và đi vào nhà lớn. Khi bật cầu dao thì toàn bộ điện chiếu sáng trong nhà vụt sáng. Đi vào nhà, tôi thấy mẹ nằm dưới đất, có tấm vải che mặt, tưởng mẹ bị té, nên tôi tới đỡ mẹ dậy thì mới biết mẹ đã chết.

Lúc đó tôi hoảng loạn la lên và ngất xỉu. Sau khi tỉnh dậy, tôi nhớ lại là lúc đó thấy sau đầu mẹ mình có dính máu nhưng vẫn nghĩ mẹ bị trúng gió nên bị té chứ không nghĩ bị sát hại”. Phía bị hại yêu cầu bồi thường 300 triệu tiền mai táng, tổn thất tinh thần và giá trị chiếc nhẫn 1 chỉ 24k.

Thọ khai, sau khi gây án, bị cáo không lục soát đồ, mà Việt tìm. Những dấu chân trên salon là của Việt. Thọ khai nhận mình là người che tấm vải lên mặt bà Bông.

Khi siết cổ, bị cáo không nhìn rõ mặt bị hại mà chỉ thấy nạn nhân có mái tóc xù. Khi đó, bà Bông còn nhúc nhích. Bị cáo không biết cầu dao điện ở đâu và cũng không phải là người cắt cầu dao điện.

Trả lời phần xét hỏi của đại diện luật sư chỉ định cho mình, Thọ cho biết không có ý định giết bà Bông mà chỉ trong giây phút hoảng loạn, muốn bịt miệng để nạn nhân khỏi la lên. "Trong quá trình chạy trốn tôi không hề hay biết về vụ việc oan sai của ông Huỳnh Văn Nén cũng như thông tin đồng phạm Hồ Thanh Việt chết. Đến khi đầu thú bị bắt mới biết", Thọ nói.

Luật sư bào chữa cho người bị hại cho biết lời khai của bị cáo không đúng với diễn biến vụ việc, ngụy biện đầu thú để hưởng sự khoan hồng, có nhiều mâu thuẫn. Đặc biệt việc không xem xét trách nhiệm hình sự và dân sự của Hồ Thanh Việt nên kiến nghị tòa trả hồ sơ điều tra lại. 

Tuy nhiên, VKS cho rằng luật sư suy diễn vì những lời khai bị cáo và các chứng cứ thu thập được từ pháp y, nhân chứng... đều có căn cứ. Đại diện VKS cũng nhận định đây là vụ án hiếm gặp trong lịch sử tố tụng Việt Nam, từ khi gây án đến lúc ra tòa kéo dài tới 18 năm.

Sau khi tòa kết thúc, đại diện gia đình nạn nhân cho biết không chấp nhận bản án và sẽ kháng cáo kể cả hình sự và dân sự.

Gia đình ông Nén không nhận được thông báo từ tòa nhưng vẫn vượt hơn 70 tới tham dự phiên tòa. Cha ông Nén có mặt tại tòa. Còn ông Nén không vào, chỉ đứng ngoài cổng theo dõi. Ông cho biết nơi đây ông quá ám ảnh không muốn vào.

Ông Nén là người duy nhất tại Việt Nam 2 lần bị kết án oan trong hai vụ giết người. Ngoài bản án oan trong vụ bà Bông, ông còn được xác định liên quan vụ giết bà Dương Thị Mỹ trước đó 5 năm (năm 1993).

Trải qua 12 năm nhưng không tìm được hung thủ, cơ quan tố tụng buộc phải tuyên 9 bị cáo trong "kỳ án vườn điều" này (đều là người trong gia đình vợ Nén) vô tội và bồi thường oan sai hơn một tỷ đồng. 

Đọc thêm

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.

Từ bạn tù đến đồng bọn ma túy, bộ ba lĩnh án chung thân

Các bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 10/1, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy đối với 3 bị cáo: Nguyễn Phú Long Thành (SN 1976, trú phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP. Hà Nội); Vi Xuân Hoài (SN 1954, trú xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) và Kha Văn Minh (SN 1977, trú xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An).

Phúc thẩm vụ án 'thuê người đánh ghen' ở Bến Tre

Các bị cáo tại phiên xử. (Ảnh: Bùi Yên)
(PLVN) - Ngày 7/1/2025, TAND tỉnh Bến Tre mở phiên xử phúc thẩm với các bị cáo Lê Thị Trang (SN 1982), Phạm Thành Lộc (SN 1998), Đinh Văn Chăng (SN 2004), Lê Đoàn Thiên Phúc (SN 2004) và Đinh Văn Hùng (SN 1978) cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”.

Bắt tạm giam chủ Mái ấm Hoa Hồng (TP HCM)

Tống đạt các quyết định tố tụng với hai bị can. (Ảnh: Công an cung cấp)
(PLVN) - Cơ quan CSĐT Công an TP HCM mới ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam với Giáp Thị Sông Hương (51 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng tại quận 12) và quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trang Mỹ Nhanh (72 tuổi, ngụ quận 12; bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) để điều tra hành vi "Hành hạ người khác".

Dùng dao chém mẹ vợ, con rể lãnh 9 năm tù

Bị cáo gần tại phiên tòa.
(PLVN) - Cuối phiên xử sơ thẩm ngày 2/1/2025, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Gần (SN 1975, ngụ xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang), 9 năm tù về tội "Giết người". Nạn nhân trong vụ án này là bà Trần Thị Tư (mẹ vợ của bị cáo).

Phạt tù 4 bị cáo chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng của người dân qua mạng điện thoại

Các bị cáo Tài, Chương (hàng đầu), Thái và Phúc (hàng thứ 2) (từ trái sang) tại phiên tòa
(PLVN) - Ngày 23/12, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án đối với các bị cáo gồm Nguyễn Thông Thái (SN 1995), Dương Văn Tài (SN 2000), Trương Hán Chương (SN 2000) và Hồ Minh Phúc (SN 1995) về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Các bị cáo cùng ngụ TP HCM.