Hội nghị ghi nhận những thành tựu của ASEAN trong việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đồng thời ủng hộ nỗ lực của các nước thành viên trong việc phát triển Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Hội nghị chúc mừng Indonesia đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch vào năm 2023 với chủ đề “Các vấn đề của ASEAN: Tâm điểm tăng trưởng” và hoan nghênh CHDCND Lào giữ vị trí Chủ tịch ASEAN vào năm 2024 với chủ đề “Tăng cường liên kết và khả năng tự cường”.
Ghi nhận tiến độ tích cực thực hiện các hoạt động hợp tác pháp luật và tư pháp của ASEAN kể từ ALAWMM lần thứ 11 như: nỗ lực nghiên cứu về hài hòa hóa luật thương mại; tăng cường năng lực của ASEAN về phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự; trợ giúp pháp lý trong các vấn đề dân sự và thương mại; đàm phán và xây dựng Hiệp định ASEAN về dẫn độ (AET), cùng ASLOM và Nhóm công tác ASLOM về AET hướng tới hoàn thành việc đàm phán dự thảo về AET trước tháng 9/2029; tiếp tục hợp tác với các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành khác của ASEAN (ASMB).
Các nước tham dự Hội nghị. |
Hội nghị hoan nghênh ALAWMM tiếp tục xây dựng và duy trì hoạt động hợp tác với các đối tác thứ 3, điển hình là việc tổ chức thành công Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Tư pháp ASEAN - Nhật Bản và Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN – G7 lần đầu tiên trong lịch sử. Hội nghị thảo luận về khả năng hợp tác trong việc chuyển giao người bị kết án tù và ghi nhận việc thành lập Nhóm công tác kỹ thuật giữa các nước thành viên ASEAN có cùng quan điểm để thực hiện khả năng xây dựng một hiệp định về chuyển giao người bị kết án tù.
Các nước tham dự Hội nghị. |
Hội nghị đánh giá cao việc ASLOM tiếp tục tham gia và phối hợp tích cực với các Cơ quan chuyên ngành khác của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề liên ngành, liên trụ cột hỗ trợ các sáng kiến khác của ASEAN trong Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, góp phần hiện thực hóa Kế hoạch chi tiết Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Hội nghị khuyến khích các sáng kiến với sự hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN nhằm thu hút sự tham gia của các bên liên quan khác như Hiệp hội Luật gia ASEAN và Hội đồng Chánh án tối cao các nước ASEAN để thúc đẩy pháp quyền và duy trì một ASEAN dựa trên luật lệ, coi trọng các công cụ pháp lý của ASEAN.
Các nước tham dự Hội nghị. |
Tại Hội nghị ALAWMM lần thứ 12 được tổ chức dưới sự chủ trì của bà Thi Da Oo, Bộ trưởng, Tổng chưởng lý Bộ Tư pháp Cộng hòa Liên bang Myanmar – Chủ tịch ALAWMM 12 và sự tham gia của đại diện của 10 nước ASEAN, thay mặt Đoàn đại biểu của Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Huyên nhấn mạnh thế giới đang chứng kiến nhiều biến động phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tăng trưởng chưa bền vững, thương mại phục hồi chậm, cạnh tranh nước lớn gay gắt, bất ổn địa chính trị ngày càng phức tạp, các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng.
Trong bối cảnh đó, ASEAN đã nỗ lực, đoàn kết khắc phục những khó khăn, thách thức cả từ bên trong và bên ngoài để tiếp tục phát triển ổn định, chuyển dịch mạnh mẽ theo xu hướng số hóa, phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực, củng cố vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như vai trò trung tâm trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, từ đó góp phần quan trọng vào hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Ông Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp. |
Tại Phiên họp chính thức của ASLOM 22 được tổ chức dưới sự chủ trì của bà Htain Lin Oo, Thứ trưởng, Phó Tổng chưởng lý Bộ Tư pháp Cộng hòa Liên bang Myanmar và sự tham gia đầy đủ của Trưởng ASLOM 10 nước ASEAN cũng như đại diện Đông Ti-mo với tư cách quan sát viên, , ông Nguyễn Hữu Huyên đánh giá cao vai trò quan trọng của cơ chế ALAWMM và ASLOM trong việc hiện thực hoá các mục tiêu của Cộng đồng an ninh – chính trị ASEAN, đặc biệt là hướng tới xây dựng một ASEAN dựa trên luật lệ, đảm bảo pháp quyền.
Kể từ kỳ ASLOM 21 (tổ chức tại Philippines vào tháng 10/2022) đến nay, các nước thành viên ASEAN đã nỗ lực triển khai những kết quả đạt được của ASLOM 21, đặc biệt là việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Nhóm Công tác ASLOM về Xây dựng Hiệp định ASEAN về dẫn độ và Nhóm Công tác về Hài hòa hóa pháp luật thương mại trong ASEAN; thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm của các bên trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp thông qua việc tổ chức các hội nghị, diễn đàn pháp luật ASEAN…
Trước thềm ASLOM 22 đã diễn ra Phiên họp lần thứ 12 Nhóm công tác về Hài hòa hóa pháp luật thương mại trong ASEAN (WG on HTL 12) do Singapore chủ trì. Tại Phiên họp, các nước thành viên ASEAN (Indonesia, Myanmar, Campuchia, Việt Nam…) đã cập nhật thông tin về tình hình triển khai ở mỗi nước về các nội dung chính: hài hòa hóa pháp luật ASEAN về trọng tài; thương mại điện tử; và tình hình tham gia công ước Singapore về hòa giải.
Sau một thời gian làm việc tích cực, Phiên họp WG on HTL, Hội nghị ASLOM 22 và Hội nghị ALAWMM 12 đã thành công tốt đẹp. Hy vọng rằng các nội dung được thống nhất tại Hội nghị sẽ được các nước thành viên nỗ lực thực hiện, thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp trong khối, góp phần hiện thực hoá Tầm nhìn ASEAN 2025, hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2045 và xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng Đoàn kết, thịnh vượng, thống nhất trong đa dạng.