Ts. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp |
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần thay đổi toàn diện, sâu sắc từ nhận thức đến cách làm
Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đó là thay đổi một cách toàn diện, sâu sắc từ tư duy, nhận thức đến cách làm. Đây cũng chính là động lực, cơ hội cho Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, trong đó PBGDPL nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước.
Tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật phải thực sự được thấm nhuần
Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã xác định rõ mục tiêu: Bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước. Đến năm 2030, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội.
Nghị quyết đề ra một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng đó là: “Ðẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Hiến pháp và pháp luật, về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”; “Tiếp tục đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật”; “đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thi hành pháp luật”.
Như vậy, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, việc bảo đảm tối đa quyền con người, quyền công dân, tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật phải thực sự được thấm nhuần, trở thành thói quen, chuẩn mực trong ứng xử, hình thành nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong Nhân dân, trong đó PBGDPL là khâu trọng yếu, đầu tiên. Trách nhiệm của Nhà nước trong kiến tạo, phục vụ sự phát triển xã hội và thực hiện trách nhiệm giải trình ngày càng phải được nâng cao, bảo đảm công khai, minh bạch cả về thể chế cũng như cơ chế tổ chức thực hiện.
Mặt khác, việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, hướng đến một nước Việt Nam công nghiệp, hiện đại vào năm 2030 cùng với chủ trương chủ động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, mạng xã hội đòi hỏi sự đổi mới cả về tư duy và cách làm trong quản trị Nhà nước, quản lý xã hội nói chung và công tác tổ chức thi hành pháp luật, thông tin, PBGDPL nói riêng.
Bối cảnh trên cùng với yêu cầu đổi mới công tác PBGDPL, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa đặt ra yêu cầu công tác PBGDPL cần có sự thay đổi một cách toàn diện, sâu sắc từ tư duy, nhận thức đến cách làm; đồng thời cũng chính là động lực, cơ hội cho Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, trong đó PBGDPL nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước; giữ vững chế độ chính trị, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân
Để triển khai kịp thời hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng đã đề ra tại Nghị quyết số 27 và tiếp tục thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư trong thời gian tới, công tác PBGDPL cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp.
Theo đó, tiếp tục xác định việc phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Hiến pháp, pháp luật, về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và yêu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới là nhiệm vụ trọng tâm của công tác PBGDPL, cần ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng và ý nghĩa của công tác PBGDPL đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; coi đó là một bộ phận không thể tách rời của công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Xác định Nhà nước giữ vai trò nòng cốt để xây dựng, thiết lập các điều kiện cần thiết giúp người dân có thể tiếp cận, chủ động chấp hành, tuân thủ, sử dụng pháp luật. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm thực hiện PBGDPL của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị khi thi hành công vụ cũng như trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả của công tác PBGDPL. Phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác và trách nhiệm nêu gương của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước trong việc tích cực, chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng nhấn mạnh.
Tiếp tục đổi mới nội dung PBGDPL, đa dạng hóa các hình thức, cách thức triển khai thực hiện bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, chú trọng đối tượng đặc thù; bám sát các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, các vấn đề nổi cộm. Tăng cường các hoạt động đối thoại, giải đáp vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành pháp luật. Phát huy thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác PBGDPL. Đẩy mạnh việc truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để tạo đồng thuận xã hội, coi đây là giải pháp quan trọng để gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường, coi đây là tiền đề trong việc giáo dục, hình thành ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật nghiêm minh của các công dân tương lai.
Phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL trong chỉ đạo, định hướng triển khai công tác PBGDPL; tăng cường trách nhiệm của thành viên Hội đồng trong chỉ đạo PBGDPL về ngành, lĩnh vực được giao quản lý, nhất là các văn bản, đề án Thủ tướng Chính phủ mới ban hành. Gắn kết công tác PBGDPL với công tác tuyên giáo, dân vận của hệ thống chính trị, công tác vận động quần chúng và các cuộc vận động, các phong trào xã hội rộng lớn do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận phát động.
Thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL. Thực hiện tốt công tác thông tin pháp luật để bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia văn bản quy phạm pháp luật (trung ương và địa phương); đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia và các cơ sở dữ liệu thông tin về pháp luật khác. Cung cấp đầy đủ các thông tin pháp luật trên Cổng/Trang Thông tin điện tử của Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương. Trọng tâm trong thời gian tới là tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL” theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ tham mưu công tác PBGDPL; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật theo hướng chuyên sâu, chuyên biệt cho đối tượng đặc thù, yếu thế; phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các tổ chức hành nghề luật như luật sư, luật gia. Có chính sách ưu tiên sử dụng đội ngũ người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số tham gia PBGDPL.
Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PBGDPL, trọng tâm là chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; kiểm tra, sơ kết, tổng kết, xây dựng, nhân rộng các cách thức, mô hình PBGDPL có hiệu quả; biểu dương, tôn vinh các gương sáng trong xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật. Nghiên cứu thiết lập cơ chế nắm bắt thông tin, thực hiện phản biện xã hội trong quá trình tổ chức hoạt động truyền thông dự thảo chính sách, PBGDPL để kịp thời phát hiện những điểm nghẽn, vướng mắc, bất cập, quy định chưa phù hợp trong quá trình xây dựng, thực thi chể chế, chính sách, từ đó đề xuất với cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật.
Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, hoàn thiện cơ chế phù hợp về ngân sách, tài chính phục vụ công tác PBGDPL theo hướng coi công tác PBGDPL là những hoạt động đặc thù mang tính mục tiêu, chú trọng hướng về cơ sở, các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa; các vấn đề pháp luật cấp bách cần được phổ biến, quán triệt ngay theo nhu cầu của người dân hoặc yêu cầu từ quản lý nhà nước. Tăng cường đa dạng hóa nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL; có cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia; tích cực thực hiện hợp tác quốc tế trong công tác PBGDPL.
TS.Lê Vệ Quốc
Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật
Bộ Tư pháp