Bị tố “thiếu công khai, minh bạch”
Nhận đơn phản ánh của anh Hồ Hữu Tuyến (42 tuổi, công tác tại Viện Dân tộc nhạc học) và chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (39 tuổi, Bộ phận Tại chức, Phòng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế) đều là viên chức đang công tác tại HVAN Huế, PV đã vào cuộc tìm hiểu sự việc.
Hai người này cho biết, họ cùng với hai người nữa có tên trong danh sách tinh giản biên chế trong Thông báo số 500/TB-HVAN ngày 24/8/2018 của Giám đốc HVAN Huế. Bản thân họ không đồng tình về việc này do danh sách những người bị tinh giản không thông qua tập thể. Bên cạnh đó, việc lấy lí do không hoàn thành nhiệm vụ là không hợp lý.
Anh Tuyến kể, năm 1999, sau khi ra trường, anh trúng tuyển biên chế dạy âm nhạc lần lượt tại trường tiểu học rồi THCS ở thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị). Đến ngày 30/12/2010, anh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý tiếp nhận theo Công văn số 4649/BVHTTDL-TCCB vào công tác ở HVAN Huế tại Phòng Công tác học sinh - sinh viên. Một năm sau, anh được điều động về công tác tại Viện Nghiên cứu âm nhạc (Nay là Viện Dân tộc Nhạc học - PV).
Đến năm 2017, anh được điều chuyển về công tác tại Phòng Công tác học sinh - sinh viên với nhiệm vụ tổ chức hoạt động phong trào. Cuối năm đó, cán bộ này lại được chuyển về công tác tại Phòng nghiên cứu khoa học và đối ngoại trong 6 tháng.
Tại Phòng nghiên cứu, mặc dù nhiều lần trình bày và kiến nghị lên cấp trên nhưng anh vẫn không được phân công nhiệm vụ cụ thể. Đầu năm 2018, anh tiếp tục bị chuyển về lại Viện Dân tộc Nhạc học rồi sau đó nhận được thông báo nằm trong danh sách tinh giản biên chế.
Theo anh Tuyến, từ khi vào làm việc tại HVAN Huế đến nay, dù liên tục bị điều chuyển công tác nhưng anh vẫn luôn phát huy các khả năng để làm tốt công việc được giao. “Tôi rất bất ngờ khi nhận được thông báo kèm theo danh sách tinh giản biên chế năm 2018. Trước khi nhận được thông báo, Ban Giám đốc Học viện không hề trao đổi gì với tôi cả. Tôi làm được rất nhiều việc gây tiếng vang, ví như khi vừa mới về trường, bản thân tổ chức được liên hoan ban nhạc cho HSSV mà tính đến thời điểm hiện tại chưa có cán bộ, giảng viên nào làm được.
Tôi còn điều hành ban nhạc trẻ của học viện biểu diễn hai bờ của sông Hương, dự nhiều kỳ Festival, được vô số bằng khen các loại. Dù không hề được đào tạo, quay dựng phim nhưng tôi vẫn mày mò và hoàn thành xuất sắc khi được cơ quan giao phó, dựng nhiều phim phục vụ các công trình nghiên cứu cấp bộ…”.
Thầy Tuyến cho hay bị nghỉ việc nhưng không công khai lập hội đồng xem xét, không báo trước. |
Sau gần 20 năm công tác, anh Tuyến đang hưởng hệ số lương 4,32. Vợ anh trước cũng là sinh viên HVAN Huế, chưa có việc làm, đang ở nhà nuôi hai con nhỏ (4 và 1 tuổi). “Một tháng lương tôi tầm 7 triệu còn chật vật, ở nhà thuê. Sắp tới phải đối diện nguy cơ thất nghiệp, không biết lấy gì mà sống đây. Nếu tinh giản đúng quy trình thì tôi vui vẻ chấp nhận nhưng đằng này, chả hiểu vì sao mình “bị”… Nhiều người bằng cấp, trình độ, đóng góp như tôi sao họ vẫn “yên vị”. Đặc biệt, không có tính dân chủ gì ở đây cả”.
Tương tự như trường hợp anh Tuyến, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung có chồng là một Phó khoa ở Học viện, chị cũng bức xúc không kém khi mình luôn đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” trong thời gian công tác ở trường, các năm học 2013-2014, 2015-2016 đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Ngoài ra Hồng Nhung còn là Tổ trưởng Công đoàn bộ phận.
Chị chia sẻ: “Tôi được tiếp nhận về học viện năm 2012 diện công chức biên chế. Quá trình công tác, tôi tham gia tích cực các công tác đoàn thể của đơn vị; chưa hề sai phạm cũng như chưa bị hình thức kỷ luật gì. Trước đó, không hề có ai nói gì với tôi là mình sắp bị tinh giản biên chế cả, nhưng sau này tôi mới biết mình bị nghỉ việc với lý do: “Ngạch viên chức không phù hợp vị trí việc làm”.
Chị Nhung phân tích, vị trí việc làm của chị tại khoa rất quan trọng, làm nhiệm vụ quản lý điểm, ra giấy chứng nhận tốt nghiệp, lập giấy báo dự thi, giấy trúng tuyển, theo dõi học viên thiếu, nợ điểm, tham mưu kế hoạch học lại, thi lại…
Dù có tên trong danh sách bị tinh giản nhưng hiện tại, 4 trường hợp trên vẫn tới trường hoàn thành công việc của mình, chị Nhung vẫn theo dõi các học viên nợ điểm, còn anh Tuyến vẫn tiếp tục với công trình nghiên cứu “Ca trù ở Quảng Bình”. “Còn ngày nào làm việc ở trường thì mình phải gắng. Chúng tôi mong rằng các cấp có thẩm quyền xem xét lại quy trình tinh giản biên chế ở HVAN Huế để chúng tôi được “tâm phục, khẩu phục”, nghỉ việc cũng vui vẻ”, chị Nhung mong muốn.
Dấu hiệu ưu ái người nhà, tránh né báo chí
Không chỉ bức xúc về việc mình bị tinh giản biên chế một cách bất thường, anh Tuyến và chị Nhung còn cho rằng, cùng ở hoàn cảnh giống mình nhưng trường hợp một người em trai của Giám đốc Nguyễn Việt Đức lại được ưu ái một cách bất thường.
Theo hai người này, em trai ông Đức tốt nghiệp đại học tại chức chuyên ngành lý luận âm nhạc rồi đi dạy ở một trường tiểu học trên địa bàn. Đến năm 2013, người này được tiếp nhận công tác ở Học viện. Sau đó, ông Nguyễn Việt Đức thành lập hội đồng cho em trai thi chuyển sang ngạch giảng viên.
Một số giảng viên cho rằng việc làm “âm thầm” này của ông Đức cũng cho rằng thiếu tính công khai. “Em trai của thầy Đức học tại chức, từ giáo viên tiểu học nhưng 6 tháng sau lại được chuyển sang ngạch giảng viên, khó tin thật. Nhưng người này cũng chỉ đi dạy tại chức, chưa bao giờ đứng dạy cho sinh viên chính quy”, một giảng viên nói.
Bên cạnh người em trai, hai con gái của vị Giám đốc Học viện này cũng đang công tác tại trường khiến nhiều người “hoài nghi”…
Để có thông tin đa chiều, PV nhiều lần đến Học viện này để đăng ký làm việc với ông Nguyễn Việt Đức nhằm nắm thông tin nhưng đều không có kết quả. PLVN liên tục liên lạc qua điện thoại với vị Giám đốc Học viện này nhưng vẫn không nhận được phản hồi.
Việc thực hiện tinh giản biên chế là một chủ trương hoàn toàn cần thiết khi bộ máy cán bộ, công viên chức hiện nay còn “cồng kềnh. Và nếu quá trình thực hiện công tác này đảm bảo đúng nguyên tắc thì việc thông tin đến dư luận một cách công khai, minh bạch cũng là điều hết sức cần thiết. Thế nhưng, người đứng đầu HVAN Huế lại “né” báo chí, phải chăng có khuất tất gì?
Học viện Âm nhạc Huế được thành lập ngày 8/11/2007, trụ sở chính của trường được đặt tại Cố đô Huế, đây là một trong 3 trường đào tạo âm nhạc bậc đại học tại Việt Nam (gồm có TP HCM và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Các chuyên ngành đào tạo của Học viện bao gồm: Sáng tác âm nhạc, Chỉ huy âm nhạc, Biểu diễn âm nhạc, Nhã nhạc Cung đình Huế... Nhiệm vụ chính của nhà trường là nghiên cứu và đào tạo âm nhạc ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đồng thời góp phần khôi phục bảo tồn, phát huy giá trị Nhã nhạc Cung đình Huế và Cồng chiêng Tây Nguyên, hai loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.